Tin KHCN trong nước
Nâng cao công nghệ sẽ có câu chuyện ‘thần kỳ’ cho Việt Nam (18/05/2023)
-   +   A-   A+   In  
Trong khuôn khổ Lễ chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nhiều nhà khoa học và đại diện doanh nghiệp đã chia sẻ về hành trình khởi nghiệp, ước mơ của mình đối với nền khoa học và công nghệ Việt Nam.

Nhà khoa học trẻ hãy tự tin chinh phục những vấn đề của thế giới

Là gương mặt đại diện nhà khoa học trẻ, TS Trương Thanh Tùng, Trưởng nhóm nghiên cứu thiết kế và tổng hợp thuốc, viện nghiên cứu Phenikaa; Giảng Viên khoa Dược, trường Đại học Phenikaa đã có những chia sẻ về quá trình nuôi dưỡng ước mơ nghiên cứu khoa học, phục vụ sự nghiệp chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Khi còn đi học, TS Tùng có niềm yêu thích với hoá học và theo học lớp chuyên Hoá tại trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi - Hải Dương. Sau khi giành giải 3 toàn quốc môn hoá, anh chọn theo học ngành Dược học của Trường ĐH Dược Hà Nội. Tại đây, anh có cơ hội được tham gia nghiên cứu khoa học từ rất sớm, con đường nghiên cứu cũng bắt đầu từ đây.

Sau khi tốt nghiệp đại học Dược, anh Tùng giành học bổng toàn phần để học Thạc sĩ tại ĐH Quốc gia Seoul Hàn Quốc, Tiến sĩ tại Đại học Copenhagen Đan Mạch, tham gia nghiên cứu tại các trường Đại học ở Phần Lan, Anh, Trợ lý giáo sư nghiên cứu tại Đại học Pittsburgh Mỹ.

Sau khi đã được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm nghiên cứu ở nhiều nước như Hàn Quốc, Đan Mạch, Phần Lan, Mỹ, anh đứng trước lựa chọn: Ở lại Mỹ, quay lại châu Âu hay trở lại Việt Nam?

"Lúc này, có ba câu hỏi đặt ra trong đầu tôi: Tôi đã có đủ kiến thức chưa? Về Việt Nam có thể làm nghiên cứu không? Và câu hỏi cuối cùng và quan trọng nhất: Vì sao mình trở về? Câu trả lời đã có từ chính lý do tôi lựa chọn đi tu nghiệp ở nước ngoài: Là một dược sĩ, với mục đích chính là chinh phục các đề tài nghiên cứu để phục vụ cho việc chăm sóc sức khoẻ toàn dân, sau khi đã có đủ kiến thức, kinh nghiệm, việc quay trở lại đóng góp cho đất nước, thực hiện mục đích ban đầu của tôi là điều chắc chắn. Do đó tôi đã quyết định quay trở về", anh Tùng chia sẻ.

Hướng nghiên cứu của anh Tùng sau khi về nước là tìm thuốc điều trị các bệnh "truyền nhiễm" và "bệnh hiếm". Việc lựa chọn này cũng mang đến nhiều khó khăn, đặc biệt cho nghiên cứu phát triển các thuốc mới. Trong quá trình nghiên cứu, nhiều lúc phải tổng hợp ra hàng trăm chất, mà không có chất nào có tác dụng, khiến công việc nghiên cứu đi vào ngõ cụt. Tuy nhiên, việc tìm kiếm, phân tích và niềm tin của nhà khoa học, anh Tùng và đồng sự bước đầu chinh phục những đích sinh học mới, giúp tìm ra những ứng viên làm thuốc tiềm năng, bước đầu công bố trên các tạp chí quốc tế. Có những nghiên cứu đã được chuyển thành đề tài hợp tác với các giáo sư đạt giải Nobel, như đề tài nghiên cứu thuốc thay thế kháng sinh kết hợp với GS Morten (Nobel hoá học 2022) để nghiên cứu thành các sản phẩm cho ứng dụng toàn cầu.

