Tin KHCN trong nước
Khai thác cơ sở dữ liệu cung cầu công nghệ nhằm thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo (18/07/2022)
-   +   A-   A+   In  
Hệ thống cơ sở dữ liệu kết nối cung - cầu công nghệ trực tuyến ra đời với mong muốn thúc đẩy liên kết, chia sẻ, khai thác thông tin giữa các doanh nghiệp, viện trường, các tổ chức trung gian trong thị trường công nghệ. Với cơ sở dữ liệu mở đó giúp các đơn vị có thể chia sẻ, tìm kiếm và kết nối tự động thông tin về cung, cầu công nghệ, chuyên gia công nghệ, hỗ trợ hoạt động tư vấn, hỗ trợ chuyển giao công nghệ phục vụ đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp.

Quá trình xây dựng CSDL cung cầu công nghệ và một số kết quả đạt được

Trải qua nhiều công cuộc kết nối - chia sẻ và cung cấp thông tin, dịch vụ liên quan trong việc hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến, nâng cấp, đổi mới công nghệ, rất nhiều thông tin về cung - cầu công nghệ đã được lưu trữ. Từ đó, hệ thống cơ sở dữ liệu kết nối cung - cầu công nghệ trực tuyến ra đời với mong muốn thúc đẩy liên kết, chia sẻ, khai thác thông tin giữa các doanh nghiệp, nhà khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở dữ liệu kết nối cung - cầu công nghệ còn góp phần cải thiện hệ sinh thái khoa học và công nghệ tại Việt Nam, thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ trong nước cũng như từ nước ngoài vào Việt Nam.

Từ năm 2016, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ đã phối hợp với Nhóm chuyên gia của Đại học Bách khoa Hà Nội triển khai xây dựng hệ thống phầm mềm cơ sở dữ liệu cung cầu công nghệ để cập nhật dữ liệu công nghệ, gồm: dữ liệu về nhu cầu đổi mới công nghệ, nhu cầu tư vấn cải tiến kỹ thuật, nhu cầu liên doanh liên kết dựa trên công nghệ...; dữ liệu các công nghệ sẵn sàng chuyển giao trong và ngoài nước; dữ liệu về chuyên gia tư vấn công nghệ; dữ liệu doanh nghiệp sản xuất trong các lĩnh vực.

Đến nay, phần mềm đã được cài đặt tại 33 Sở KH&CN/Trung tâm Ứng dụng địa phương, 03 đại học gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học quốc gia TP HCM, Đại học Bách Khoa Hà Nội và 14 Điểm kết nối cung cầu công nghệ trên cả nước. Việc này đã tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian và đưa ra các phương án về cung và cầu công nghệ khác nhau để người dùng quyết định chọn công nghệ, đơn vị cung cấp nguồn cung và nguồn cầu phù hợp nhất.

Trong giai đoạn vừa qua, tìm kiếm và cung cấp thông tin 2480 nguồn cung công nghệ trong và ngoài nước phù hợp theo nhu cầu doanh nghiệp, trên 300 chuyên gia công nghệ theo nhu cầu doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân. Cơ sở dữ liệu công nghệ được cung cấp dưới hai hình thức: Thông qua cổng thông tin điện tử của Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ tại địa chỉ: www.sati.gov.vn; thông qua phần mềm quản lý dữ liệu cung - cầu công nghệ tại các điểm kết nối cung cầu công nghệ và các Sở Khoa học và Công nghệ địa phương. Đã tiếp nhận 568 loại nhu cầu công nghệ cho các doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành lĩnh vực công nghệ như: công nghệ sinh học; công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật; công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh; công nghệ vi sinh vật bảo vệ cây trồng; công nghệ chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch; cơ khí chế tạo... Thống kê qua cổng thông tin điện tử của Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ tại địa chỉ: www.sati.gov.vn, tính đến thời điểm tháng 6 năm 2022 đã có trên 40.000 lượt truy cập tìm kiếm thông tin công nghệ.

