Tin KHCN trong nước
Ứng dụng công nghệ trong xử lý chất thải từ hoạt động thủy sản, giảm thiểu ô nhiễm môi trường (25/11/2022)
-   +   A-   A+   In  
Tăng cường thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm sử dụng hóa chất cấm. Nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến hiện đại, thân thiện với môi trường trong xử lý chất thải từ các hoạt động thủy sản, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Ngày 23/11/2022, tại Cần Thơ, Bộ NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị bàn giải pháp triển khai Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021-2030.

Đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trong những năm qua, ngành Thủy sản Việt Nam đã phát triển, tạo ra nhiều sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu có giá trị kinh tế.

Tổng sản lượng thủy sản đến tháng 11/2022 đạt 8,2 triệu tấn, đạt 94,3% so với kế hoạch cả năm (8,7 triệu tấn); trong đó, sản lượng khai thác ước đạt 3,5 triệu tấn, đạt 94,8% so với kế hoạch (3,7 triệu tấn); sản lượng nuôi ước đạt 4,6 triệu tấn, đạt 93,9% so với kế hoạch (4,9 triệu tấn).

Trong 10 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 9,4 tỷ USD, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2021; chiếm trên 7% thị phần giao thương thuỷ sản toàn cầu.

Hội nghị bàn giải pháp triển khai Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021-2030.

Có thể nói đến nay, ngành thủy sản đã trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, mang lại giá trị xuất khẩu đứng thứ ba trong các ngành kinh tế của đất nước và được xác định là một trong 5 ngành kinh tế biển then chốt trong Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2030.

Ngành thủy sản Việt Nam là ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh, tuy nhiên trong quá trình phát triển cũng đang đối mặt với không ít vấn đề môi trường. Đó là, biến đổi khí hậu và nước biển dâng ngày càng gia tăng, khó dự báo tạo ra những thách thức không nhỏ, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Hoạt động sản xuất thủy sản đã và đang phát sinh các chất thải nhưng chưa được điều tra, đánh giá một cách tổng thể để xác định đúng vai trò, mức độ các tác động đến môi trường, từ đó chưa có nhiều biện pháp giảm thiểu. Hệ thống, thiết bị xử lý chất thải từ hoạt động thủy sản chưa được đầu tư và quan tâm đúng mức, nhất là ở quy mô nhỏ. Việc áp dụng các biện pháp quản lý chất lượng môi trường, TCVN, QCVN môi trường, các công cụ kinh tế còn nhiều vướng mắc, khó áp dụng trong thực tiễn và không theo kịp tốc độ phát triển nhanh của sản xuất.

Nguồn vốn tự nhiên thủy sản chưa được điều tra, đánh giá làm cơ sở hoạch định phục vụ công tác quản lý, sử dụng hiệu quả.

Các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong chuỗi giá trị thủy sản mới trong giai đoạn phát triển ban đầu, chưa trở thành động lực để tạo sức mạnh phát triển bền vững toàn chuỗi.

Ngành Thuỷ sản là ngành sản xuất chịu tác động mạnh mẽ của ô nhiễm môi trường và cũng là ngành sản xuất gây ra ô nhiễm môi trường: Ước tính lượng chất thải rắn từ nuôi tôm là 123 tấn/vụ/ha, nước thải hơn 5000 m3, lượng chất thải rắn từ hoạt động nuôi cá tra tạo ra khoảng 33,3 tấn bùn (bao gồm cả bùn và nước).

Ước tính tổng lượng rác thải nhựa phát sinh do tàu khai thác thủy sản có chiều dài từ 6m trở lên của cả nước vào khoảng 64.143 tấn/năm, trong đó lượng rác nhựa thất thoát ra biển khoảng 3.814 tấn/năm (chiếm 5,6%). Lượng thất thoát ra biển chủ yếu từ nguồn sinh hoạt (chiếm 60% - 2.288 tấn/năm) và một phần từ ngư lưới cụ bị mất thụ động (chiếm 31% - 1.182 tấn/năm) trong quá trình khai thác.

Theo kết quả thống kê hoạt động vận chuyển trên biển, tàu thuyền đánh bắt cá lượng nước thải từ vệ sinh tàu, thuyền đánh bắt cá khoảng 535.000 m3/năm (khoảng 1.465 m3/ngày). Ước tính thải lượng phát sinh từ nước vệ sinh, sửa chữa tàu cá năm 2020 với 94.572 tàu cá là khoảng 3.782.880 l/ngày…

Cải thiện chất lượng môi trường trong ngành thuỷ sản

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Tuyên bố mạnh mẽ về thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu đã thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức nghiêm trọng toàn cầu về khí hậu, môi trường, suy giảm của các hệ sinh thái, hướng đến mục tiêu một hành tinh khỏe mạnh; đồng thời tận dụng cơ hội đưa đất nước ta theo con đường “xanh”.

Phát triển thủy sản bền vững, có trách nhiệm là xu hướng tất yếu của quá trình hội nhập. Đề án Bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 29/7/2022 với nhiều nội dung, giải pháp hướng tới mục tiêu cải thiện chất lượng môi trường trong ngành thuỷ sản, bảo vệ sức khỏe người dân;

Các mô hình, công nghệ hiện đại được triển khai trong quá trình sản xuất thân thiện với môi trường; trong tái chế, xử lý chất thải; Hoạt động quan trắc, cảnh báo, dự báo về chất lượng môi trường được nâng cao, cung cấp thông tin về môi trường phục vụ tốt cho hoạt động phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Do đó, Đề án cần được tổ chức triển khai một cách đồng bộ và hiệu quả trên khắp các tỉnh thành trên cả nước nhằm phát triển ngành thuỷ sản bền vững- Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, các diễn giả đã chia sẻ và đề xuất định hướng để triển khai công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản từ thực tế địa phương mình; đồng thời thảo luận để làm rõ các vấn đề cần phải tập trung thực hiện trước mắt và lâu dài, đề xuất các giải pháp trọng tâm để thực hiện tốt vai trò quản lý trong công tác bảo vệ môi trường ngành thủy sản.

