Tin KHCN trong nước
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Hợp tác Á - Âu lần thứ 5 (03/04/2018)
-   +   A-   A+   In  
Trong thời gian 03 ngày từ 28-30/3/2018, tại Bắc Kinh, Trung Quốc đã diễn ra Hội nghị hợp tác Á-Âu lần thứ 5 (5th ASEM Seminar on Nuclear Safety) về chủ đề: “An toàn hạt nhân: Chuyển dịch từ cam kết sang hành động hướng tới những thách thức trong thế kỷ 21”. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc làm Trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị với vai trò nước đồng bảo trợ của Hội nghị. Tham gia Đoàn còn có ông Nguyễn Tuấn Khải, Cục trưởng Cục ATBXHN và ông Phạm Đan Sa, Đại diện KHCN của Bộ KH&CN tại Trung Quốc.

Hội nghị ASEM 5 lần này có sự tham dự của gần 30 quốc gia đến từ châu Âu và châu Á, bao gồm đại diện cho các cường quốc hạt nhân trên thế giới như Liên bang Nga, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ và cho khối các nước đang triển khai nhiều ứng dụng năng lượng và phi năng lượng trong lĩnh vực hạt nhân nguyên tử vì mục đích hòa bình.

Trong bài phát biểu chào mừng Hội nghị, thay mặt Đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Phạm Công Tạc đã nhấn mạnh các cam kết của Việt Nam trong triển khai các ứng dụng bức xạ và kỹ thuật hạt nhân vì mục đích hòa bình, phục vụ các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo công tác an toàn an ninh và thực thi nghiêm túc các Điều ước quốc tế liên quan đến lĩnh vực này mà Việt Nam đã tham gia và ký kết.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng bày tỏ mong muốn tăng cường sự hợp tác trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử dựa trên Thỏa thuận hợp tác (MoU) đã ký tháng 11/2017 với các đối tác Trung Quốc như Cơ quan Quản lý an toàn hạt nhân Quốc gia Trung Quốc, Cục Năng lượng nguyên tử Trung Quốc, Viện Nghiên cứu năng lượng nguyên tử Trung Quốc, v.v., trong đó nhấn mạnh sự quan tâm của Việt Nam đối với chương trình phát triển điện hạt nhân của Trung Quốc, đặc biệt là một số nhà máy điện hạt nhân đã và đang được xây dựng, vận hành gần biên giới với Việt Nam.

Trong giai đoạn 2018-2020, Thứ trưởng đề xuất trọng tâm của sự hợp tác sẽ tập trung vào ba nội dung lớn, bao gồm (1) hợp tác nghiên cứu an toàn hạt nhân, công nghệ điện hạt nhân mới nhất của Trung Quốc; (2) hợp tác về quan trắc phóng xạ môi trường, chia sẻ số liệu quan trắc và kinh nghiệm tính toán vấn đề phát tán phóng xạ; (3) hợp tác về ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân, trong đó mong muốn các cơ quan chức năng của hai nước thiết lập cơ chế trao đổi thông tin, số liệu, kinh nghiệm và sự hỗ trợ của Trung Quốc trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam.

Kết thúc bài phát biểu, Trưởng đoàn Việt Nam đánh giá cao vai trò của nước chủ nhà Trung Quốc cùng với các Tổ chức quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học đã tham dự và đảm bảo sự thành công của Hội nghị.

Nhân dịp tham dự Hội nghị ASEM 5, Đoàn Việt Nam đã có cuộc gặp bên lề với Phó Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Juan Carlos Lentijo. Tại cuộc gặp, Thứ trưởng Phạm Công Tạc đánh giá cao và cảm ơn sự giúp đỡ của IAEA dành cho Việt Nam trong nhiều năm qua thông qua các dự án hợp tác kỹ thuật (TC projects) và dự án hợp tác vùng (Regional projects), giúp nâng cao cơ sở hạ tầng của Việt Nam đối với các ứng dụng bức xạ và hạt nhân bao gồm nguồn nhân lực, năng lực pháp quy và năng lực kỹ thuật trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội quan trọng như y tế, công nghiệp, nông nghiệp. Trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị IAEA tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong triển khai hiệu quả các dự án hợp tác đã có về an toàn bức xạ và an ninh hạt nhân như thực hiện Kế hoạch hỗ trợ an ninh hạt nhân tích hợp (INSSP), lắp đặt cổng phát hiện bức xạ tại hai sân bay quốc tế là Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng, hỗ trợ công tác xây dựng văn bản cho dự án Trung tâm KHCNHN và chương trình đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực y học hạt nhân. Phó Tổng Giám đốc IAEA J. Lentijo đánh giá cao sự hợp tác có hiệu quả của Việt Nam, đồng thời khẳng định sự ủng hộ đối với các đề xuất của Bộ KH&CN. Ông cho biết sẽ chỉ đạo một số Vụ liên quan của IAEA trao đổi giải pháp và lộ trình thực hiện với Cục ATBXHN và Viện NLNTVN sớm hiện thực hóa sự hỗ trợ của IAEA đối với các đề xuất nói trên./.

Nguồn: most.gov.vn

Số lượt đọc: 2924

Về trang trước Về đầu trang