Tin KHCN trong nước
Điểm danh 29 dự án xuất sắc lọt vào chung kết cuộc thi Sáng kiến khoa học 2022 (17/04/2022)
-   +   A-   A+   In  
Sau quá trình sàng lọc kỹ lưỡng của Ban giám khảo và các bình chọn từ khán giả, đã có 29 dự án tiếp tục tiến vào chung kết cuộc thi Sáng kiến khoa học 2022.

1. Dự án Trà định tâm Assamica

Dự án của tác giả Nguyễn Long Hoàng sử dụng nguồn nguyên liệu hữu cơ, giúp giải stress, chống mất ngủ. Trà được phát triển từ nguồn dược liệu quý Crotalaria assamica, lần đầu tiên được nghiên cứu, trồng và thu hoạch theo tiêu chuẩn hữu cơ (organic standard) tại vùng núi cao Langbiang, Lâm Đồng.

2. Tảo hạt hoạt tính

Nhóm tác giả Nguyễn Ngọc Kim Quy đang thực hiện nghiên cứu khoa học tại Phòng thí nghiệm Trọng điểm ĐHQG Công nghệ Xử lý Chất thải Bậc cao, Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TP HCM.

Tảo hạt hoạt tính được hình thành bằng cách đồng nuôi cấy vi tảo chủng Chlorella và vi khuẩn (được phân tách từ bùn hoạt tính dùng trong xử lý nước thải). Sản phẩm được ứng dụng làm nguồn nguyên/nhiên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp, như xăng sinh học, nhựa sinh học, phân bón... sử dụng các hợp chất từ vi tảo như lipid (xăng sinh học), tinh bột (nhựa sinh học).

3. Sản phẩm lycopen và hệ nano lycopen từ quả gấc Việt Nam

Sản phẩm do nhóm tác giả Hồ Thị Oanh tại Viện Hóa học- Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện. Nhóm nghiên cứu chiết tách lycopen từ quả gấc đã được cấp bằng Độc quyền Sáng chế năm 2021. Lycopen và nano lycopen được chế tạo từ nguồn hoạt chất tự nhiên - lycopen chiết từ quả gấc kết hợp với các phụ gia an toàn.

hinh-anh-bot-nano-lycopen-1647-9924-8047-1649922661

4. Thiết bị ứng dụng cảm biến Kinect có khả năng nhận diện được khung xương giúp phát hiện sớm chứng vẹo cột sống

Nhóm tác giả Nguyễn Đỗ Quỳnh Nguyên đã ứng dụng cảm biến Kinect có khả năng nhận diện được khung xương để đo và đưa ra số đo cụ thể góc của cột sống, từ đó đưa ra kết luận về tình trạng cột sống của người đo một cách chính xác. Thiết bị được nhóm phát triển trong 6 tháng và được giới thiệu là "có khả năng thay thế phương pháp chụp X-quang trong tương lai".

5. Deep Signature - Công nghệ chống hàng giả bằng blockchain

Sản phẩm của tác giả Nguyễn Đình Quân là hệ thống phần mềm hoạt động dựa trên thuật toán blockchain và đã được đăng ký độc quyền sáng chế tại Mỹ vào tháng 10/2021. Deep Signature giúp nhà sản xuất kích hoạt mã ID sản phẩm bất kỳ đại diện duy nhất cho sản phẩm đó bằng công nghệ blockchain để người tiêu dùng có thể xác thực nguồn gốc chính hãng của hàng hóa.

6. Tinh bột kháng tự nhiên - RS3 từ đậu

Sản phẩm của nhóm tác giả Quách Hồng Thái. Tinh bột kháng tự nhiên "Made in Vietnam" đã được thương mại hóa, bán trên thị trường, sử dụng như bữa ăn dinh dưỡng cho người và lợi khuẩn đường ruột cùng phát triển.

7. Ý tưởng xây dựng bản đồ tai biến kép trượt lở đến cấp xã tại Huyện Nam Trà My, Quảng Nam

Tác giả Lê Quang Dương có ý tưởng xây dựng bản đồ phân tầng màu theo nguy cơ diễn ra trượt lở đất, lũ quét, tai biến kép để dễ dàng giúp chính quyền địa phương và người dân thấy được mức độ nguy hiểm vào mùa mưa lớn kéo dài, tránh đến nơi nguy hiểm. Ý tưởng thuộc lĩnh vực Môi trường

8. Tấm vật liệu xây dựng tự làm mát

Sản phẩm được phát triển bởi nhóm 6 tác giả gồm nhà khoa học, các kỹ sư công nghệ thông tin, kỹ sư xây dựng, kỹ thuật điện tử trong thời gian khoảng hơn 3 năm. Tấm vật liệu xây dựng có khả năng duy trì các công trình xây dựng luôn luôn ở trạng thái dưới 30 độ, tức là ở ngưỡng cảm giác thoải mái của con người.

9. Thiết bị đo thân nhiệt thông minh cải tiến và hỗ trợ điểm danh từ xa

Tác giả Lê Đức Quốc ứng dụng công nghệ 4.0 phát triển sản phẩm. Trong quá trình sử dụng, có thể tự mở khóa cửa khi quét thẻ, tự gọi điện thoại khi có sự cố trên lớp học hay tự động gửi tin nhắn thông báo. Sản phẩm được mô tả giúp nhà trường và gia đình quản lý học sinh hiệu quả giữa đại dịch Covid-19 trong giai đoạn bình thường mới.

