Tin KHCN trong nước
Các nhà quản lý, khoa học hiến kế phát triển V-KIST (24/11/2017)
-   +   A-   A+   In  
Không xem nhẹ nghiên cứu cơ bản, đề xuất một số hướng nghiên cứu khả thi, chia sẻ về hướng phát triển ngắn và dài hạn của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (V-KIST)... là những nội dung được các nhà khoa học chia sẻ tại Diễn đàn Khoa học “Công nghệ thông tin và Công nghệ sinh học của Việt Nam: Thực trạng phát triển và lĩnh vực tiềm năng của V-KIST”.

Diễn đàn là một nội dung được tổ chức ngay sau Lễ Khởi động V-KIST được tổ chức sáng 21/11 vừa qua với mong muốn lấy ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, khoa học đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức KH&CN trong nước để bàn về những vấn đề phát triển của V-KIST trong thời gian tới.

Các diễn giả được mời đến Diễn đàn gồm có: Th.S Phan Ngọc Mai Hương, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); PGS.TS Hoàng Minh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN (Bộ KH&CN); TS Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Vaccine và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH); TS Kum Dongwha, Viện trưởng V-KIST.



Toàn cảnh Diễn đàn

 

Cầu nối giữa các nghiên cứu và thương mại: phù hợp trong giai đoạn đầu

Với kỳ vọng của V-KIST muốn đặt vị trí kết nối với các viện nghiên cứu và hoạt động công nghiệp, đặt phần tri thức sáng tạo ở mức cao, ý kiến của nhiều đại biểu cho rằng, cần đặt vị trí nghiên cứu cơ bản ở vị trí xứng đáng. “Ví dụ lĩnh vực dược phẩm, việc đánh giá đúng các hoạt chất, đánh giá tác dụng của hoạt chất với các tác dụng cụ thể thì lúc đó rất cần nghiên cứu cơ bản”- TS Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Vaccine và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) cho biết . 

Bình luận về việc V-KIST chọn mục tiêu cầu nối giữa các nghiên cứu và thương mại, PGS.TS Hoàng Minh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN (Bộ KH&CN) cho biết: “Cá nhân tôi ủng hộ quan điểm của V-KIST khi giai đoạn ban đầu lựa chọn vùng ranh giới giữa lý thuyết và thương mại hóa. Đây là lựa chọn khôn ngoan. Tuy nhiên, tôi thấy chỉ phù hợp trong giai đoạn 5 năm đầu, sau 5 năm, chiến lược này cần phải thay đổi vì tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.

Theo PGS.TS Hoàng Minh, với sự “tấn công” của CMCN 4.0, chuỗi hoạt động công nghệ có những hoạt động không còn tuần tự nữa mà có thể tiến thẳng từ lý thuyết sang thương mại hóa. Với xu hướng này, vai trò kết nối lý thuyết và thương mại của V-KIST có thể trong tương lai sẽ bị mờ đi, và đương nhiên, nếu vẫn định hướng “Kết nối” như ban đầu thì vô hình chung sẽ tự nhiên thu hẹp “lãnh địa” hoạt động.

PGS.TS Hoàng Minh cũng đưa ra khuyến nghị: “Cần đưa ra các chỉ tiêu định lượng để giữ được vai trò là viện nghiên cứu mang tính kết nối”. 

Đề xuất thêm một số hướng nghiên cứu

Đại diện của Công ty cổ phần dược phẩm Traphaco cũng đề xuất: với hướng phát triển công nghệ sinh học, khuyến nghị nên đầu tư nghiên cứu nguồn nguyên liệu dược liệu tự nhiên của Việt Nam. V-KIST nên đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp hóa dược, sản phẩm chăm sóc sức khỏe chiết xuất từ thiên nhiên, dược liệu tổng hợp.

Việt Nam thuộc top 20 thế giới về đa dạng sinh học về cây thuốc, trên 4000 loài thực vật có tác dụng làm thuốc... Việt Nam cũng được biết đến như cái nôi của các bài thuốc dân gian cổ truyền. Có những tài liệu y văn hiện giữ lại được các bài thuốc, vị thuốc quý của Hải Thượng Lãn Ông, hay gần đây là của GS.TSKH Đỗ Tất Lợi... Đây là cơ sở để phát triển khả quan lĩnh vực dược liệu mà trọng tâm là lĩnh vực thuốc chăm sóc sức khỏe từ thiên nhiên.

Góp ý thêm về hướng nghiên cứu V-KIST nên chú trọng phát triển trong thời gian tới, ông Lý Hoàng Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ KH&CN) cho rằng, vật liệu nano là hướng nghiên cứu rất tiềm năng của Việt Nam. Việt Nam là quốc gia có trữ lượng đất hiếm cao. Đây là nguồn nguyên liệu được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp như mô tơ điện, pin năng lượng mới, nam châm đất hiếm... Tuy nhiên, để phát triển được hướng nghiên cứu này đòi hỏi công nghệ và đầu tư cao. Hy vọng với tiềm năng của V-KIST thì công nghệ này sẽ phát triển tại Việt Nam.

Chia sẻ kinh nghiệm quản trị cho hệ thống các tổ chức nghiên cứu của Việt Nam

Đại diện dự án Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan cũng chia sẻ, mô hình quản trị, điều hành của V-KIST cũng đang được nhiều nhà quản lý KH&CN Việt Nam trông đợi. Vị đại diện này cũng rất ấn tượng khi ngay việc đầu tiên xác định sứ mệnh của V-KIST, Viện cũng tổ chức điều tra rất bài bản, khoa học, có số liệu phân tích trước khi đưa ra quyết định. Điều này rất thiếu vắng trong quá trình thành lập, điều hành quản lý của các viện nghiên cứu tại Việt Nam. Sự thành công của V-KIST sẽ là bài học quý để chia sẻ kinh nghiệm cho vận hành hệ thống các tổ chức nghiên cứu của Việt Nam.

Trả lời về những chia sẻ, đóng góp ý kiến của các nhà quản lý, nhà khoa học tại Diễn đàn, TS Kum Dongwha, Viện trưởng V-KIST cho biết: Hiện Viện đang trong giai đoạn chuẩn bị chi tiết các công việc như trang thiết bị, mô hình quản trị, vận hành, tuyển dụng, đào tạo... Tuy nhiên, TS Kum khẳng định: “Mô hình V-KIST để đảm bảo thành công thì hoạt động nghiên cứu là công việc quan trọng”. Chính vì vậy V-KIST vẫn luôn chào đón các nhà khoa học trong và ngoài nước thực sự có tâm huyết, trí tuệ để góp sức xây dựng Viện vững mạnh như kỳ vọng của Bộ KH&CN, Chính phủ đặt ra.

Nguồn: most.gov.vn

Số lượt đọc: 5255

Về trang trước Về đầu trang