Tin KHCN trong nước
Bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm (13/03/2023)
-   +   A-   A+   In  
Thời gian qua, nhiều nhiệm vụ bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ được hỗ trợ, triển khai; nhiều sản phẩm chủ lực địa phương sau khi được bảo hộ sở hữu trí tuệ đã được người tiêu dùng biết đến rộng rãi, uy tín sản phẩm được nâng cao, giá trị sản phẩm gia tăng đáng kể trên thị trường trong nước và quốc tế.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt và các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm chủ lực của địa phương tại Hội nghị Sở hữu trí tuệ năm 2023. (Ảnh: TL)

Nhiều nhiệm vụ phát triển tài sản trí tuệ được hỗ trợ, triển khai

Theo ông Mai Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), thông qua Chương trình phát triển tài sản trí tuệ (TSTT) ở trung ương và địa phương, nhiều nhiệm vụ liên quan đến hỗ trợ nâng cao năng lực, bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ cũng đã được hỗ trợ, triển khai. Tính đến tháng 3/2023, có 128 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Việt Nam, bao gồm 13 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài, 115 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam.

Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phê duyệt hỗ trợ triển khai 32 nhiệm vụ về bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý trong năm 2021-2022, bao gồm: 26 nhiệm vụ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển TSTT cho các sản phẩm chủ lực địa phương; xây dựng tài liệu giới thiệu và hướng dẫn về sở hữu trí tuệ (SHTT) trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; đăng ký bảo hộ và quản lý biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia và khai thác, áp dụng sáng chế.

Bên cạnh đó, các địa phương đã phê duyệt hỗ trợ triển khai 122 nhiệm vụ từ nguồn kinh phí của tỉnh, trong đó có 21 nhiệm vụ hỗ trợ bảo hộ chỉ dẫn địa lý; 52 nhiệm vụ hỗ trợ bảo hộ, quản lý nhãn hiệu chứng nhận; 45 nhiệm vụ hỗ trợ bảo hộ và quản lý nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm chủ lực, chương trình mỗi xã một sản phẩm  (OCOP) và 4 nhiệm vụ hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực cho các chủ thể quyền.

Ông Mai Văn Dũng cũng cho biết, thông qua việc hỗ trợ bảo hộ, phát triển TSTT cho các sản phẩm chủ lực địa phương nói riêng và hoạt động SHTT nói chung đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường, dịch chuyển từ mô hình sản xuất đơn lẻ sang sản xuất tập trung; từ sản xuất, phát triển sản phẩm tự do sang sản xuất, kinh doanh sản phẩm bảo hộ quyền SHTT được kiểm soát về nguồn gốc và chất lượng.

Cùng với đó, việc bảo hộ SHTT cho các sản phẩm đặc thù địa phương còn góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa dân tộc, tri thức truyền thống, phát huy và tôn vinh giá trị sản phẩm được sản xuất theo quy trình bản địa. Nhiều sản phẩm sau khi được bảo hộ SHTT, người tiêu dùng đã biết đến rộng rãi, uy tín sản phẩm được nâng cao, giá trị sản phẩm gia tăng đáng kể.

Đặc biệt, thông qua hỗ trợ của Cục Sở hữu trí tuệ, vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang và thanh long Bình Thuận đã lần lượt được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản nào năm 2021. Sự kiện quan trọng này đã đánh dấu bước tiến lớn, thiết lập một thành tựu mới trong hoạt động bảo hộ quyền SHTT cho các sản phẩm chủ lực quốc gia. Việc Nhật Bản bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Lục Ngạn và thanh long Bình Thuận cũng minh chứng cho nền nông nghiệp Việt Nam đã chuyển mình, khẳng định doanh nghiệp và người dân Việt Nam có đủ năng lực sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn của những quốc gia khó tính nhất thế giới.

Theo ông Mai Văn Dũng, “đã có nhiều mô hình điểm, điển hình đáng ghi nhận trong thời gian qua. Đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh tới cấp xã trong công tác xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Sơn La; lồng ghép hiệu quả giữa sở hữu trí tuệ và sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh; phát triển tài sản trí tuệ gắn với khôi phục, phát triển các ngành nghề truyền thống kinh đô Huế của tỉnh Thừa Thiên-Huế…”.

Có thể thấy, sự kết nối chặt chẽ giữa Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ và Chương trình OCOP trong giai đoạn vừa qua đã thúc đẩy việc khai thác tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP.

Thực tế cho thấy đã có 145 sản phẩm OCOP khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý, như: chè Shan Tuyết Hoàng Su Phì của tỉnh Hà Giang; chè Tân Cương của tỉnh Thái Nguyên; cà phê của tỉnh Sơn La, lúa gạo ở tỉnh Sóc Trăng và tỉnh An Giang...

