Tin KHCN trong nước
Phát triển nền nông nghiệp bền vững, bảo tồn hệ sinh thái môi trường​ (19/12/2022)
-   +   A-   A+   In  
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bùi Thế Duy, yếu tố quan trọng làm nên một nền nông nghiệp bền vững là tìm được sự cân bằng giữa nhu cầu sản xuất lương thực thực phẩm và việc bảo tồn hệ sinh thái môi trường, sức khỏe cộng đồng.

Nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ 2022 do Quỹ VinFuture tổ chức, sáng 19/12, tại Hà Nội đã diễn ra Tọa đàm Khoa học và Cuộc sống. Buổi Tọa đàm gồm 3 phiên với nội dung: Nông nghiệp bền vững trong bình thường mới; Vật liệu mới cho tương lai lưu trữ năng lượng và Liệu pháp cá thể hoá trong điều trị ung thư.

 Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: TL

Phát triển nông nghiệp, bảo tồn hệ sinh thái môi trường

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết: Dù mới bước sang năm thứ 2 nhưng các hoạt động thúc đẩy khoa học, công nghệ do Quỹ VinFuture khởi xướng và dẫn dắt đã tạo được tiếng vang và tầm ảnh hưởng trong cộng đồng khoa học, khi thu hút được sự tham gia của các học giả, nhà nghiên cứu hàng đầu trong nước và quốc tế cùng thảo luận về những vấn đề cấp bách mà cả thế giới đang đối mặt. Phiên toạ đàm hôm nay có ý nghĩa hơn khi nhân loại vừa trải qua một biến cố lớn chưa từng có - đại dịch COVID-19, làm thay đổi toàn bộ các hoạt động kinh tế, xã hội trên toàn thế giới.

Đây là những chủ đề khoa học rất thiết thực, có thể tạo nên cuộc cách mạng trong cuộc sống của con người, đặc biệt là trong quá trình Hồi sinh và Tái thiết thế giới sau những tổn thương do đại dịch gây ra.

Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, gần một nửa dân số ở các nước đang phát triển dựa vào nông nghiệp để kiếm sống; 75% người nghèo trên thế giới sống ở các vùng nông thôn. Sản xuất Nông nghiệp là lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nhưng sản xuất nông nghiệp cũng là một trong các nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu. Vậy giải pháp nào cho nông nghiệp có thể cân bằng và phát triển nền nông nghiệp bền vững, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu và dịch bệnh đang diễn biến ngày càng phức tạp cũng như đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu?

Thứ trưởng nhấn mạnh, yếu tố quan trọng làm nên một nền nông nghiệp bền vững là tìm được sự cân bằng giữa nhu cầu sản xuất lương thực thực phẩm và việc bảo tồn hệ sinh thái môi trường, sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, cũng thúc đẩy ổn định kinh tế cho nông dân, giúp người nông dân có chất lượng cuộc sống tốt hơn. Thách thức này đòi hỏi các quốc gia phải có hướng đi mới, giải pháp mới đột phá và chỉ có Khoa học công nghệ mới giải quyết được.

Thứ trưởng khẳng định, tại Việt Nam khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chính là một trong những động lực quan trọng đưa Việt Nam trở thành một trong 15 quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu nông sản. Hiện nay, nhiều nông sản thương hiệu Việt đã hiện diện và chinh phục được các thị trường khó tính đòi hỏi chất lượng cao, được người tiêu dùng quốc tế đón nhận. Ước tính, khoa học và công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực nông nghiệp và khoảng 38% giá trị gia tăng trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi.

“Là cơ quan quản lý Nhà nước về khoa học, công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá cao tầm nhìn của Quỹ VinFuture khi lựa chọn chủ đề “Hồi sinh và Tái thiết” cho Giải thưởng VinFuture lần thứ 2, cũng như các vấn đề rất thời sự và thiết thực cho Tọa đàm “Khoa học vì cuộc sống”, trong đó có vấn đề “Nông nghiệp bền vững trong bình thường mới” cũng như các lĩnh vực liên quan tới Vật liệu mới và Y sinh”, Thứ trưởng cho biết.

Thứ trưởng cũng cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá cao những sáng kiến mang tính đột phá của Quỹ VinFuture. Đó không chỉ là Giải thưởng VinFuture - giải thưởng khoa học công nghệ toàn cầu, thường niên đầu tiên do người Việt khởi xướng; mà còn là chuỗi các hoạt động thường xuyên, các sự kiện quy mô nhằm kết nối cộng đồng khoa học thế giới và Việt Nam, thúc đẩy các trao đổi học thuật ở phạm vi quốc tế, đồng thời thúc đẩy khoa học phụng sự nhân loại. 

