Tin KHCN trong nước
Chia sẻ kinh nghiệm giám sát, đánh giá tổ chức nghiên cứu của quốc tế (23/11/2017)
-   +   A-   A+   In  
Ngày 22/11, tại Hà Nội, Ban Quản lý Tiểu dự án “Hoàn thiện hệ thống thống kê, đánh giá, đo lường KH&CN và đổi mới sáng tạo” (Tiểu dự án First – Nasati), Cục Thông tin KH&CN Quốc gia tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm giám sát, đánh giá tổ chức nghiên cứu của quốc tế và hiện trạng giám sát, đánh giá ở Việt Nam”.

Hội thảo được tổ chức nhằm trao đổi, học tập kinh nghiệm về hoạt động giám sát, đánh giá tổ chức KH&CN công lập; Đánh giá hiện trạng về hoạt động giám sát và đánh giá tổ chức nghiên cứu và phát triển công lập ở Việt Nam; Giới thiệu đề xuất mô hình và khung đánh giá hệ thống giám sát và đánh giá tổ chức nghiên cứu và phát triển công lập phù hợp trong điều kiện Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Đào Mạnh Thắng – Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia cho biết: công tác giám sát, đánh giá là một công cụ hữu hiệu phục vụ cho công tác quản lý, điều hành trong tất cả các lĩnh vực trong đó có lĩnh vực KH&CN. Tuy nhiên, lĩnh vực KH&CN có đặc thù riêng, kết quả đầu ra, cũng như tác động của hoạt động KH&CN đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội rất khó để đo lường cũng như có đánh giá về mặt định lượng chính xác. Tác động và kết quả đó thường xuất hiện sau một thời gian khi các hoạt động KH&CN đã được triển khai.

Hoạt động giám sát đánh giá về KH&CN được triển khai ở nhiều nước, đặc biệt là những nước có nền KH&CN phát triển. Kinh nghiệm quốc tế về giám sát và đo lường KH&CN được các tổ chức quốc tế quan tâm và đưa ra những tiêu chí chuẩn để đánh giá. Việc học tập kinh nghiệm của quốc tế trong lĩnh vực này sẽ mang lại bài học kinh nghiệm để áp dụng phù hợp với điều kiện ở Việt Nam. Ông Đào Mạnh Thắng nhấn mạnh.
 


Ông Đào Mạnh Thắng – Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia phát biểu tại Hội thảo

 

Theo ông Đào Mạnh Thắng, hoạt động giám sát và đánh giá có nhiều hình thức khác nhau như đánh giá về các tổ chức KH&CN, các nhà khoa học, các chương trình, dự án về KH&CN. Trong đó đánh giá tổ chức KH&CN là một trong những hoạt động khó khăn nhất vì có nhiều tiêu chí, khía cạnh để đánh giá các tổ chức KH&CN ở Việt Nam, chính vì vậy công tác giám sát, đánh giá các tổ chức KH&CN trong thời gian qua được quan tâm tuy nhiên cần phải có khung đánh giá, giám sát phù hợp.

Trong lĩnh vực giám sát đánh giá, vấn đề đầu tiên đặt ra là phải có sự thống nhất về nhận thức, quan điểm, cách tiếp cận đối với hoạt động giám sát, đánh giá xem mục tiêu cuối cùng của hoạt động này nhằm phục vụ cho công tác quản lý điều hành, phân bổ kinh phí, đảm bảo những nguồn lực đầu tư có được sử dụng hiệu quả và đúng mục đích hay không, hay mục đích công tác này giám sát và đánh giá nhằm góp phần cải thiện nâng cao chất lượng hiệu quả công tác của các tổ chức được đánh giá. Ông Đào Mạnh Thắng cũng bày tỏ mong muốn Hội thảo hôm nay với sự tham gia của các chuyên gia đến từ các đơn vị quản lý, các viện/ trường cùng thảo luận, góp ý để hoàn thiện khung giám sát đánh giá cho các tổ chức KH&CN của Việt Nam phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia chia sẻ về kinh nghiệm giám sát, đánh giá tổ chức nghiên cứu của quốc tế và hiện trạng giám sát, đánh giá ở Việt Nam như: Thực trạng về giám sát và đánh giá tổ chức nghiên cứu và phát triển ở Việt Nam và đề xuất giải pháp cho giám sát và đánh giá tổ chức nghiên cứu và phát triển ở Việt Nam; Công tác quản lý và đánh giá kết quả hoạt động KH&CN ở Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; Đánh giá tổ chức nghiên cứu và phát triển tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Đánh giá hoạt động nghiên cứu khoa học tại TP Hồ Chí Minh; Kinh nghiệm giám sát và đánh giá tổ chức KH&CN công lập của Trung Quốc; Đánh giá hoạt động nghiên cứu khoa học trong trường đại học; Đánh giá tổ chức giáo dục đại học và nghiên cứu bởi Hceres, Pháp; Mô hình và Khung giám sát và đánh giá tổ chức Nghiên cứu và phát triển công lập cho Việt Nam.

TS Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển (DEPOCEN) chia sẻ 7 kinh nghiệm để thực hiện công tác giám sát và đánh giá tổ chức KH&CN công lập ở Việt Nam gồm: Nâng cao nhận thức và hiểu biết về giám sát và đánh giá; Xác định rõ vai trò và trách nhiệm, quyền hạn của các bên liên quan; Tăng cường tính pháp lý và hiệu lực của các văn bản pháp luật; Tăng cường nguồn lực thực hiện giám sát và đánh giá; Xây dựng phương pháp luận và phương pháp phù hợp; Xây dựng bộ chỉ số đánh giá và giám sát phù hợp; Phổ biến và sử dụng kết quả giám sát và đánh giá.

TS Đinh Ái Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng chia sẻ, để đánh giá hoạt động nghiên cứu khoa học trong các trường đại học cần phổ biến, quảng bá hoạt động đánh giá hoạt động động KH&CN nói chung, hoạt động KH&CN trong các trường đại học nói riêng để nâng cao hiểu biết và văn hóa đánh giá trong cộng đồng KH&CN; Việc đánh giá hoạt động KH&CN nói chung, hoạt động KH&CN trong các trường đại học nói riêng cần thực hiện trong phạm vi toàn quốc; Cần xây dựng lộ trình đánh giá để tiến tới mọi tổ chức KH&CN, mọi trường đại học đều được đánh giá định kỳ; Đánh giá hoạt động KH&CN nói chung, hoạt động KH&CN trong các trường đại học nói riêng cần dựa tiêu chuẩn đánh giá theo chuẩn quốc tế.

Trong khuôn khổ Hội thảo, GS. TS Mu Rongping, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Phát triển, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã có bản tham luận khá công phu về kinh nghiệm triển khai hoạt động giám sát, đánh giá tại các tổ chức nghiên cứu phát triển, các tổ chức thuộc đơn vị quản lý nhà nước… tại Trung Quốc. Đồng thời, nêu ra một số đề xuất để hoạt động giám sát, đánh giá tại Việt Nam có thể triển khai có hiệu quả.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận và góp ý cho khung hệ thống giám sát, đánh giá tổ chức nghiên cứu và phát triển công lập phù hợp trong điều kiện của Việt Nam để sớm trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt và áp dụng phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Nguồn: most.gov.vn

Số lượt đọc: 1699

Về trang trước Về đầu trang