Hiện nay, nhóm của anh Tùng đã có kết quả nghiên cứu ban đầu về các sản phẩm peptide dùng ngoài da đang được thử nghiệm nhằm thay thế kháng sinh, bào chế các loại kem trị bỏng dùng cho bộ đội, nghiên cứu các loại chất mới thay thế kháng sinh dùng trong nông nghiệp, chăn nuôi, đảm bảo không có dư lượng kháng sinh trong thực phẩm, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.

"Tôi mong rằng qua câu chuyện của mình, các nhà khoa học trẻ ở Việt Nam sẽ tự tin, tự cường, chinh phục những bài toán khoa học hóc búa mà thế giới đang cần câu trả lời. Trung ương Đoàn đang xây dựng Công viên số tài năng trẻ Quốc gia, đây sẽ là kênh thông tin giúp kết nối các nhà khoa học trong nghiên cứu, phát triển dự án chuyển giao công nghệ", anh Tùng cho biết.

Chỉ dẫn địa lý giúp nâng giá trị vải thiều Lục Ngạn

Là địa phương chia sẻ về hiệu quả trong ứng dụng công nghệ vào sản xuất, ông La Văn Nam, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, Bắc Giang kể câu chuyện về vải thiều sau khi được cấp Chỉ dẫn địa lý được nâng giá trị trên thị trường khó tính. Năm 2006, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang phối hợp với UBND huyện Lục Ngạn, các cơ quan địa phương đề xuất với Cục Sở hữu trí tuệ triển khai hai dự án về tạo lập, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm vải thiều Lục Ngạn.

Ông La Văn Nam, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, Bắc Giang chia sẻ kinh nghiệm nâng cao giá trị vải thiều Lục Ngạn.

Ngày 25/6/2008, vải thiều Lục Ngạn được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Đây là sản phẩm đầu tiên của tỉnh được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý và cũng thuộc trong nhóm sản phẩm cây ăn quả đầu tiên trong cả nước được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Hiện vải thiều Lục Ngạn đã được đăng ký và cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể tại 7 quốc gia: Trung Quốc, Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Singapore, Australia và Mỹ. Vải thiều Lục Ngạn cũng là sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được cấp chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản năm 2021.

Ông Nam cho biết, việc tạo lập, quản lý và khai thác tài sản trí tuệ đạt hiệu quả cao, tạo sức lan tỏa rộng; danh tiếng, uy tín, chất lượng sản phẩm hàng hóa được nâng cao rõ rệt, tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ và xuất khẩu. Sau khi vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở trong và ngoài nước đã có tác động rất lớn đến sản xuất, tiêu thụ vải thiều, phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Hiện vải thiều được tiêu thụ ở nhiều siêu thị trong nước, xuất khẩu trên 30 quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Mỹ...

Ông cho biết, thời gian tới, huyện Lục Ngạn tập trung thực hiện một số nội dung như: duy trì và nâng cao chất lượng diện tích sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, mở rộng mô hình sản xuất vải thiều hữu cơ; triển khai nhân rộng việc áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (mã số mã vạch gắn với thông tin tra cứu về sản phẩm) để nhận diện và truy xuất được nguồn gốc các sản phẩm vải thiều; hỗ trợ ứng dụng công nghệ tiên tiến về bảo quản, chế biến vải thiều sau thu hoạch để nâng cao giá trị sản phẩm; tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vải thiều theo chuỗi giá trị; hỗ trợ tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu vải thiều Lục Ngạn.

Hành trình đưa chanh leo thành nguồn thu nhập tỷ đô

Là người tham luận tiếp theo, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Nafoods Group chia sẻ câu chuyện giúp ông đưa chanh leo về Việt Nam. Ông kể, bắt đầu lập nghiệp năm 1995 với ngành giải khát sau đó chuyển sang ngành nông nghiệp. Chỉ sau 5 năm, doanh nghiệp của ông trở thành nhà máy hiện đại nhất miền Trung chế biến dứa xuất khẩu. Thế nhưng đến năm 2000, nhà máy 150 tỷ "tiêu tan", nguyên nhân do mối quan hệ bốn nhà thất bại.

Ông bắt đầu tiếp cận nhà khoa học từ Đài Loan (Trung Quốc) đưa giống chanh leo về Việt Nam, thành lập viện nghiên cứu tại huyện Quế Phong, vùng gần biên giới Việt Lào. Từ còn số 0, công ty đã trở thành chuỗi quản lý vùng trồng, hướng tới trở thành nguồn thu nhập tỷ đô từ cây chanh leo.

