Đề tài được thực hiện dựa trên khảo sát thực tế ở 30 trường THCS của các huyện, thành phố trong Tỉnh với thời gian 18 tháng (từ tháng 10/2012 đến tháng 8/2014). Mục tiêu đề tài là xác định tỉ lệ các rối loại tâm lý, tâm thần thường gặp ở các học sinh THCS của tỉnh BR-VT. Qua đó, xây dựng và đánh giá hiệu quả của mô hình chăm sóc sức khoẻ tâm lý, tâm thần tại các trường THCS trong tỉnh BR-VT.
Theo kết quả nghiên cứu của đề tài, thực trạng sức khoẻ tâm lý tâm thần của học sinh tại các trường THCS có 19,2 % học sinh có vấn đề về sức khoẻ tâm lý, tâm thần; 13,2 % học sinh có biểu hiện trầm cảm; 13 % học sinh có biểu hiện rối loạn lo âu. Tỷ lệ mắc bệnh chủ yếu ở khối lớp 8, tăng dần theo độ tuổi, lớp học và thường rơi vào các gia đình các em có hoàn cảnh bạo lực gia đình và có hoàn cảnh kinh tế nghèo. Từ thực tế đó, chủ nhiệm đề tài đã đề xuất một số giải pháp, mô hình chăm sóc giúp các trẻ tiếp xúc với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tâm thần như Bệnh viện Tâm thần Tỉnh chịu trách nhiệm quản lý, điều trị cho các trẻ có vấn đề sức khỏe tâm lý, tâm thần; giáo viên tại các trường THCS cần quan tâm, tìm cách trợ giúp cho những học sinh có biểu hiện thường xuyên lo lắng và bất an, đồng thời gần gũi, chủ động trò chuyện, quan tâm đến học sinh để xóa khoảng cách giữa người học và người dạy; nhà trường phải thành lập phòng tư vấn tâm lý học đường trong trường học… Tỷ lệ học sinh có vấn đề có sức khoẻ tâm lý - tâm thần đã giảm đi sau khi có sự can thiệp của mô hình chăm sóc sức khoẻ tâm lý, tâm thần trong nhà trường THCS tỉnh BR-VT. Cụ thể trước can thiệp tỷ lệ là 19,2 % trẻ có vấn đề; sau can thiệp tỷ lệ giảm xuống còn 7,5 % trẻ có vấn đề.
Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao những kết quả đạt được của đề tài, đề tài có giá trị thực tiễn cao, các giải pháp, mô hình đưa ra có tính khả thi và phù hợp với điều kiện thực tiễn tại các trường THSC của tỉnh BR-VT. Đề tài được Hội đồng nhất trí nghiệm thu, xếp loại xuất sắc.