Những kết quả đáng ghi nhận
Ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 569/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN và ĐMST) đến năm 2030. Chiến lược này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ riêng với ngành KH&CN mà với toàn hệ thống chính trị bởi vai trò của KH,CN&ĐMST trong 10 năm tới là đột phá chiến lược, có ý nghĩa quyết định tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo nền tảng đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trong Chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2030 đã được Đại hội Đảng lần thứ XIII thông qua, đưa Việt nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045.
Chiến lược phát triển KH,CN và ĐMST đến năm 2030 khẳng định vai trò của KH,CN&ĐMST là đột phá chiến lược, là động lực chính của tăng trưởng kinh tế; Phát triển KH,CN&ĐMST để đáp ứng các yêu cầu, ứng phó thách thức và tận dụng cơ hội đặt ra từ bối cảnh mới như cuộc CMCN lần thứ tư, chuyển đổi số, cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia, các vấn đề an ninh phi truyền thống; Chiến lược làm rõ nội hàm về ĐMST, theo đó ĐMST sẽ chuyển ý tưởng, tri thức thành kết quả cụ thể như sản phẩm, dịch vụ, quy trình,... nhằm mang lại lợi ích gia tăng cho KT-XH, ĐMST không tách rời KH&CN, tập trung phát triển hệ thống ĐMST quốc gia, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh.
Chiến lược chỉ rõ bên cạnh việc theo đuổi phát triển công nghệ mới và mở rộng đường biên công nghệ, cần tập trung thúc đẩy áp dụng, lan tỏa nhanh các công nghệ hiện có vào nền kinh tế, thúc đẩy năng lực ứng dụng, hấp thụ và làm chủ công nghệ của doanh nghiệp, Tăng cường năng lực quản lý, quản trị công nghệ và ĐMST của doanh nghiệp; Chiến lược yêu cầu tập trung xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội; cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới, chấp nhận rủi ro trong triển khai và ứng dụng công nghệ mới, ĐMST, mô hình kinh doanh mới; Tăng cường xã hội hoá các nguồn đầu tư cho KH,CN&ĐMST, đặc biệt từ doanh nghiệp; gắn kết chặt chẽ KHXH&NV với khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ trong quá trình triển khai các nhiệm vụ phát triển KT-XH; Xác định rõ các chỉ tiêu, chương trình hành động để ứng dụng và phát triển KH,CN&ĐMST trong mọi mặt hoạt động ở các cấp, các ngành, địa phương…
Theo Bộ KH&CN, xác định nhiệm vụ chủ trì xây dựng Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST là một nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về KH,CN&ĐMST, được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua Bộ KH&CN đã tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế để chuẩn bị và tổ chức xây dựng Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030.
Để chuẩn bị xây dựng Chiến lược, ngay từ năm 2020 Bộ KH&CN đã tích cực, chủ động đề xuất các nội dung KH,CN&ĐMST vào các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, qua đó làm căn cứ để xác định các quan điểm, mục tiêu, định hướng nhiệm vụ, giải pháp phát triển KH,CN&ĐMST và gia tăng đóng góp của KH,CN&ĐMST vào phát triển KT-XH đất nước trong giai đoạn 2021-2030, làm cơ sở để xây dựng Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030.
Trong quá trình xây dựng Chiến lược, Bộ KH&CN đã rà soát, bám sát các Nghị quyết, văn bản quan trọng của Đảng và Nhà nước để cụ thể hóa thành các quan điểm, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược. Bộ KH&CN cũng chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Australia (CSIRO)... để nghiên cứu, chuẩn bị các luận cứ phục vụ xây dựng Chiến lược.
Các mục tiêu, giải pháp của Chiến lược được xây dựng dựa trên cơ sở khoa học, bám sát xu hướng phát triển, rút kinh nghiệm từ những lần xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển KH&CN trước đây và tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia có điều kiện tương đồng với Việt Nam nhằm tận dụng các thời cơ, vượt qua thách thức trong bối cảnh mới có nhiều thay đổi, phức tạp và biến động khó lường so với trước đây.