Toàn cảnh buổi Tọa đàm. Ảnh: TL 

Đưa ra mô hình dự báo dịch bệnh trong nông nghiệp

Theo GS Pamela Ronald, Khoa Bệnh học Thực vật và Trung tâm Bộ Gen tại Đại học California, Davis: Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang gây ra nhiều thách thức trên toàn cầu. Ở Nam Á và Đông Nam Á, theo dự đoán, ngập úng sẽ gây ảnh hưởng lớn đến người nông dân, gây thất thoát 4 triệu tấn lúa, ảnh hưởng đến an ninh lương thực.

Các nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế IRRI đã tìm cách tạo ra các giống lúa chịu ngập tốt trong khoảng gian 2 tuần, trong khi giống khác chỉ chịu 3 ngày. “Nếu không có công nghệ thì không mang được các bộ gen tốt tốt vào giống lúa mới”, GS Pamela Ronald cho biết

Từ thực tiễn trên, GS Pamela Ronald hi vọng cộng đồng các nhà khoa học sẽ tiếp tục đưa ra các phát minh, sáng kiến đổi mới sáng tạo thích ứng BĐKH để nền nông nghiệp càng phát triển, càng ít người dân chịu nghèo đói.

Còn theo TS Van Schepler-Luu, Trưởng Bộ môn Bệnh thực vật và Tính kháng của cây ký chủ tại Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI): Hàng năm dịch bệnh làm giảm 30% năng suất cây trồng. Ngoài ra thuốc trừ sâu làm ảnh hưởng cuộc sống và môi trường, gây ra thiếu hụt lương thực toàn cầu.

TS Van Schepler-Luu cho rằng: Bức tranh về dịch bệnh trong nông nghiệp đã gia tăng, ngày càng lớn và cần đưa ra mô hình dự báo về dịch bệnh; cần năng lực xác định và khắc chế dịch bệnh trong nông nghiệp. Ngoài ra, cần xác định các nhân tố có thể tác động tới năng lực điều chỉnh hệ gen để can thiệp gen trong cây trồng có khả năng kháng bệnh. “Để làm được ta cần một loạt công nghệ để cải thiện hiệu suất trồng trọt. Công nghệ này có thể là kết hợp giống cây cùng loại để có loài mới cải tiến. Ta có thể dùng tia phóng xạ, và các hình thức biến dị qua hóa học vật lý khác và lai tạo cấy ghép để chuyển gen có lợi từ thực vật này sang thực vật khác. Năng lực này cần được nhân rộng và triển khai nhanh. Để làm được ta cần chiến lược đồng bộ”, TS Van Schepler-Luu nói.

TS Van Schepler-Luu cũng cho biết: BĐKH đã làm thay đổi nhiều, có thể thấy trong trồng lúa, trước đây thiên nhiên thuận lợi thì bội thu nhưng hiện nay với điều kiện bất thường của khí hậu không kì vọng được như thế. Chính vì thế, cần mạng lưới lớn về mô hình dịch bệnh trong nông nghiệp. Cần phải hợp tác nhiều nông dân để xác định mầm bệnh sớm trong điều kiện thổ nhưỡng khác nhau, từ đó các nhà khoa học mới hiểu và tìm khả năng, năng lực chống chịu của cây trồng, điều chỉnh bộ gen mới, dự đoán khả năng xảy ra dịch bệnh mới để chuyển mô hình canh tác cho người nông dân.

Đưa ra giải pháp để những người nông dân có thể tiếp cận công nghệ, GS Josse De Baerdemaeker đến từ KU Leuven, Bỉ lấy ví dụ ngay từ người nông dân nước Bỉ. Theo ông, người nông dân Bỉ có các truyền thống canh tác, được đào tạo, họ thống nhất cách làm trong cả khu vực rộng lớn. Dù không có công nghệ nhưng họ hiểu nếu dùng thuốc trừ sâu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất đai thổ nhưỡng và họ không dùng nữa.

Tại buổi tọa đàm, các nhà khoa học đã cùng trao đổi và thảo luận về việc kết nối giữa bảo tồn đa dạng sinh học với công nghệ chỉnh sửa gen; làm sao phát huy công nghệ để có giống cây chống chịu BĐKH, bảo tồn đa dạng sinh học; giải pháp canh tác phù hợp để thích ứng BĐKH…/.

Nguồn: dangcongsan.vn

Số lượt đọc: 5796

Về trang trước Về đầu trang