Tin KHCN trong nước
Công nghệ xử lý chất thải y tế (22/07/2022)
-   +   A-   A+   In  
Trung tâm thông tin và thống kê khoa học và công nghệ - Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh mới đây đã tổ chức Hội thảo về phân tích xu hướng công nghệ xử lý chất thải y tế. Hội thảo đã thu hút được nhiều chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực xử lý chất thải y tế tham dự.

Chất thải y tế đã và đang tác động trực tiếp tới môi trường và sức khỏe của người dân, từ đó đặt ra nhiều thách thức trong việc xử lý các loại chất thải trong ngành y tế. Xử lý chất thải y tế là bài toán khó và cấp thiết của toàn thế giới bởi đây là nguồn thải có khả năng nhiễm các loại vi khuẩn, virus nguy hiểm, có rủi ro cao cho sức khỏe cộng đồng và gây ô nhiễm môi trường. Lượng chất thải y tế phát sinh ngày càng nhiều đang khiến cho hệ thống xử lý có dấu hiệu bị quá tải. Tại Việt Nam theo thông tin tại hội nghị trực tuyến “Triển khai giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế” do Bộ Y tế phối hợp với chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức năm 2019, lượng chất thải rắn y tế phát sinh tại các bệnh viện, cơ sở y tế khoảng 600 tấn/ngày. Trong đó, khoảng 10% là chất thải y tế nguy hại.

Lượng chất thải rắn y tế có xu hướng ngày càng gia tăng ở hầu hết các địa phương do số cơ sở y tế, giường bệnh và việc sử dụng các sản phẩm dùng 1 lần trong y tế ngày càng nhiều. Đặc biệt, đại dịch Covid bùng phát từ năm 2020 đã phát sinh một lượng lớn chất thải rắn y tế cần xử lý. Riêng tại TP. HCM, theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, khi dịch Covid phát triển mạnh, chất thải y tế đã tăng từ mức 40 tấn/ngày lên đến đỉnh điểm là gần 150 tấn/ngày.

Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), chất thải y tế là tất cả các chất thải được sinh ra tại các bệnh viện, cơ sở y tế… Trong đó, 75 - 90% là chất thải rắn thông thường (phát sinh từ hoạt động sinh hoạt thường ngày của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh…) không tính các loại chất thải sinh hoạt phát sinh từ khu vực cách ly, điều trị người mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Phần còn lại (từ 10-20%) là chất thải nguy hại, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường.

Do tính chất nguy hại, nên chất thải y tế được quan tâm từ khá lâu trên thế giới (từ những năm đầu thế kỷ 20, đã có những sáng chế đầu tiên liên quan đến xử lý loại chất thải nguy hại). Vấn đề này ngày càng thu hút nhiều nhà nghiên cứu, đặc biệt là trong những năm gần đây số lượng sáng chế gia tăng liên tục. Sáng chế về xử lý chất thải y tế tập trung theo 2 hướng nghiên cứu chính đó là: loại chất thải y tế và các kỹ thuật để xử lý chất thải y tế. Ở trong nước, các nhà nghiên cứu Việt Nam cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu xử lý chất thải y tế. Một số kết quả nghiên cứu công nghệ xử lý chất thải y tế đã được đăng ký và cấp bằng sáng chế, nhiều kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao, ứng dụng thành công vào thực tiễn.

Nhiều công nghệ xử lý chất thải y tế được giới thiệu

Trong khuôn khổ của hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành cũng báo cáo những công nghệ trong xử lý chất thải y tế mang nhiều tính ưu việt như: Xử lý rác thải y tế không đốt - công nghệ thân thiện với môi trường; Công nghệ Plasma Nano Bubble xử lý nước thải y tế; Hệ thống xử lý chất thải rắn y tế công nghệ Plasma; Công nghệ vi sóng giải pháp xử lý chất thải y tế an toàn và hiệu quả; Công nghệ xử lý chất thải rắn y tế bằng lò đốt chất thải rắn VHI-18B.

Hầu hết, những công nghệ xử lý chất thải y tế nêu trên đều mang những đặc tính riêng biệt và đảm bảo xử lý tốt nguồn thải, an toàn, bảo vệ môi trường. Điển hình, đối với Công nghệ xử lý chất thải rắn y tế bằng lò đốt chất thải rắn VHI-18B do Viện Công nghệ Môi trường (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) thực hiện  có ưu điểm là đốt đa vùng, đáp ứng yêu cầu nhiệt độ cao, xáo trộn mạnh, thời gian lưu cháy dài vì vậy hiệu suất đốt cháy rác thải, thiêu hủy dioxin và furan cao; Thành lò được xây bằng gạch Sa mốt A, cách nhiệt bằng bông khoáng chịu nhiệt cao và vỏ lò làm bằng vật liệu inox SUS 304 nên khi lò đang đốt ở nhiệt độ cao nhƣng kiểm tra bên ngoài vỏ lò vẫn mát.