Theo ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, hiện nay hoạt động sở hữu trí tuệ ngày càng gắn kết với hoạt động chung của Chính phủ, Bộ KH&CN, các bộ, ngành và địa phương. Ở cấp địa phương, các Sở KH&CN luôn là một địa chỉ tin cậy để người nộp đơn, doanh nghiệp đề nghị giúp đỡ, tư vấn hướng dẫn, hỗ trợ về các thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Trong năm 2022, đã có 38 tỉnh, thành phố ban hành 57 văn bản thể hiện các cơ chế, chính sách phát triển tài sản trí tuệ dưới các hình thức khác nhau, 132 nhiệm vụ được các địa phương triển khai thực hiện với 118 sản phẩm đặc thù địa phương được hỗ trợ bảo hộ, quản lý quyền sở hữu công nghiệp, 268 doanh nghiệp và 320 tổ chức tập thể được hỗ trợ, gần 19.000 lượt người được tập huấn, đào tạo về sở hữu trí tuệ…

Việc hỗ trợ bảo hộ, phát triển TSTT cho sản phẩm chủ lực địa phương đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường. (Ảnh: TL)

Nâng cao hiệu quả khai thác tài sản trí tuệ

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Mai Văn Dũng cũng lưu ý, vẫn còn những thách thức trong công tác bảo hộ, phát triển TSTT như: Chưa có nhiều sản phẩm chế biến được bảo hộ chỉ dẫn địa lý; chủ yếu vẫn là sản phẩm hoa quả, chiếm 35% tổng số chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, thủy sản 14%, dược liệu 10%, sản phẩm từ cây công nghiệp 10%, gạo 9%...

Cùng với đó, mô hình quản lý về hệ thống kiểm soát chỉ dẫn địa lý chưa thống nhất: UBND tỉnh chếm 7%, Sở KH&CN 36%, UBND cấp huyện 35%, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 9%... Hoạt động tổ chức áp dụng các công cụ quản lý, kiểm tra, giám sát sử dụng chỉ dẫn địa lý chưa được thực hiện hoặc thực hiện không thường xuyên trên thực tế. Vì vậy, các hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp chưa được xử lý kịp thời gây mất uy tín cho sản phẩm của các chủ thể đã được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý.

Để khắc phục hạn chế trên, ông Mai Văn Dũng cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu, ban hành các cơ chế, giải pháp hỗ trợ thúc đẩy tạo ra TSTT, đặc biệt là cho các nhóm chủ thể doanh nghiệp và nhóm sản phẩm chủ lực, đặc thù, sản phẩm OCOP địa phương. Cần đổi mới cách tiếp cận, xem sở hữu trí tuệ như công cụ để bảo vệ, quản lý và phát triển giá trị, chứ không chỉ là mục tiêu, kết quả cuối cùng là sản phẩm được bảo hộ. Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò của quản lý nhà nước về quản lý, kiểm soát nguồn gốc chất lượng sản phẩm được bảo hộ. Đẩy mạnh việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT nói chung và nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý nói riêng ở nước ngoài nhằm tạo điều kiện thuận lợi để quảng bá, phát triển hình ảnh, khẳng định vị thể cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Tại hội nghị Sở hữu trí tuệ năm 2023 vừa tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đề nghị cần triển khai các chính sách khuyến khích hoạt động khai thác tài sản trí tuệ. Đây là giải pháp đột phá để Bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, viện, trường thực hiện hoạt động đổi mới sáng tạo.

Ngoài ra, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng cho rằng, cần có giải pháp nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sở hữu trí tuệ, coi đây là một trong những giải pháp đột phá nhằm giải quyết dứt điểm tồn đọng trong hoạt động xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong thời gian tới.

Đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, khuyến khích, nâng cao hiệu quả khai thác tài sản trí tuệ, ông Trần Lê Hồng cho rằng, các Sở KH&CN cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành ở địa phương trong việc tham mưu, tổ chức triển khai chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ, hướng dẫn, hỗ trợ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các hoạt động sở hữu trí tuệ của mình, từ việc đăng ký, xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho đến khai thác, sử dụng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Từ đó, góp phần quan trọng vào sự phát triển toàn diện và hiệu quả hệ thống sở hữu trí tuệ của Việt Nam, thúc đẩy hơn nữa hoạt động đổi mới sáng tạo, làm giàu tài sản trí tuệ - một nguồn tài nguyên tạo nên nội lực quốc gia phục vụ trực tiếp cho sự phát triển bền vững./.

 

Nguồn: dangcongsan.vn

Số lượt đọc: 4700

Về trang trước Về đầu trang