Tin KHCN trong nước
Thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp (24/05/2022)
-   +   A-   A+   In  
Mục tiêu của Dự thảo nhằm phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn để thực sự trở thành động lực then chốt cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành nông nghiệp...

Bộ NN&PTNT đang lấy ý kiến đóng góp từ các nhà chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, địa phương, viện trường… để hoàn thiện Dự thảo chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2021-2030.

Tại hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo vừa được tổ chức, TS Nguyễn Anh Phong, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn cho biết, Dự thảo dựa trên cấu trúc Chiến lược khoa học công nghệ quốc gia mới được Thủ tướng ban hành ngày 11/5/2022.

Theo TS Phong, mục tiêu của Dự thảo nhằm phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn để thực sự trở thành động lực then chốt cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành nông nghiệp, nông thôn; có đủ tiềm lực và trình độ tạo ra các luận cứ, sản phẩm phẩm khoa học giá trị cao.

Đồng thời, tiếp thu chọn lọc và làm chủ các công nghệ tiêu biểu của thế giới để phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp "sạch", nông nghiệp hữu cơ, gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh nông sản, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực và an ninh quốc phòng...

 Ảnh minh hoạ

TS Phong nêu 5 mục tiêu cụ thể của Dự thảo đặt ra. Trong đó, tỉ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương đạt trên 40%; tỷ lệ kết quả các nhiệm vụ khoa học công nghệ được ứng dụng vào thực tiễn/tổng số nhiệm vụ thực hiện đạt trên 90% vào năm 2025 và trên 95% vào năm 2030.

Xây dựng và phát triển được 200 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có sự hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi; tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến nông sản đạt bình quân 8 - 10%/năm giai đoạn 2021 - 2030.

Về giống, ngành trồng trọt đảm bảo sử dụng trên 90% giống lúa xác nhận và hạt lai F1. Trong ngành lâm nghiệp, đạt giống cây cung cấp cho trồng rừng kiểm soát nguồn gốc trên 90%. Ngành chăn nuôi đảm bảo cung cấp giống tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất đối với lợn là 95%; gia cầm từ 85 - 90%, thủy sản đảm bảo chủ động cung cấp 100% nhu cầu giống, đối tượng thủy sản chủ lực.

Theo PGS. TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, ban soạn thảo cần xác định rõ những tồn tại của cây ăn quả chính, từ đó phấn đấu, không nói chung chung, đặc biệt không hạ giá thành cây giống. Không nên đặt mục tiêu hạ giá thành cây giống, mà đặt mục tiêu cây giống sạch bệnh. Bởi trên thực tế, ở các nước, cây giống đắt hơn Việt Nam rất nhiều. Đặc biệt, về đổi mới khoa học công nghệ, ông Châu cho rằng, cần tự chủ công nghệ, sở hữu trí tuệ, gắn các viện, trường với doanh nghiệp.

Còn PGS. TS Nguyễn Huy Bích, Trưởng Khoa Cơ khí công nghệ, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM đặc biệt lưu ý ở lĩnh vực cơ khí hóa, chế biến nông sản. Mục tiêu cuối cùng áp dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là giải quyết bài toán nhân lực, năng suất, chất lượng, giá thành, trên nền thụ hưởng là người dân và doanh nghiệp. Để đạt được những mục tiêu đó, cần giải quyết bài toán về cơ giới hóa trước thu hoạch cho sản xuất nông nghiệp trọng điểm của Việt Nam (là cây lúa).

Nguồn: vietQ.vn

Số lượt đọc: 3526

Về trang trước Về đầu trang