Hiện nay những công nghệ xử lý nước thải y tế đang áp dụng chiếm diện tích lớn, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, quy trình vận hành phức tạp, chi phí lắp đặt xây dựng cao, công nghệ lạc hậu, phát sinh mùi…. Để khắc phục vấn đề trên PGS. TS Trần Ngọc Đảm đã giới thiệu máy xử lý nước thải công nghệ Plasma có thể sử dụng để xử lý nhiều loại nước thải khác nhau và mang lại hiệu quả cao.

Công nghệ xử lý chất thải y tế khác được giới thiệu tại hội thảo là công nghệ plasma được GS.TS Nguyễn Quốc Sỹ, Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT giới thiệu. Ông cho biết, giải pháp đốt đối với rác y tế hiện nay có nhiều nhược điểm, thải ra khí dioxin và furan, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường. Các vật dụng y tế như kim tiêm cần nhiệt độ nóng chảy lên tới 1.500 độ C, trong khi các phương pháp đốt thông thường dưới 850 độ C không làm các kim loại này phân rã, dẫn đến tồn lưu thủy ngân, gây hại môi trường. Nhưng công nghệ plasma nhiệt độ cao từ 7.000 đến 10.000 độ C, phân tách triệt để các liên kết hóa học có trong các thải y tế, làm nóng chảy, hóa hơi và tiêu hủy, kể cả các chất thải bền vững về nhiệt.

Đầu phát plasma xử lý rác y tế do các chuyên gia Viện Công nghệ VinIT phát triển. Ảnh: NVCC

Nhóm nghiên cứu của VinIT đã phát triển sản phẩm đầu tiên ở Việt Nam với đầu phát plasma nhiệt công suất 400 kW, sử dụng điện 3 pha, điện thế 10 kV ứng dụng xử lý chất thải rắn y tế nguy hại. Sản phẩm đầu phát plasma mới đây đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế. Trên cơ sở đầu phát plasma, có thể xây dựng dây chuyền xử lý gồm lò đốt, hệ thống băng chuyền, khoang nạp rác đầu vào, hệ thống hấp, lọc khí, hệ thống thủy tinh hóa rác... Rác bị thủy tinh hóa, lưu giữ dưới dạng vật thể rắn, có thể được tái sử dụng làm tấm đá kè đường, làm kè ở biển hoặc chôn lấp mà không ảnh hưởng môi trường. Sản phẩm đã thương mại hóa ở Nga. Hệ thống này cũng có thể thiết kế theo nhu cầu thực tế trong nước.

Cũng tại Hội thảo, Ông Nguyễn Văn Bình, Phó giám đốc Trung tâm cơ điện thủy, Viện nghiên cứu cơ khí (Bộ Công thương) giới thiệu về công nghệ nhiệt ướt. Ông cho biết, công nghệ này có thể thay thế phương pháp đốt truyền thống nhưng giá thành chỉ bằng 60%. Hiện Công ty môi trường đô thị Hà Nội (Ureco 13) đang ứng dụng công nghệ nhiệt ướt sử dụng nồi hấp nhiệt độ cao diệt vi khuẩn, virus, vi sinh vật... trong rác, không phát sinh khí độc, tro xỉ kim loại nặng. Chất thải sau khi được khử khuẩn sẽ chôn lấp như rác thông thường.

Nồi hấp xử lý rác bằng công nghệ nhiệt ướt của Viện nghiên cứu cơ khí, Bộ Công thương. Ảnh: NVCC

Mỗi mẻ hấp thực hiện khoảng 2 giờ, với khối lượng rác khoảng 800 kg. Sản phẩm được ứng dụng tại Urenco 13 năng suất đạt khoảng 10 tấn mỗi ngày. "Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các đơn vị chuyển giao kỹ thuật, công nghệ để sản phẩm được ứng dụng nhiều hơn", ông Bình nói.

Theo thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM, trong hơn 100 năm qua có hơn 56.500 công bố, sáng chế trên thế giới về xử lý rác y tế, trong đó công nghệ đốt chiếm nhiều nhất 31%, còn lại là các công nghệ khác như plasma, sinh học, chiếu xạ, nhiệt ướt... Tuy nhiên, trong giai đoạn 2012 - 2021, công nghệ plasma có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, chiếm 21% số sáng chế về kỹ thuật xử lý chất thải y tế, tiếp đến là công nghệ nhiệt ướt 19%, chiếu xạ 17%.

Nguồn: vista.gov.vn

Số lượt đọc: 3857

Về trang trước Về đầu trang