Tin KHCN trong nước
Lựa chọn, khai thác công nghệ phục vụ chiến lược phát triển của doanh nghiệp (28/07/2022)
-   +   A-   A+   In  
Công nghệ đang trở thành cấu phần quan trọng trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Việc lựa chọn, quản trị và khai thác công nghệ có ảnh hưởng mang tính quyết định tới sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trong dài hạn

Theo Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KH&CN), việc lựa chọn, quản trị và khai thác công nghệ cũng là hoạt động phức tạp, yêu cầu đa dạng về nguồn lực và rất cần sự hỗ trợ từ phía nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh đa số doanh nghiệp hiện còn hạn chế về thông tin, nguồn lực và nhận thức.

Chiến lược phát triển của doanh nghiệp bao gồm nhiều cấu phần, trong đó chiến lược phát triển công nghệ là một chiến lược cấp chức năng, liên quan đến việc khai thác, phát triển và duy trì các tri thức và khả năng của doanh nghiệp trong dài hạn. Đối với các doanh nghiệp sản xuất, chiến lược công nghệ là chiến lược đi đầu trong chuỗi chiến lược chức năng như: chiến lược công nghệ, chiến lược sản phẩm, chiến lược marketing, chiến lược khác...

Chiến lược công nghệ bao gồm các chính sách, kế hoạch và thủ tục để có được kiến thức và năng lực, quản lý kiến thức và năng lực đó trong doanh nghiệp, khai thác chúng để đạt được lợi nhuận. Các doanh nghiệp khác nhau sẽ lựa chọn chiến lược công nghệ khác nhau, như chiến lược tiên phong, chiến lược theo sau, chiến lược phụ thuộc,... nhằm duy trì và phát triển năng lực cạnh tranh trong dài hạn. Để xây dựng được chiến lược công nghệ có tính khả dụng cao, các doanh nghiệp có thể áp dụng nhiều công cụ phân tích, dự báo nhằm đánh giá các yếu tố ảnh hưởng trong ngắn hạn và dài hạn. Trong đó, các thông tin về công nghệ đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Hiện nay, thông tin về công nghệ có thể được tiếp cận và khai thác từ nhiều nguồn, như: Các sự kiện kết nối cung - cầu công nghệ; cơ sở dữ liệu về công nghệ; tài liệu giới thiệu của doanh nghiệp; cơ sở dữ liệu bài báo, tạp chí; cơ sở dữ liệu sáng chế; các tổ chức cung cấp dịch vụ công nghệ; chuyên gia công nghệ,… Mỗi nguồn thông tin có đặc điểm, giá trị khác nhau và yêu cầu các kỹ năng, kinh nghiệm phù hợp để khai thác hiệu quả.

Ảnh minh hoạ

Thông tin từ cơ sở dữ liệu sáng chế

Sáng chế là một trong rất ít nguồn thông tin kỹ thuật được phân loại mà các doanh nghiệp có thể tiếp cận, khai thác các thông tin đặc biệt có giá trị đối với chiến lược kinh doanh. Rất nhiều thông tin quan trọng được bộc lộ lần đầu tiên thông qua đơn đăng ký hoặc công bố sáng chế. Do đó, các sáng chế và cơ sở dữ liệu sáng chế là công cụ hữu hiệu để doanh nghiệp nhận biết về xu hướng nghiên cứu và phát triển rất sớm trước khi các sản phẩm xuất hiện trên thị trường.

Để đáp ứng điều kiện bộc lộ, các sáng chế được yêu cầu trình bày một cách rõ ràng và đầy đủ đến mức người có trình độ trung bình trong lĩnh vực kỹ thuật cụ thể có thể thực hiện được sáng chế, thậm chí cần phải nêu được phương pháp ưu việt nhất để thực hiện sáng chế. Từ nguồn thông tin này, doanh nghiệp có thể phân tích, xác định các đặc tính sản phẩm của đối thủ để đưa ra chiến lược cạnh tranh phù hợp, vừa đảm bảo hiệu quả, vừa không vi phạm bản quyền của sáng chế đã được đăng ký.

