Tin KHCN trong nước
Toạ đàm về các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ (26/03/2015)
-   +   A-   A+   In  

Chiều 23/3, trong khuôn khổ các hoạt động bên lề Hội nghị giao ban Khoa học và Công nghệ vùng Đông Nam bộ lần thứ XIII năm 2015, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ)  đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai tổ chức chương trình tọa đàm trao đổi các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ (SHTT). 

Chủ trì buổi toạ đàm là Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh, Cục trưởng Cục SHTT và Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai Nguyễn Văn Liệt. Tham gia buổi tọa đàm có hơn 40 đại biểu là cán bộ quản lý hoạt động SHTT địa phương, các đơn vị doanh nghiệp, các nhà sáng chế và các chuyên gia tư vấn về lĩnh vực SHTT.

Phát biểu khai mạc toạ đàm, ông Trần Việt Thanh Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nhấn mạnh, trong những năm qua, mặc dù vấn đề về SHTT được các cấp quản lý nhà nước, các đơn vị doanh nghiệp cũng như người nông nhân quan tâm song lợi thế và vai trò của SHTT chưa đáp ứng được nhu cầu. Trong đó, nhu cầu cũng như số lượng đăng ký xác lập quyền bảo hộ SHTT còn thấp. Các vấn đề về thời gian, tính minh bạch, tính công khai, vấn đề bảo hộ và thực thi quyền SHTT còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Các cơ quan quản lý bảo hộ SHTT tại địa phương chưa có thống kê khảo sát về các vấn đề liên quan đến bảo hộ SHTT trong doanh nghiệp. Việc xác lập quyền SHTT cần đi kèm với bảo hộ và thực thi quyền này, nếu không sẽ không phát huy được lợi ích của SHTT trong cuộc sống.

Báo cáo đề dẫn, ông Trần Lê Hồng, Trưởng phòng Truyền thông Cục SHTT (Bộ Khoa học và Công nghệ), cho biết trong vùng đã có 4/7 tỉnh, thành trong vùng Đông Nam bộ đã xây dựng và triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của địa phương. Việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản ở một số địa phương đã giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần kích thích sản xuất, chế biến, kinh doanh và nâng cao thu nhập cho người dân tham gia… Tuy nhiên, bên cạnh một số địa phương hoạt động rất tích cực, có thể trở thành hình mẫu chuẩn trên cả nước, như: TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương thì một số địa phương hoạt động chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có.

Tại buổi toạ đàm, nhiều ý kiến liên quan đến những khó khăn trong quản lý SHTT tại địa phương, xác lập bảo hộ SHTT cho sáng chế, những giải pháp để phát huy kết quả của những sáng chế sau khi được bảo hộ SHTT. Cán bộ quản lý hoạt động SHTT tại nhiều địa phương cũng kiến nghị nhiều giải pháp nhằm phát triển các hoạt động về SHTT tại địa phương mình.

Để đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về SHTT, bà Hoàng Tố Như, Phó phòng SHTT TP.Hồ Chí Minh, đề xuất Cục SHTT nên chú trọng đến công tác đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác SHTT một cách bài bản và không luân chuyển cán bộ làm công tác SHTT.

Ông Trịnh Minh Tâm, Phó giám đốc Sở khoa học - công nghệ  TP.Hồ Chí Minh, cho rằng để các doanh nghiệp phát huy vai trò trong công tác SHTT, các cơ quan liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để doanh nghiệp nhận thấy được vai trò của SHTT trong phát triển doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Vân, Công ty Vision Associates, bày tỏ công tác này cần có sự đóng góp của nhiều chủ thể trong xã hội. Trong đó, đầu tàu đóng vai trò quan trọng là Cục SHTT, sau đó là cơ quan thực thi, doanh nghiệp, người tiêu dùng. Để làm tốt vai trò đầu tàu, Cục SHTT cần phải xây dựng giáo trình chuẩn phục vụ công tác tuyên truyền; nâng cấp hạ tầng thông tin; đẩy nhanh thời gian xác lập quyền SHTT để các doanh nghiệp thuận lợi trong khâu tiếp cận và thực hiện.

Phát biểu kết luận tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh cho biết, sau thành công của buổi tọa đàm này, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với Cục SHTT sẽ tổ chức thêm nhiều buổi tọa đàm tương tự để lắng nghe ý kiến của người dân cũng như cán bộ quản lý hoạt động SHTT tại các địa phương trong cả nước. Đồng thời có định hướng cụ thể hơn về chiến lược mở rộng và phát triển các chương trình về SHTT.

Nguồn: Huyền Trang

Số lượt đọc: 11119

Về trang trước Về đầu trang