Tin KHCN trong nước
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất công nghiệp: Đòi hỏi nguồn lực lớn (03/04/2018)
-   +   A-   A+   In  

Việc ứng dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao vào sản xuất công nghiệp nhằm tăng giá trị, tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh cao là hướng đi tất yếu để bắt kịp cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Nỗ lực bước đầu

Theo Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), hoạt động phát triển, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất công nghiệp thời gian qua đã được quan tâm và đẩy mạnh. Nhiều thành tựu mới nhất của khoa học và công nghệ thế giới đã được chuyển giao và ứng dụng thành công vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cốt lõi.

Cụ thể, trong ngành điện, công nghệ cao được ứng dụng trong việc phát triển nguồn điện, lưới điện, hệ thống điều khiển – điều độ - thông tin – viễn thông điện lực. Trong lĩnh vực cơ điện tử, công nghệ thông tin, vật liệu mới, công nghệ sinh học, các chương trình, kế hoạch do Bộ Công Thương chủ trì đã hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thành công nhiều dự án công nghệ cao như dự án nhà máy sản xuất vi mạch của Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn – một trong những dự án tiên phong trong ngành công nghiệp sản xuất vi mạch tại Việt Nam. Hay dự án Nhà máy điện phân nhôm Đăk Nông của Công ty TNHH Luyện kim Trần Hồng Quân, sử dụng công nghệ điện phân ứng dụng dòng điện 500 kA do Tập đoàn Rio Alean (Pháp) cung cấp, là công nghệ sản xuất nhôm tiên tiến nhất hiện nay. Nhà máy đã được Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và cấp giấy chứng nhận “Hoạt động ứng dụng công nghệ cao”.

Ngoài ra, còn có các dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất collagen, gelatin từ da cá tra; ứng dụng công nghệ gen trong sản xuất chíp sinh học phục vụ chuẩn đoán và điều trị bệnh lý tim mạch; xây dựng nhà máy VN Oil xử lý triệt để dầu nhờn thải để bảo vệ môi trường và sản xuất dầu gốc API nhóm II phục vụ cho pha chế dầu nhờn trong nước với công nghệ được chuyển giao độc quyền từ Công ty Chemical Engineering Partners (CEP), Mỹ…

Chính sách mở đường

Thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong công nghiệp nhằm nâng cao năng lực sản xuất và trình độ tổ chức, quản lý là hướng đi đúng, đảm bảo hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững ngành công nghiệp. Vì vậy, thời gian qua, nhiều chính sách liên quan tới vấn đề này được ban hành: Quyết định số 842/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao đến năm 2020; Quyết định số 347/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình và Kế hoạch phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao; Quyết định số 2457/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020…

Giai đoạn 2015-2017, Bộ Công Thương đã tổ chức tuyển chọn và phê duyệt 13 dự án công nghệ cao. Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt 10 nhiệm vụ để nghiên cứu hoàn thiện, tạo ra các sản phẩm mới thuộc các lĩnh vực y - dược, cơ khí chế tạo - tự động hóa, công nghệ thông tin. Sản phẩm, công nghệ cao nghiên cứu trong các nhiệm vụ đều là công nghệ tiên tiến trong khu vực và thế giới, được doanh nghiệp tiềm năng đầu tư.

Tuy nhiên, đầu tư cho công nghiệp công nghệ cao đòi hỏi nguồn lực lớn. Vì vậy, giải bài toán này không chỉ trông chờ vào vai trò của nhà nước với những chính sách mang tính định hướng, gợi mở mà còn cần sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt từ doanh nghiệp.

Theo Quyết định số 842/QĐ-TTg, phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 45% trong tổng GDP với tỷ lệ sản xuất trong nước chiếm khoảng 50% giá trị sản phẩm; phát triển khoảng 500 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao…

 

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử

Số lượt đọc: 3344

Về trang trước Về đầu trang