Thời gian qua, ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược, Bộ KH&CN đã tích cực triển khai các nội dung của Chiến lược vào các hoạt động cụ thể, đồng thời đã tổ chức các hội nghị, hội thảo tập huấn, phổ biến, hướng dẫn Chiến lược tại nhiều bộ, ngành, địa phương. Văn bản chiến lược cũng đã được dịch sang tiếng Anh, Nga, Pháp, Tây Ban Nha, Trung để phổ biến đến các quốc gia trên thế giới. Một số bộ, ngành đã và đang xây dựng chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST của ngành và xây dựng Kế hoạch để triển khai Chiến lược của quốc gia như: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngân hàng TW, Bộ Công an… Nhiều địa phương đã và đang chuẩn bị ban hành Kế hoạch triển khai Chiến lược quốc gia như Hưng Yên, Hà Nam, Bến Tre, Hà Nội, Nghệ An, Cao Bằng, Quảng Bình,…
Ảnh minh hoạ
Đẩy mạnh triển khai chiến lược theo chiều sâu
Thời gian tới, để thực hiện thành công các mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược, ngành KH&CN rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với sự chung tay, góp sức của tất cả các ngành, các cấp, các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội để KH,CN&ĐMST thật sự là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, đóng góp hiệu quả vào hoàn thành các mục tiêu phát triển đất nước trong giai đoạn tới đây như đã được Đại hội lần thứ 13 của Đảng đề ra.
Nghị quyết số 05-NQ/TW Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030 đã khẳng định phải đổi mới mô hình tăng trưởng của nước ta theo hướng “chuyển dần từ dựa vào gia tăng số lượng các yếu tố đầu vào của sản xuất sang dựa vào tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo”. Tuy nhiên, chưa có các mô tả định lượng để giúp hình dung và cụ thể hóa thành các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, do đó cần thiết phải có một bộ chỉ số mô tả hiện trạng mô hình phát triển KT-XH dựa trên KHCN&ĐMST, qua đó cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn về điểm mạnh, điểm yếu, về các yếu tố tiềm năng và điều kiện cần thiết, giúp cho các nhà hoạch định chính sách và các cấp lãnh đạo có cơ sở khoa học và thực tiễn để xác định, lựa chọn định hướng, giải pháp phù hợp cho phát triển KT-XH dựa trên KH,CN&ĐMST ở cả cấp quốc gia và cấp địa phương.
Ở cấp quốc gia, từ năm 2017, như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Chính phủ đã sử dụng bộ chỉ số ĐMST toàn cầu GII do Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới WIPO công bố hằng năm nhằm qua đó xác định các điểm mạnh, điểm yếu của quốc gia để từ đó đưa ra giải pháp, biện pháp cải thiện phù hợp, cũng như để kịp thời xây dựng, ban hành các chính sách có liên quan. Tại Nghị quyết hằng năm, Chính phủ phân công cụ thể đến từng bộ, ngành để chủ trì theo dõi và cải thiện các chỉ số Việt Nam còn yếu kém, đồng thời giao Bộ KH&CN làm đầu mối điều phối, theo dõi chung.
Dưới sự chỉ đạo, điều hành sát sao, cụ thể của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, các Phó thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc hiệu quả của các bộ, ngành, trong những năm qua kết quả chỉ số GII của Việt Nam luôn có sự cải thiện tích cực. Trong Báo cáo GII 2022 của WIPO, Việt Nam tiếp tục được WIPO ghi nhận là quốc gia có điểm số cao hơn nhiều so với mức trung bình của các nước cùng nhóm thu nhập. Trong 12 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả ĐMST cao hơn so với mức độ phát triển, cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra ĐMST. Việt Nam là một trong số ít quốc gia thu nhập trung bình thấp được WIPO ghi nhận có tốc độ bắt kịp về ĐMST nhanh nhất (cho dù thứ hạng năm 2022 có giảm nhẹ).
Ở cấp địa phương, qua theo dõi thực tế cho thấy các địa phương còn lúng túng trong việc tham gia thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện chỉ số GII cấp quốc gia. Một trong những lí do là chỉ số GII đánh giá ở cấp quốc gia nên nhiều số liệu thống kê tương tự ở cấp địa phương là không có, đồng thời phương pháp đánh giá theo quy chuẩn quốc tế còn mới lạ nên có những điểm không phù hợp với cấp địa phương của Việt Nam.