Đối với chiến lược kinh doanh, thông tin từ sáng chế có thể giúp doanh nghiệp: Xác định, tìm kiếm các đối tác kinh doanh; Tìm kiếm các nhà cung cấp và nguyên liệu; Các nhà sáng chế, chủ sở hữu sáng chế có liên quan. Từ đó, xác định, theo dõi, đánh giá và dự báo hoạt động của đối thủ cạnh tranh tại các thị trường khác nhau; Xác định được thị trường phù hợp; Tránh nguy cơ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trước khi tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh tại thị trường mới.

Đối với chiến lược công nghệ, thông tin sáng chế có thể giúp doanh nghiệp: Xác định các xu thế công nghệ, các sáng chế nổi bật có giá trị cao, các quốc gia và tổ chức đang dẫn dắt xu thế công nghệ, các nhà sáng chế hàng đầu trong từng lĩnh vực công nghệ. Từ đó, đưa ra các định hướng đổi mới phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp; Bắt kịp sự phát triển của công nghệ trong lĩnh vực chuyên môn.

Xác định, đánh giá các kết quả nghiên cứu mới, từ đó tránh chi phí nghiên cứu và phát triển không cần thiết cho các kết quả đã biết; Tìm ra các công nghệ thay thế cho công nghệ hiện có của doanh nghiệp; Tìm ra các giải pháp đã được nghiên cứu và phát triển cho các vấn đề kỹ thuật mà doanh nghiệp đang gặp phải; Đánh giá khả năng bảo hộ đối với các kết quả nghiên cứu đang tiến hành tại doanh nghiệp; Xác định sự trùng lặp trong nội dung sáng chế, so sánh đối chiếu với sáng chế của các đối thủ cạnh tranh, xác định và đánh giá tính mới của sáng chế.

Từ đó, đánh giá khả năng bảo hộ đối với các kết quả nghiên cứu đang tiến hành tại doanh nghiệp cũng như phản đối việc cấp bằng độc quyền sáng chế có thể xung đột với các sáng chế mà doanh nghiệp đã sở hữu; Tiếp cận khai thác, đặc biệt là những công nghệ đã hết thời gian bảo hộ, hoặc những công nghệ chưa đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.

Với sự tăng lên của nhu cầu cũng như vai trò đặc biệt quan trọng của thông tin sáng chế đối với doanh nghiệp và đơn vị quản lý, nhiều đơn vị đã cung cấp các công cụ tìm kiếm, phân tích miễn phí và có phí cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau. Một trong các công cụ tiêu biểu là bản đồ sáng chế. Có thể hiểu bản đồ sáng chế là một báo cáo toàn cảnh về sáng chế được tổng hợp, phân tích, mô tả trực quan phục vụ các mục đích sử dụng cụ thể. Bản đồ sáng chế giúp chuyển hoá các thông tin sáng chế đồ sộ, phức tạp, khó khai thác thành dạng thức dễ nắm bắt nhờ sử dụng các công cụ tìm kiếm, phân tích tự động và thông minh kết hợp với tri thức và kinh nghiệm của chuyên gia.

Bản đồ sáng chế có thể đồng thời cung cấp nhiều thông tin phục vụ chiến lược phát triển công nghệ và chiến lược kinh doanh cho nhiều đối tượng doanh nghiệp khác nhau, như: Bức tranh toàn cảnh về lĩnh vực công nghệ mà doanh nghiệp quan tâm cũng như các lĩnh vực công nghệ có liên quan (xu hướng; các kết quả mới nhất; vòng đời công nghệ...); Nhận dạng công nghệ cụ thể liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (hiện trạng pháp lý tại các quốc gia, vùng lãnh thổ; các công nghệ có liên quan; chủ sở hữu;...); Phân tích tiềm năng và tính rủi ro tại các thị trường doanh nghiệp đang quan tâm; Hồ sơ năng lực của đối thủ và đối tác tiềm năng; Dự báo sự xuất hiện và đặc tính của các sản phẩm sẽ xuất hiện trong tương lai...

