Tin KHCN trong nước
Bộ trưởng Nguyễn Quân: 'Doanh nghiệp là địa chỉ ứng dụng công nghệ quan trọng nhất' (02/04/2015)
-   +   A-   A+   In  

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ khẳng định luôn lấy doanh nghiệp làm trung tâm của quá trình đổi mới công nghệ quốc gia, là địa chỉ ứng dụng công nghệ quan trọng nhất và mang tính quyết định của nền kinh tế.

Phát biểu tại hội thảo công bố Đề tài cấp Nhà nước “Phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam đến năm 2020” sáng nay, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân nhấn mạnh, nhiều nhà khoa học đã chỉ ra sự phát triển của Việt Nam trong 30 năm đổi mới chủ yếu dựa vào ba yếu tố là thay đổi thể chế từ nền kinh tế tập trung kế hoạch hóa sang kinh tế thị trường, tháo gỡ những cơ chế cũ ràng buộc sự phát triển kinh tế xã hội, dựa vào tài nguyên thiên nhiên và kỳ vọng vào lao động giá rẻ.

 

Bộ trưởng cho rằng đã đến lúc không thể tăng trưởng bằng tháo gỡ cơ chế. Trong phát triển nền kinh tế tri thức, Bộ KH&CN đánh giá cao vai trò của doanh nghiệp. Quan điểm của Bộ là luôn luôn hỗ trợ, khuyến khích, cùng với các doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, ứng dụng, làm chủ công nghệ nhập ngoại, sáng tạo ra công nghệ nội địa, tích cực đổi mới công nghệ, tạo ra sản phẩm mới có sự cạnh tranh và sẵn sàng hội nhập thế giới.

 

 “Bộ KH&CN đã ban hành và đề xuất ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong ứng dụng và đổi mới công nghệ. Bộ luôn lấy doanh nghiệp làm trung tâm của quá trình đổi mới công nghệ quốc gia, là địa chỉ ứng dụng công nghệ quan trọng nhất và mang tính quyết định của nền kinh tế”, ông Quân nói.

 

Nền kinh tế dựa trên tri thức thường gọi tắt là kinh tế tri thức là giai đoạn phát triển mới thay thế kinh tế công nghiệp đã lỗi thời. Kinh tế tri thức cũng là kinh tế sáng tạo, nếu xem xét về năng lực cạnh tranh, khi nền kinh tế đã chuyển sang giai đoạn dựa chủ yếu vào sáng tạo và kinh doanh tinh vi.

 

Nền kinh tế tri thức đã hình thành ở nhiều nước phát triển. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và truyền thông, tất cả các nền kinh tế được kết nối, hình thành thị trường toàn cầu, kinh doanh toàn cầu, sản phẩm toàn cầu, chuỗi giá trị toàn cầu. Do đó, nền kinh tế thế giới ngày nay là nền kinh tế tri thức toàn cầu hóa, bắt buộc các nước đều phải tham gia, mặc dù trình độ phát triển chênh lệch nhau rất xa.

 

GS. Đặng Hữu cùng nhóm tác giả đề tài cho rằng việc phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam đã trở thành mệnh lệnh từ cuộc sống. Thời gian qua, tuy số đông gặp nhiều khó khăn, nhưng đã xuất hiện không ít doanh nghiệp thành công phát triển dựa vào công nghệ và tri thức trên nhiều lĩnh vực, trở thành doanh nghiệp toàn cầu như FPT, Viettel.

Nguồn: vnexpress.net

Số lượt đọc: 6256

Về trang trước Về đầu trang