Tin KHCN trong nước
Chìa khoá đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số (07/10/2022)
-   +   A-   A+   In  
Việc trang bị kiến thức, kỹ năng số cho người lao động là một trong những giải pháp thiết yếu nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.

Theo chuyên gia của Đại học Kinh tế TP.HCM, tính đến tháng 1/2021, dân số Việt Nam đạt mốc 97,8 triệu dân, với tỷ lệ dân thành thị là 37,7%. Trong đó, có khoảng 68,17 triệu người đang sử dụng internet (chiếm 70,3% dân số, tăng 0,8% so với năm 2020) thông qua các nền tảng, ứng dụng khác nhau, với thời lượng trung bình là 6 giờ 47 phút.

Về kết nối di động, Việt Nam có 154,4 triệu kết nối, tăng 1,3 triệu (tương đương 0,9%) trong khoảng thời gian từ tháng 1/2020 đến tháng 1/2021. Kinh tế internet của Việt Nam năm 2021 ước tính đạt 21 tỷ USD, tăng trưởng 31%, dự báo tiếp tục tăng trưởng lên mức 57 tỷ USD vào năm 2025 và 220 tỷ USD vào năm 2030. Điều này sẽ tạo cơ sở hạ tầng tốt giúp Việt Nam có cơ hội nhanh chóng chuyển đổi số nền kinh tế và thúc đẩy nhu cầu về nguồn nhân lực kỹ năng số.

Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý I năm 2022 là 51,2 triệu người, tăng hơn 0,4 triệu người so với quý trước và tăng khoảng 0,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước; trong đó tỷ lệ tham gia lực lượng lao động khoảng 68,1%. Tuy nhiên, thực trạng nguồn nhân lực kỹ thuật số hiện tại đang ở vị trí thấp so với các quốc gia trên thế giới và trong khu vực cả về điểm số và thứ hạng.

Theo AlphaBeta, dự báo đến 2030, nếu áp dụng toàn diện, chuyển đổi số tại Việt Nam có thể tạo ra tới 1.733 tỷ đồng (74 tỷ USD) giá trị kinh tế hàng năm, tương đương 27% GDP Việt Nam năm 2020. Trong đó, 70% (tương đương 1.216 nghìn tỷ đồng - 52 tỷ USD) có thể đạt được nhờ áp dụng các công nghệ số phù hợp, giúp doanh nghiệp và người lao động giảm thiểu tác động của Covid-19.

Theo ước tính của Cameron A và cộng sự, đến năm 2035, khoảng 15% tổng số việc làm ở Việt Nam sẽ được tự động hóa và có tới 38,1% việc làm hiện tại của Việt Nam có thể được chuyển đổi hoặc di rời do tác động của tự động hóa vào năm 2045. Điều này hàm ý rằng, nếu không được nâng cấp hoặc trang bị kỹ năng mới, đặc biệt là kỹ năng số, thì một tỷ lệ đáng kể lao động Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ thất nghiệp.

Báo cáo của World Bank (2021) cho thấy, nền kinh tế Việt Nam sẽ mất khoảng 2 triệu việc làm vào năm 2045 nếu không có giải pháp lấp đầy khoảng chênh lệch cung - cầu về nhân lực phục vụ cho quá trình chuyển đổi số. Việc thiếu nguồn nhân lực kỹ năng số rõ ràng không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều trong tình cảnh này. Điều này càng khó khăn hơn để các nước có năng lực cạnh tranh thấp có thể lôi kéo và giữ chân được người tài, có năng lực và kỹ năng số nhằm phục vụ cho quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Ảnh minh hoạ

Chính vì lý do này, Chính phủ đã vào cuộc thông qua việc phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” vào ngày 28/1/2022. Mục tiêu của đề án là phấn đấu đến năm 2030 có 90% người dân trong độ tuổi lao động biết đến các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu khác trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, du lịch, ngân hàng; thành thạo cách thức sử dụng dịch vụ khi có nhu cầu;

Hoàn thiện và mở rộng triển khai mô hình “Giáo dục đại học số” tới tối thiểu 50% các trường đại học công lập trong toàn quốc; Đào tạo được 20.000 kỹ sư, cử nhân, cử nhân thực hành chất lượng cao chuyên ngành công nghệ số tại các trường đại học, cao đẳng có thế mạnh trong đào tạo về chuyển đổi số;

80% cơ sở giáo dục các cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông có tổ chức các hoạt động giáo dục STEM (giáo dục tích hợp Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học)/STEAM (giáo dục tích hợp Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Nghệ thuật và Toán học) và kỹ năng số.