Thông tin từ bản đồ công nghệ

Bản đồ công nghệ là khái niệm tương đối mới và có phần đặc thù tại Việt Nam. Đối với các quốc gia có trình độ công nghệ và nền tảng thống kê tốt, việc xây dựng bản đồ công nghệ thường được “ẩn” trong quá trình xây dựng lộ trình công nghệ (technology roadmap). Bản đồ công nghệ có thể hiểu là tài liệu mô tả, phân tích hiện trạng/mối tương quan và xu hướng của công nghệ - sản phẩm, đây là công cụ đặc biệt hữu dụng trong việc ra quyết định về định hướng, đầu tư phát triển, ứng dụng và đổi mới công nghệ ở cấp độ quốc gia, ngành/lĩnh vực và doanh nghiệp.

Đối với chiến lược công nghệ của doanh nghiệp, bản đồ công nghệ có thể cung cấp các thông tin quan trọng như: Thị trường và sản phẩm mà các doanh nghiệp đối tác/đối thủ đang sản xuất và quan tâm; Các công nghệ có vai trò cốt yếu đối với sản phẩm hiện có và sản phẩm trong tương lai; Xu hướng phát triển của sản phẩm và các công nghệ/năng lực công nghệ cần thiết để doanh nghiệp duy trì/gia tăng lợi thế cạnh tranh; Các đối tác phù hợp để doanh nghiệp chuyển giao/hợp tác phát triển công nghệ;…

Đây cũng là các thông tin đầu vào để doanh nghiệp cụ thể hoá chiến lược thành lộ trình phát triển công nghệ và lộ trình phát triển sản phẩm.

Vai trò của cơ quan quản lý

Với nhận thức nhất quán về vai trò đặc biệt quan trọng của công nghệ trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đặt doanh nghiệp ở vị trí trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, thời gian vừa qua, các cơ quan quản lý đã ban hành, triển khai nhiều chính sách đồng bộ và cụ thể để tăng cường vai trò định hướng cũng như hỗ trợ của nhà nước để phát triển công nghệ trong doanh nghiệp.

Cụ thể, đã tiến hành tái cấu trúc các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia với quan điểm lấy doanh nghiệp làm trung tâm để đổi mới và ứng dụng công nghệ, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia, năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp; hình thành và phát triển các sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt Nam bằng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, có khả năng cạnh tranh về tính mới, chất lượng và giá thành. Đẩy mạnh hoạt động chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp nhận, ứng dụng, làm chủ và phát triển các công nghệ tiên tiến của thế giới.

Điều chỉnh cơ chế sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong thực tế triển khai thời gian qua, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp sử dụng nguồn đầu tư cho khoa học và công nghệ trong thời gian sắp tới.

Xây dựng bản đồ công nghệ cho một số ngành, lĩnh vực trọng yếu. Ban hành các tài liệu dẫn xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ, đồng thời hỗ trợ chuyên gia tư vấn để các địa phương/tổ chức/doanh nghiệp chủ động triển khai xây dựng các bản đồ công nghệ, lộ trình đổi mới công nghệ phù hợp với nhu cầu và mục tiêu phát triển.

Để công nghệ trở thành cấu phần cốt yếu trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp cần có sự vào cuộc, phối hợp các bộ ngành, địa phương trên cơ sở nhận thức đầy đủ về vai trò của công nghệ và nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong quá trình này, các cơ quan quản lý nhà nước không chỉ thiết kế các chính sách phù hợp, đưa ra định hướng lớn cho ngành, lĩnh vực mà còn có trách nhiệm cung cấp các hỗ trợ cần thiết, cụ thể, dễ tiếp cận từ nguồn ngân sách, đồng thời khơi thông và phát huy hiệu quả nguồn lực khác trong nước và từ nước ngoài.

 

Nguồn: vietQ.vn

Số lượt đọc: 3175

Về trang trước Về đầu trang