Tin KHCN trong nước
Quản lý, khai thác hiệu quả thông tin sở hữu công nghiệp (25/05/2022)
-   +   A-   A+   In  
Kể từ khi được thiết lập, nền tảng IPPlatform đã góp phần tăng cường hiệu quả hoạt động quản lý, khai thác hiệu quả thông tin sở hữu công nghiệp, nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ trên địa bàn

Theo đánh giá của nhà khoa học, hiện nay việc tiếp cận kịp thời và khai thác hiệu quả thông tin sở hữu công nghiệp có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động quản lý và phát triển tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Với doanh nghiệp, trường, viện nghiên cứu, khai thác hiệu quả thông tin sở hữu công nghiệp giúp đầu tư hợp lý cho nghiên cứu, bảo hộ kịp thời kết quả nghiên cứu sáng tạo và khai thác hợp pháp các tài sản trí tuệ, đặc biệt là công nghệ, sáng chế, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả nghiên cứu của trường, viện và lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Với các cơ quan quản lý, khai thác hiệu quả thông tin sở hữu công nghiệp góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ trên địa bàn. Vì vậy, nền tảng dữ liệu và dịch vụ thông tin sở hữu công nghiệp - IPPlatform đã được Bộ KH&CN phê duyệt triển khai thiết lập, duy trì và phát triển như một công cụ phục vụ việc khai thác thông tin về sở hữu công nghiệp đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, trường, viện nghiên cứu cũng như các cơ quan quản lý. (nền tảng dữ liệu và dịch vụ sở hữu công nghiệp) là công cụ trực tuyến miễn phí được vận hành tại địa chỉ http://ipplatform.gov.vn từ tháng 7/2019. Sản phẩm được nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ phát triển, giúp doanh nghiệp quản lý, tra cứu thông tin về sáng chế, giải pháp hữu ích, minh bạch trong quản lý tài sản trí tuệ. Đây là nền tảng cho phép cung cấp dịch vụ sở hữu công nghiệp, kết nối các cá nhân tổ chức, có sáng chế, giải pháp hữu ích với bên có nhu cầu mua.

Tại hội nghị tập huấn khai thác thông tin và cung cấp dịch vụ sở hữu công nghiệp vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho biết, trong quản lý tài sản trí tuệ bằng nền tảng IPPlatform là một điểm nhấn trong bức tranh tạo ra giá trị tài sản sở hữu trí tuệ đối với các đơn vị có hoạt động nghiên cứu, phát triển (R&D). Nền tảng cho phép nhập cơ sở dữ liệu, sử dụng khai thác dữ liệu sẵn có, nghiên cứu thị trường và đưa ra thương mại hóa, góp phần lâu dài phát triển tài sản trí tuệ cho Việt Nam.

Thứ trưởng nhận định, triển khai nền tảng IPPlatform vẫn là một việc mới và cần được định hướng lâu dài. Ông cho rằng từ việc nghiên cứu thị trường, đăng ký chỉ dẫn địa lý, đăng ký nhãn hiệu chắc chắn sẽ còn nhiều vấn đề cần chú ý. Do đó để nền tảng này trở thành biểu tượng trí tuệ, Thứ trưởng cũng đề nghị các doanh nghiệp, hiệp hội nghiên cứu cùng phát triển, bởi sẽ đến một lúc, sở hữu trí tuệ, R&D sẽ trở thành cốt lõi, tạo giá trị cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Ảnh minh hoạ

TS Tạ Quang Minh, Viện trưởng Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ cho biết, dựa vào thông tin sở hữu công nghiệp và nền tảng IPPlatform, các doanh nghiệp, tổ chức có thể đánh giá khả năng khai thác hợp pháp các đối tượng sở hữu công nghiệp. Nền tảng này cũng giúp tăng cường công tác quản lý sở hữu trí tuệ tại địa phương.

"Chúng ta cần phải biết được doanh nghiệp, cá nhân địa phương mình đang có đối tượng sở hữu công nghiệp nào, đơn nào, văn bằng đăng ký bảo hộ để hỗ trợ họ", ông Minh nói.

Hiện mạng lưới các trạm IPPlatform được đưa vào hoạt động tại nhiều địa phương trong cả nước như TP HCM, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Nghệ An, Phú Thọ, Bình Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng... Đã có 19 trạm IPPlatform được thiết lập và vận hành tại 15 Sở Khoa học và Công nghệ, hai viện nghiên cứu và hai hiệp hội nhằm phục vụ hoạt động khai thác thông tin và đưa dịch vụ sở hữu công nghiệp đến địa phương.

Theo Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ, bên cạnh những thuận lợi, kết quả đã đạt được, vẫn còn một số khó khăn trong quá trình khai thác và vận hành nền tảng IPPlatform cũng như các Trạm IPPlatform như: nhận thức của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp về sở hữu trí tuệ và vai trò của thông tin sở hữu công nghiệp còn nhiều hạn chế; hạn chế về kỹ năng tra cứu, khai thác thông tin của người dùng; đa số cán bộ vận hành Trạm IPPlatform chưa được đào tạo nền tảng về sở hữu trí tuệ; dữ liệu chưa được cập nhật thường xuyên và còn thiếu nhiều thông tin (bản mô tả đầy đủ của sáng chế, kiểu dáng công nghiệp,…); phương thức cập nhật dữ liệu sở hữu công nghiệp cho Nền tảng IPPlatform chưa trực tiếp, đồng bộ với công bố của Cục Sở hữu trí tuệ,...

Để tháo gỡ những khó khăn nói trên, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Tăng cường công tác phổ biến, hướng dẫn cho người dùng cũng như tập huấn cho cán bộ vận hành Trạm IPPlatform; cập nhật đầy đủ và kịp thời các thông tin về đối tượng sơ; nâng cấp công cụ cập nhật thông tin sở hữu công nghiệp vào Nền tảng IPPlatform như cập nhật tự động, trực tiếp. Muốn vậy, rất cần có sự tích cực tham gia của các Sở KH&CN, các trường, viện nghiên cứu trong việc mở rộng các Trạm IPPlatform và trong công tác tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn khai thác thông tin sở hữu công nghiệp.

Đồng thời, cần có sự ủng hộ của các cơ quan quản lý và các đơn vị chức năng liên quan trong việc hỗ trợ thúc đẩy cập nhật thông tin sở hữu công nghiệp, nâng cấp IPPlatform và phát triển công cụ cập nhật thông tin cho IPPlatform, mở rộng mạng lưới các Trạm IPPlatform. Từ đó phát huy hiệu quả của nền tảng IPPlatform, đưa thông tin và dịch vụ sở hữu công nghiệp đến gần với công chúng, góp phần hỗ trợ hoạt động phát triển và quản trị tài sản trí tuệ, cũng như hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.

Nguồn: vietQ.vn

Số lượt đọc: 3423

Về trang trước Về đầu trang