 

Nguồn cung công nghệ theo lĩnh vực

Những tồn tại và nguyên nhân

Hoạt động kết nối giữa Trung tâm Hỗ trợ chuyển giao công nghệ với các viện nghiện cứu, các trường đại học, các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, các chuyên gia tới các trung tâm ứng dụng của các địa phương còn nhiều hạn chế, chưa phát huy được hết vai trò là cầu nối giữa các đơn vị, tổ chức, từ đó chưa xác định được những nhu cầu công nghệ của địa phương, doanh nghiệp làm cơ sở cho hoạt động tìm kiếm công nghệ trong nước và ngoài nước để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Hoạt động cập nhật cơ sở dữ liệu nguồn cung công nghệ chưa sát với thực tế, các trường thông tin trong hệ thống chưa cung cấp đủ thông tin có độ tin cậy về công nghệ để người xem có thể nắm bắt và liên hệ. Phần mềm cơ sở dữ liệu cung - cầu hiện nay có thể quản lý các hồ sơ một cách độc lập, tuy nhiên việc tạo liên kết giữa các hồ sơ và tìm kiếm chưa thực hiện được. Ngoài ra, dữ liệu cũng được thu thập trực tuyến thông qua phần phần mềm khảo sát online trên cổng thông tin của Cục, tuy nhiên phần mềm này cũng chưa được khai thác hiệu quả, một phần do sự không ổn định của cổng thông tin. Website giao diện tìm kiếm hiện tại phân loại nhóm ngành lĩnh vực chưa được cập nhật theo phân loại lĩnh vực công nghệ quốc tế, chức năng tìm kiếm ở mức đơn giản, không có nhiều lựa chọn tìm kiếm.

Nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy ứng dụng chuyển giao công nghệ và ĐMST

Với tầm nhìn phát triển cơ sở dữ liệu cung - cầu công nghệ thành cơ sở dữ liệu dùng chung về công nghệ nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, Lãnh đạo Cục đã chỉ đạo xây dựng nhiệm vụ và các giải pháp kỹ thuật tích hợp dữ liệu với các CSDL Khoa học và công nghệ khác. Mục tiêu cụ thể là mở rộng hệ thống, nâng cao số lượng và chất lượng hồ sơ công nghệ, nâng cao khả năng khai thác cơ sở dữ liệu dùng chung về công nghệ.

Về xây dựng và phát triển nền tảng cơ sở dữ liệu:
Thứ nhất, xây dựng cổng thông tin CSDL kết nối cung cầu công nghệ tích hợp dùng chung; Xây dựng được Hệ thống tìm kiếm, xử lý và phân tích dữ liệu công nghệ thông minh trực tuyến để phục vụ đánh giá, phân tích công nghệ, kết nối cung cầu công nghệ.
Thứ hai, xây dựng Bản tin công nghệ sẵn sàng chuyển giao, kết nối, đổi mới công nghệ để cung cấp, phổ biến cho doanh nghiệp, tổ chức và các địa phương.
Về phát triển, vận hành và khai thác hiệu quả các điểm kết nối cung cầu công nghệ - tổ chức ứng dụng chuyển giao công nghệ và ĐMST:
Thứ nhất, hỗ trợ hình thành và vận hành các Điểm kết nối cung cầu công nghệ mới theo nhu cầu thực tế của địa phương: Phát triển mở rộng mạng lưới kết nối trong và ngoài nước; Đào tạo, hình thành đội ngũ tư vấn viên hỗ trợ chuyển giao công nghệ; Đẩy mạnh hoạt động của các Điểm kết nối cung cầu công nghệ.
Thứ hai, hướng dẫn hoạt động Điểm kết nối cung cầu công nghệ cho các Sở KH&CN, trường đại học, Viện nghiên cứu, Liên minh Hợp tác xã, Hiệp hội, doanh nghiệp.
Thứ ba, xây dựng, hình thành và phát triển mạng lưới Điểm kết nối cung cầu công nghệ; mạng lưới các tổ chức trung gian.
Thứ tư, tổ chức hoạt động kết nối cung cầu công nghệ, gặp gỡ, trao đổi, đàm phán, hợp tác chuyển giao công nghệ, xúc tiến đầu tư, liên doanh, liên kết giữa các đối tác trong và ngoài nước.

Kết quả cụ thể là hệ thống CSDL được mở rộng, nâng cao số lượng và chất lượng hồ sơ công nghệ, nâng cao khả năng khai thác dữ liệu dùng chung về công nghệ. Bên cạnh đó, mạng lưới kết nối công nghệ được mở rộng, nâng cao chất lượng và số lượng chuyên viên, chuyên gia tư vấn công nghệ. Cuối cùng là nâng cao chất lượng và số lượng các cuộc kết nối, phục vụ được nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.

Nguồn: Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ

Số lượt đọc: 3352

Về trang trước Về đầu trang