Đề xuất về việc triển khai Đề án bảo vệ môi trường, đại diện Viện nghiên cứu Hải sản cho rằng, Đề án rất toàn diện nhưng nguồn lực có hạn nên cần xem xét xác định các vấn đề cần ưu tiên thực hiện. Do vậy, cần ưu tiên các hoạt động quan trắc môi trường làm cơ sở để xác định xu thế môi trường, những điểm nóng về môi trường để định hướng hoạt động bảo vệ môi trường; quan trắc cả vùng ô nhiễm và vùng chưa ô nhiễm để làm dữ liệu tham chiếu cho nhiều năm, nhiều thập kỷ sau. Cần quan trắc cả vùng xa bờ, nhất là có hoàn lưu ảnh hưởng trực tiếp đến khu gần bờ như Vịnh Bắc Bộ, Vịnh Thái Lan; đặc biệt, cần quan tâm vấn đề ô nhiễm xuyên biên giới; tăng cường hợp tác quốc tế trong vấn đề này.

Đầm nuôi tôm ở Vũng Tàu. Ảnh minh họa: Kim Liên 

 Những đề xuất từ thực tế

Bà Bùi Thị Thu Hiền- Quản lý chương trình Biển và Vùng bờ (IUCN Việt Nam) phân tích, quy mô kinh tế biển còn nhỏ bé, cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý, chưa chuẩn bị điều kiện để vươn ra vùng biển quốc tế. Môi trường biển bị thay đổi theo chiều hướng xấu hơn. Ngày càng nhiều chất thải, đặc biệt là rác thải nhựa, không qua xử lý từ các lưu vực sông và vùng ven biển đổ ra biển gây mức độ ô nhiễm tăng cao, làm suy giảm đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thuỷ hải sản. Các hệ sinh thái biển quan trọng bị suy thoái và thu hẹp diện tích. Vùng biển, đảo và các khu vực ven biển vẫn chủ yếu được quản lý theo ngành và thiếu cách tiếp cận quản lý tổng hợp và thống nhất về biển, đảo.

Hiện các khu bảo tồn biển đang phải tiếp nhận nguồn rác thải nhựa từ biển hoặc từ lưu vực sông. Hơn nữa, chính ngành thủy sản cũng là nguồn phát sinh rác thải. Thành phần rác thải phổ biến trong lĩnh vực thủy sản đánh bắt gồm vật liệu làm tàu thuyền, bảo dưỡng tàu thuyền (sơn tàu, nguồn tạo vi nhựa), ngư cụ (lưới, kéo lưới, phao nổi, móc câu, mồi) và vật liệu đựng bảo quản thủy sản sau khi đánh bắt (ví dụ hộp/ thùng xốp). Ngoài ra, một lượng lớn rác thải nhựa phát sinh từ hoạt động sinh hoạt hàng ngày của ngư dân.

Tuy nhiên, thực tế, ở cấp địa phương, các hoạt động phát triển kinh tế như du lịch được ưu tiên hơn hoạt động duy trì, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Vì vậy, phân vùng không gian biển cho các mục tiêu sử dụng cần đi trước các chương trình phát triển, trong đó chỉ rõ mục tiêu ưu tiên cho từng vùng. Thực hành quản lý các hoạt động kinh tế theo cách tiếp cận quản lý tổng hợp là một trong những giải pháp nhằm giảm thiểu mâu thuẫn và nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên- bà Bùi Thị Thu Hiền nhấn mạnh.

Là tỉnh có tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển thủy sản, đặc biệt là tôm nuôi, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, nuôi trồng thủy sản ở Cà Mau mà chủ yếu là nuôi tôm đã xuất hiện từ những năm 1980, đặc biệt là năm 2000, đã chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm. Đến nay, môi trường đất, nước và các hệ sinh thái trong vùng nuôi trồng thủy sản bị biến đổi gây suy thoái, ô nhiễm môi trường, năng suất sinh học ngày càng giảm. Diện tích rừng ngập mặn ven biển suy giảm do chuyển đổi sang nuôi tôm từ những năm đầu, ảnh hưởng đến các hệ sinh thái rừng ngập mặn.

Theo đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, để bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản, cần tăng cường thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến hiện đại, thân thiện với môi trường trong xử lý chất thải từ các hoạt động thủy sản, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Phát triển các mô hình nuôi trồng thân thiện với môi trường, nuôi tuần hoàn khép kín (RAS), quy trình nuôi biofloc, mô hình nuôi xử lý môi trường bằng đối tượng sinh học (rong, tảo, nhuyễn thể, các loài cá ăn lọc,…).

Hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng đảm bảo việc xử lý, thu gom, xử lý chất thải trong hoạt động nuôi trồng thủy sản đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường; đồng thời, tăng cường vai trò quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; công tác kiểm tra, giám sát trách nhiệm quản lý địa phương đối với việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản. Xây dựng cơ chế phòng ngừa, chủ động giám sát chất lượng môi trường nước để dự báo diễn biến môi trường cũng như dịch bệnh có thể phát sinh.

 

Nguồn: vietQ.vn

Số lượt đọc: 4140

Về trang trước Về đầu trang