Tin KHCN trong nước
Bước tiến lớn trong công nghệ sau thu hoạch (22/07/2014)
-   +   A-   A+   In  

Trước một nguồn nông sản hàng hóa dồi dào, Bộ KH&CN đang đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ sau thu hoạch, bước đầu thu được những kết quả tích cực, qua đó giúp hàng hóa Việt Nam không chỉ cung ứng cho thị trường trong nước mà còn phục vụ xuất khẩu.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết, công nghệ bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch là khâu quan trọng trong quy trình sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo nguồn cung ổn định, đáp ứng nhu cầu thường xuyên cũng như tạo được tính cạnh tranh cho sản phẩm nông sản khi ra thị trường. Tuy nhiên, công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch của Việt Nam vẫn còn thấp, chưa theo kịp năng lực sản xuất của nông dân, làm hạn chế khả năng xuất khẩu của nông sản.

Sau 3 năm thực hiện, chương trình “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sau thu hoạch giai đoạn 2011-2015” (KC.07/11-15) đã có những kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Trong đó, nổi bật là dự án nghiên cứu thành công quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị sản xuất surimi (giò cá) xuất khẩu. Dự án đã sản xuất được sumiri xuất khẩu sang thị trường “khó tính” như Nhật Bản với hơn 100 tấn, Hàn Quốc hơn 6.000 tấn với giá 1.750 USD/tấn. PGS.TS Lê Đức Mạnh, Chủ nhiệm Chương trình KC.07/11-15 khẳng định: “Trong thời gian tới, sản phẩm của dự án chắc chắn sẽ được xuất khẩu sang các nước ở khu vực châu Âu và nhiều nước khác”.

Hay dự án nghiên cứu công nghệ và hệ thống thiết bị bảo quản chè bằng tổ hợp Silo có sử dụng bơm nhiệt để sấy (heat pump drying), giúp giảm tổn thất nguyên liệu chè từ 10-15% so với công nghệ cũ mà chất lượng vẫn đảm bảo. Với dự án hoàn thiện quy trình chế biến ở quy mô công nghiệp 5 vị thuốc: hoàng kỳ, đảng sâm, hà thủ ô đỏ, thục địa và đương quy, là những vị thuốc có tần suất sử dụng lớn, quy trình chế biến này đã đáp ứng các tiêu chuẩn mà Bộ Y tế ban hành, tạo ra những sản phẩm dược liệu sạch, an toàn và hiệu quả. Hiện nay, sản phẩm của dự án đã bắt đầu được cung ứng cho các viện y học cổ truyền và cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc…. Ngoài ra, nhiều công nghệ tiên tiến trong việc bảo quản gỗ, nấm ăn, sữa tươi, hải sản... cũng đã được ứng dụng cho kết quả khả quan.

Ngoài các kết quả của chương trình KC.07/11-15, gần đây, Bộ KH&CN đã triển khai dự án nhập và nghiên cứu công nghệ bảo quản CAS (cell alive system) của Tập đoàn ABI (Nhật Bản), có tổng vốn đầu tư lên tới 1 triệu USD. Đây là công nghệ tốt nhất hiện nay với khả năng bảo quản dài ngày và cho chất lượng tốt đối với các loại rau, quả, thực phẩm tươi sống. Công nghệ đã được đưa vào ứng dụng thử nghiệm bảo quản vải Lục Ngạn - Bắc Giang, nhãn Hưng Yên, cam sành Hòa Bình, cam Vinh, xoài Tiền Giang, thịt gà, thịt lợn... đạt chất lượng tốt và đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh: “Chúng ta phải đảm bảo các sản phẩm nông sản thế mạnh của Việt Nam chế biến được, chất lượng đồng đều, duy trì trong thời gian dài, từ đó góp phần xây dựng thương hiệu nông sản Việt ra thế giới”.

Tuy công nghệ sau thu hoạch của Việt Nam “sinh sau đẻ muộn” so với nhiều quốc gia khác, nhưng bước đầu đã có những dấu hiệu khả quan. Hy vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều hơn những công nghệ được chuyển giao vào sản xuất, tạo nên bước đột phá trong bảo quản hải sản và nông sản nhiệt đới của Việt Nam nhằm tiến tới xuất khẩu, cải thiện đời sống cho người dân.

Chương trình “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sau thu hoạch giai đoạn 2011-2015” (KC.07/11-15) là một trong 15 chương trình KHCN trọng điểm cấp Nhà nước. Mục tiêu là ứng dụng và phát triển thành công một số công nghệ bảo quản tiên tiến và giải pháp phù hợp nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch một số sản phẩm nông - lâm - thủy sản và dược liệu chính của Việt Nam. Từ đó đa dạng hóa các mặt hàng nông - lâm - thủy sản có giá trị gia tăng, chất lượng cao phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.

Nguồn: vista

Số lượt đọc: 14037

Về trang trước Về đầu trang