Hiện tại, Nafoods có 6 loại giống chanh leo, sản phẩm từ cây chanh leo đã xuất khẩu đi 70 nước trên toàn thế giới, vượt qua Nam Mỹ, tạo ra giá trị 600 triệu USD. Ông Hùng nhận định, chanh leo là quả tỷ đô. Người nông dân trồng chanh leo có thể thu về 400 - 600 triệu đồng mỗi năm, nếu chịu khó chăm sóc có thể đạt doanh thu cả tỷ đồng, lợi nhuận hơn hẳn trồng cà phê.

Trong quá trình sản xuất, Nafoods còn tiên phong số hoá vùng trồng, tự mình sáng tạo quy trình chế biến. Ông Hùng cho biết, Nafoods áp dụng công nghệ để sản xuất chanh leo an toàn, đảm bảo chất lượng. Hiện tại dây chuyền chế biến đã được tự chủ động công nghệ 80%.

"Đối với sản xuất nông nghiệp, khoa học công nghệ rất quan trọng, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ cao, cần không ngừng cải tiến và đổi mới. Hiện tại đã có hơn 10 giáo sư, 15 tiến sĩ, các trường đại học hợp tác cùng Nafoods. Ở nước ngoài, các viện nghiên cứu ở Đài Loan, Nhật, Australia là đối tác của công ty", ông Hùng nói.

Hơn 10 năm thử nghiệm cây chanh leo đã có vùng trồng, cùng quy trình chế biến, xuất khẩu. Mỗi năm xuất khẩu 53 tỷ. "Nâng cao công nghệ sẽ có câu chuyện thần kỳ cho Việt Nam. Trong hành trình đạt kết quả như ngày hôm nay, mục tiêu 5 năm nữa chúng tôi sẽ có doanh thu xuất khẩu không dưới 500 triệu USD", Tổng giám đốc Nafoods nói.

Từ robocon đến sản phẩm chất lượng Việt Nam

Tham dự sự kiện, ông Nguyễn Đức Tài - CEO Công ty cổ phần Lumi Việt Nam - doanh nghiệp nhà thông minh và các thiết bị IoT, chia sẻ hành trình khởi nghiệp "Từ Robocon đến sản phẩm make in Vietnam".

Hành trình khởi nghiệp của Lumi bắt đầu từ 2008, khi ông Tài và các cộng sự là sinh viên năm thứ 3 thuộc đội Robocon Đại học Bách khoa Hà Nội. Họ đã phải chuẩn bị phát triển sản phẩm trong hơn một năm. Tư duy "làm sản phẩm" dã dần hình thành trong anh và cộng sự từ những ngày còn ngồi trên giảng đường. "Chúng tôi bắt đầu hy vọng một ngày từ kiến thức đã học sẽ trở thành những sản phẩm make in Vietnam, mang lại giá trị cho cuộc sống", ông Tài nói.

Năm 2012, Lumi Việt Nam ra đời. Để có chi phí cho công ty, doanh nghiệp dành 50% thời gian cho việc nghiên cứu, 50% thời gian dành cho việc kiếm tiền. Họ nhận làm các việc liên quan đến sửa chữa, thiết kế, lập trình hệ thống điện cho một số nhà máy như: nhà máy cán thép, nhà máy xi măng, trạm bơm nước; thậm chí chui xuống hầm than của một số mỏ than như Than Hà Tu, Than Hà Lầm... để sửa chữa hệ thống điện.

Ông Nguyễn Đức Tài chia sẻ về hành trình khởi nghiệp.

Và từ món quà công nghệ của đối tác quốc tế, chiếc công tắc cảm ứng đầu tiên được ra đời. Mỗi 3-4 tháng, họ tiếp tục tạo ra các sản phẩm mới. Sau 3 năm nghiên cứu và phát triển, giải pháp smarthome của Lumi ra mắt với các tính năng điều khiển hệ thống chiếu sáng, rèm tự động, cổng tự động, an ninh giám sát... thông qua ứng dụng trên app hoặc trợ lý ảo. Các thiết bị do các kỹ sư Việt Nam nghiên cứu chế tạo, sản xuất.