Bên cạnh đó, do có sự khác biệt giữa các địa phương về quy mô KT-XH, về dân số, đất đai, cơ cấu kinh tế, định hướng phát triển... nên các địa phương cần và phải lựa chọn mô hình phát triển KT-XH dựa trên KH,CN&ĐMST khác nhau, phù hợp với bối cảnh, điều kiện, đặc điểm riêng có của địa phương mình. Những vấn đề trên làm cho các địa phương không nắm được thực trạng mô hình phát triển KT-XH dựa trên KH,CN và ĐMST của địa phương mình, do đó nhiều địa phương kiến nghị cần có bộ chỉ số ĐMST dành riêng cho địa phương để căn cứ vào đó có thể chỉ đạo điều hành tốt hơn, sát với thực tiễn hơn.
Thực hiện phân công của Chính phủ tại cuộc họp thường kì tháng 1/2022 (Nghị quyết 12/NQ-CP ngày 30/01/2022), trong thời gian qua Bộ Khoa học và Công nghệ đã tích cực phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và các cơ quan liên quan xây dựng bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương và đã tổ chức triển khai thử nghiệm tại 20 Tỉnh/Thành phố ở 6 vùng kinh tế, có mức thu nhập khác nhau, cơ cấu kinh tế khác nhau, đủ tiêu chí để đại diện cho tất cả 63 Tỉnh/Thành phố trên phạm vi toàn quốc.
Được sự hỗ trợ kỹ thuật của WIPO, trên cơ sở nghiên cứu và tham khảo kinh nghiệm xây dựng các bộ chỉ số cấp địa phương đã có trong nước (PCI, PAR, PAPI…) và kinh nghiệm nước ngoài (trên thế giới mới chỉ có một số quốc gia xây dựng bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương như Trung Quốc, Ấn Độ, Columbia, Mỹ... trong đó, Ấn Độ và Columbia cũng dựa trên bộ chỉ số ĐMST toàn cầu GII của WIPO), Bộ KH&CN đã xây dựng bộ chỉ số cấp địa phương theo 10 bước như hướng dẫn của OECD cho xây dựng bộ chỉ số tổng hợp, phù hợp với bối cảnh thực tiễn, đặc điểm của các địa phương ở Việt Nam.
Bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương của Việt Nam có 51 chỉ số, chia làm 7 trụ cột theo nguyên lý của bộ chỉ số GII (05 trụ cột đầu vào phản ánh những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển KT-XH dựa trên KH,CN và ĐMST, bao gồm (1) Thể chế, (2) Nguồn nhân lực và nghiên cứu, (3) Cơ sở hạ tầng, (4) Trình độ phát triển của thị trường và (5) Trình độ phát triển kinh doanh; 02 trụ cột đầu ra phản ánh kết quả tác động của KH,CN và ĐMST vào phát triển KT-XH, bao gồm: (6) Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ, (7) Tác động).
Trong giai đoạn thiết kế khung chỉ số và các chỉ số thành phần, sự tham gia cố vấn kỹ thuật tích cực của tổ chức WIPO, sự phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm của các Bộ, cơ quan đã xây dựng thành công các chỉ số cấp địa phương tại Việt Nam, sự tham gia đóng góp ý kiến của các địa phương đã giúp cho Bộ KH&CN xây dựng và hoàn thiện được khung chỉ số và các chỉ số thành phần. Trong giai đoạn thu thập dữ liệu, Bộ KH&CN đã tổ chức nhiều hội thảo, nhiều buổi làm việc với các bộ, cơ quan trung ương để trao đổi thống nhất thu thập dữ liệu từ các cơ quan QLNN (có 37/51 chỉ số được lấy dữ liệu từ các cơ quan QLNN). Đồng thời, với các địa phương, Bộ KH&CN đã xây dựng tài liệu hướng dẫn và tập huấn cho các địa phương để thu thập dữ liệu liên quan tại địa phương (có 14/51 chỉ số được lấy dữ liệu từ các địa phương).
Quá trình thử nghiệm bộ chỉ số cho thấy, do hệ thống thống kê của chúng ta còn chưa bắt kịp với quốc tế nên một số chỉ số theo thông lệ quốc tế hiện chưa được thống kê cả ở cấp quốc gia và địa phương. Vấn đề này sẽ cần phải quyết tâm khắc phục trong thời gian tới đây để đánh giá xác thực hơn hiện trạng của các địa phương cũng như của quốc gia. Trong giai đoạn xử lí, phân tích dữ liệu và xây dựng báo cáo, Bộ KH&CN đã tổ chức tính toán theo đúng các chuẩn mực quốc tế và sau đó đã gửi tới chuyên gia quốc tế độc lập (do WIPO chỉ định và chi trả kinh phí) để chuyên gia thực hiện đánh giá độc lập kết quả xây dựng và thử nghiệm bộ chỉ số trên nhiều góc độ: phương pháp thiết kế bộ chỉ số, độ tin cậy của dữ liệu, kết quả tính toán...