Việc triển khai Đề án không chỉ giúp thống nhất nhận thức trong toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về chuyển đổi số mà còn tạo động lực đối với công tác đào tạo, nâng cấp kỹ năng cho lực lượng lao động nhằm thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số một cách đồng bộ, rộng khắp ở các cấp, các ngành, lĩnh vực.

Theo chuyên gia, nếu xu hướng chuyển đổi số là tất yếu thì việc nâng cấp cả về kiến thức và kỹ năng, đặc biệt về kỹ năng số đối với lực lượng lao động là cực kỳ quan trọng và cấp thiết. Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực không chỉ giúp người lao động ổn định việc làm, mà còn góp phần cải thiện năng suất lao động, giảm thiểu chi phí, tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam, cũng như thu hút đầu tư nước ngoài. Để xây dựng được lực lượng lao động chất lượng cao, sẵn sàng phục vụ quá trình chuyển đổi số trước hết đòi hỏi sự hợp tác và phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, nhà cung cấp dịch vụ đào tạo, doanh nghiệp sử dụng lao động và bản thân người lao động.

Chính phủ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hành lang pháp lý cũng như thiết lập cơ sở hạ tầng kỹ thuật số phục vụ quá trình chuyển đổi số và phát triển kỹ năng số cho lực lượng lao động. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có thể hoạch định ngân sách, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quá trình chuyển đổi số, cũng như đào tạo, nâng cấp kỹ năng số cho người lao động. Thông qua các cổng thông tin đào tạo trực tuyến, Chính phủ và các bên liên quan có thể thiết lập các chương trình đào tạo, khóa học ngắn hạn và dài hạn, cho phép doanh nghiệp, người lao động khai thác miễn phí.

Tại Việt Nam, dù đã có nền tảng Công dân số với các khóa đào tạo kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp… được Vương quốc Anh và các tập đoàn Google, Microsoft hỗ trợ xây dựng, cung cấp nhưng chưa được quảng bá rộng rãi để người lao động và công dân tiếp cận. Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách cũng cần có giải pháp giúp thị trường lao động trở nên linh hoạt hơn, cho phép người lao động có thể dễ dàng chuyển đổi công việc phù hợp với kỹ năng nghề nghiệp.

Các nhà cung cấp dịch vụ đào tạo cần xây dựng và thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao để giảng dạy, đào tạo, lan tỏa kỹ năng số. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số để đào tạo kỹ năng số như học trực tuyến, chia sẻ tài nguyên số trong giảng dạy và học tập. Bên cạnh đó, đơn vị đào tạo cần có sự hợp tác với các chuyên gia về đào tạo công nghệ và những chuyên gia đang làm việc trực tiếp tại các doanh nghiệp công nghệ uy tín để nắm bắt kịp thời xu hướng công nghệ mới và thiết kế các khóa học phù hợp nhu cầu thực tiễn và tiêu chuẩn công nghệ.

Đối với doanh nghiệp, cần xác định rõ nhu cầu về các kỹ năng số cần trang bị cho người lao động để phù hợp chiến lược, mô hình kinh doanh cũng như định hướng chuyển đổi số của mình. Từ đó đưa ra các phương án đào tạo, nâng cấp kỹ năng cho lực lượng lao động hiện hữu, cũng như tuyển dụng lao động mới với các kỹ năng chuyên môn phù hợp. Bên cạnh đó, việc tăng cường kết nối với chính phủ, cơ quan quản lý và các nhà cung cấp dịch vụ đào tạo cũng cần được chú trọng.

Người lao động cần tăng cường tính chủ động và khả năng thích ứng. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, hàng loạt khóa đào tạo kỹ năng số được cung cấp miễn phí qua các cổng đào tạo trực tuyến.

 

Nguồn: vietQ.vn

Số lượt đọc: 4170

Về trang trước Về đầu trang