Để nền tảng nhà thông minh toàn diện hơn về hệ thống và tính năng, Lumi hợp tác với các hãng Hogar Control, EFL (Ấn Độ)... Đồng thời hợp tác với nhiều doanh nghiệp trong nước, như Việt Tiệp, Pavana, CNC Tech... Đến nay, Lumi thiết kế và phát triển 65 kiểu dáng sản phẩm khác nhau.

Sau 11 năm phát triển, Lumi có 135 thành viên với gần 50 kỹ sư nghiên cứu phát triển, 120 nhà phân phối trên cả 63 tỉnh; xuất khẩu Isarel, Thái Lan, Ấn Độ, Lebanol và triển khai nhiều dự án trọng điểm.

Doanh nghiệp kỳ vọng có thể hỗ trợ phát triển và đào tạo kỹ sư, góp phần phát triển khoa học đất nước. Những năm qua, Lumi hợp tác và tài trợ phòng Lab, chuyển giao giáo trình đào tạo IoT cho 12 trường đại học: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Sao Đỏ, Đại học Hồng Đức, Đại học Cần Thơ...

Ước mơ của doanh nghiệp và các nhà khoa học

TS Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí, đại diện các nhà khoa học Việt Nam ghi nhận về những chính sách hiệu quả về khoa học công nghệ đã được ban hành. Ông mong muốn Việt Nam có nhiều doanh nghiệp sở hữu công nghệ nền để vươn tầm khu vực và thế giới, tạo ra nhiều sản phẩm, tạo động lực khoa học công nghệ phát triển bền vững.

Đại diện cho doanh nghiệp trẻ, ông Nguyễn Đức Tài, CEO Công ty cổ phần Lumi Việt Nam cho biết khi tham gia triển lãm nước ngoài, nhận thấy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam còn rất mỏng. Ông Tài hy vọng sắp tới sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp trẻ xuất khẩu ra thế giới. Để có được điều này, các bạn trẻ cần kiên trì, có khát vọng cho sản phẩm Việt. Ông Tài cũng đưa ra kiến nghị về nguồn vốn vay từ chính phủ và có chính sách cho doanh nghiệp trẻ. Sản phẩm Việt được người Việt đón nhận, đầu tư công sẽ dành cho các sản phẩm Việt.

Ông La Văn Nam, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, đại diện lãnh đạo địa phương mong các nhà khoa học tiếp tục quan tâm đến người dân, đẩy mạnh nghiên cứu về thổ nhưỡng, nhân ra những giống mới có hiệu quả cao. Đồng thời, vận dụng kiến thức khoa học kỹ thuật để người dân sử dụng các hóa chất hữu cơ; đưa khoa học công nghệ vào giảm bớt sức lao động cho người dân. Ông mong muốn các nhà khoa học chú trọng nghiên cứu công nghệ sau thu hoạch, giúp người nông dân kéo dài thời gian bảo quản vải thiều.

Còn đại diện Nafood trăn trở về việc làm sao cho nhiều doanh nghiệp tư nhân được đầu tư vào nghiên cứu khoa học công nghệ. Ông cũng mong Việt Nam sớm cán đích xuất khẩu 1000 tỷ USD nông nghiệp.

TS Trương Thanh Tùng bày tỏ nguyện vọng Việt Nam có thể đào tạo thế hệ nhà khoa học trẻ kế cận, các sinh viên không cần ra nước ngoài học tập, sẽ có những sản phẩm khoa học do 100% người Việt thực hiện. "Tôi mong các nhà khoa học Việt Nam không chỉ nghiên cứu cho nhu cầu trong nước mà hỗ trợ cho cả nước ngoài, làm nhiệm vụ quốc tế". Ngoài ra TS Tùng cũng mong sẽ có thêm quỹ nhỏ cho các nhà khoa học tham gia nghiên cứu.

Sau phần chia sẻ, Thủ tướng Phạm Minh Chính lên sân khấu tặng hoa các diễn giả. Ông bày tỏ sự xúc động và cho biết, với tư cách Thủ tướng Chính phủ sẽ cùng các bộ làm hết sức mình để biến những ước mơ này thành sự thật.

 

Nguồn: vietQ.vn

Số lượt đọc: 4635

Về trang trước Về đầu trang