Theo kết quả phân tích, đánh giá, các địa phương tham gia thử nghiệm được chia thành 04 nhóm, nhóm dẫn đầu gồm 02 địa phương; nhóm thứ hai là gồm 04 địa phương; nhóm thứ ba gồm 08 địa phương, 04 địa phương thuộc nhóm cuối cùng (có 2/20 địa phương không có đủ dữ liệu nên không đưa vào danh sách đánh giá). Kết quả đánh giá cho thấy có phù hợp, tương đồng cao với đặc thù mô hình phát triển KT-XH của các địa phương. Các địa phương thuộc nhóm dẫn đầu là địa phương phát triển KT-XH và có hoạt động KH,CN và ĐMST mạnh mẽ.
Các địa phương thuộc nhóm cuối là các địa phương có hạn chế trong phát triển KT-XH và trong hoạt động KH,CN và ĐMST. Với mỗi địa phương, kết quả đánh giá, xếp hạng của từng chỉ số (51 chỉ số), nhóm chỉ số và trụ cột được trình bày trong một bảng thông tin tổng hợp. Đồng thời, 05 điểm mạnh và 05 điểm yếu của mỗi địa phương cũng được chỉ rõ. Trên cơ sở các thông tin chi tiết này, các địa phương có thể nhận diện được các vấn đề cần chú trọng để từ đó có chỉ đạo, điều hành trong việc xây dựng và thực hiện các biện pháp, giải pháp thúc đẩy phát triển KT-XH dựa trên KHCN&ĐMST của địa phương, góp phần nâng cao năng lực kinh doanh, năng lực cạnh tranh, năng lực ĐMST của địa phương và của quốc gia
Vừa qua, chuyên gia quốc tế độc lập do WIPO chỉ định đã tiến hành kiểm định độc lập bộ chỉ số. Kết quả kiểm định của chuyên gia quốc tế đã khẳng định khung chỉ số và các chỉ số thành phần được thiết kế phù hợp, phản ánh được hiện trạng của đối tượng được đo lường; các bước xử lí dữ liệu, tính toán điểm số và thứ hạng đều được thực hiện đầy đủ, chính xác, minh bạch và đáng tin cậy. Kết quả thử nghiệm cho thấy bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương đủ mạnh để đưa ra những kết luận hữu ích. Kết quả kiểm định cũng cho thấy còn một vài chỉ số cần được xem xét khi triển khai trên phạm vi toàn quốc trong thời gian tới. Việc rà soát, xem xét, tinh chỉnh hằng năm để phù hợp với bối cảnh và mục tiêu cũng là thông lệ chung trong xây dựng các chỉ số tổng hợp.
Trên cơ sở kết quả thử nghiệm thành công bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương năm 2022, Bộ KH&CN xin kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép chính thức triển khai bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương trên phạm vi toàn quốc từ năm 2023 và đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục giao Bộ KH&CN: (i) phối hợp với tổ chức WIPO và các bộ, cơ quan, tổ chức liên quan triển khai chỉ số ĐMST cấp địa phương; (ii) hỗ trợ các địa phương trong việc tìm hiểu phương pháp, cách tính toán, ý nghĩa của các chỉ số xếp hạng và cách thức thu thập, cung cấp thông tin phục vụ đánh giá, xếp hạng; (iii) phối hợp các cơ quan, địa phương tổ chức công bố kết quả đánh giá, xếp hạng hằng năm.
Kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm hằng năm để thúc đẩy phát triển KTXH của địa phương dựa trên KHCN&ĐMST; bố trí nguồn lực để tổ chức thu thập và cung cấp dữ liệu kịp thời, chính xác để phục vụ tính toán; sử dụng các kết quả đánh giá vào công tác chỉ đạo, điều hành, xây dựng và thực hiện các biện pháp, giải pháp thúc đẩy phát triển KT-XH dựa trên KHCN&ĐMST của địa phương; Giao các bộ, cơ quan, tổ chức nghiên cứu sử dụng, lồng ghép chỉ số ĐMST cấp địa phương vào trong chỉ số khác cũng như trong công công tác quản lí, điều hành có liên quan.