10. Ý tưởng website hỗ trợ người dân tộc Mông ôn thi bằng lái xe máy chưa sử dụng được tiếng Việt

Tác giả Đoàn Thị Hà Giang đến từ trường Phổ thông Dân tộc Nội Trú tỉnh Điện Biên đưa ra ý tưởng với ước mong giúp bà con dân tộc Mông nghe nói được tiếng phổ thông có thể thi được bằng lái xe máy. Người dùng chỉ cần sử dụng thiết bị đã kết nối Internet có thể tìm hiểu kiến thức về giao thông, nâng cao trình độ nhận thức khi tham gia giao thông.

11. Mắt kính - trợ lý ảo cho người khiếm thính, khiếm thị

Tác giả Mai Đặng Sơn Tùng mô tả ý tưởng sử dụng công nghệ cấy chip vào não, kết hợp cùng mắt kính đóng vai trò đôi mắt và đôi tai truyền hình ảnh và âm thanh vào chip. Chip sẽ giúp người khiếm thị, khiếm thính có được khả năng nghe, nhìn như người bình thường. Đây là sự kết hợp giữa công nghệ y sinh và kỹ thuật công nghệ cao.

12. Telemedicine khép kín hỗ trợ F0 từ xa giảm thiểu tử vong

Tác giả Nguyễn Hữu Đức Minh giới thiệu đội hỗ trợ y tế từ xa "telemedicine khép kín" gồm 21 bác sĩ là các giảng viên Đại học Y dược TP HCM và Cao đẳng Dược Sài Gòn , sinh viên Đại học Y dược TP HCM. "Telemedicine" có thể hỗ trợ từ xa qua điện thoại, để hỗ trợ F0 xử trí ban đầu giảm bớt quá tải cho trạm y tế trong bối cảnh đại dịch.

13. Artificial Intelligent Applications for Fault and Harmonic Analysis and Load Forecasting - Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo để phân tích sự cố và sóng hài cũng như dự đoán phụ tải trong hệ thống điện mặt trời

Tác giả Ngô Đăng Lưu mô tả thiết bị có một số tính năng như chẩn đoán và dự báo lỗi của các thiết bị (MBA...) thông qua phân tích tần số quét FRA; nghiên cứu dự báo phụ tải nguồn tái tạo; chẩn đoán và dự báo tấm pin mặt trời bị lỗi thông qua xử lý hình ảnh.

14. Vật dụng làm từ sả và khoai nước

Nhóm tác giả Phạm Thành Chung mô tả sản phẩm sử dụng nguồn nguyên liệu rẻ, dễ trồng, kỹ thuật đơn giản. Lá sả khô có mùi thơm, giòn và cứng, đan kết hợp với cói, mây tạo thành các vật dụng có giá trị sử dụng cao như: khay, hộp, khung đèn, lót cốc, lót nồi, búi rửa bát, miếng lót cốc, chén, bát, nồi... Cuống khoai phơi khô nhẹ, mềm dùng đan sản phẩm như khay, hộp đựng.

15. Nghiên cứu chế tạo vật liệu mới nanocomposite ZnO-SiO2 từ vỏ trấu và ứng dụng xử lý dư lượng dược phẩm và diệt vi khuẩn trong môi trường nước

Nhóm tác giả Trương Trang tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp là vỏ trấu để tạo ra vật liệu hấp phụ nanosilica. Sản phẩm được mô tả thân thiện với môi trường, được ứng dụng trong lĩnh vực môi trường và khoa học vật liệu. Vật liệu nanocomposite ZnO-SiO2 được sử dụng để hấp phụ loại bỏ các chất ô nhiễm như kháng sinh, thuốc nhuộm, thuốc giảm đau...

16. Trợ lý giấc ngủ thông minh

Sản phẩm HieDream được tác giả Vương Tiến Đạt áp dụng giải pháp IoT giúp kết nối các thiết bị có sẵn trong căn hộ, cung cấp giải pháp tự động hóa toàn diện cải thiện chất lượng giấc ngủ, đồng thời cũng theo dõi tình trạng sức khỏe qua giám sát giấc ngủ cá nhân qua ứng dụng điện thoại. Dự án được phát triển bởi các sinh viên năm cuối chuyên ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa, Đại học Bách khoa Hà Nội.

17. Hệ thống nuôi cấy tảo Spirulina Platensis thông minh

Hệ thống nuôi cấy tảo Spirulina Platensis thông minh được tác giả Nguyễn Đức Trung phát triển nhằm cung cấp một công cụ hữu ích để hỗ trợ và nâng cao chất lượng của tảo Xoắn được nuôi cấy tại nhà.

18. Cảm biến siêu nhạy dựa trên nền vật liệu nano Bạc cho ứng dụng phát hiện nồng độ glucose

Tác giả Trần Thị Như Hoa giới thiệu hệ thống cảm biến quang học sợi quang kết hợp với các hạt nano Bạc với kích thước 90 nm cho phép theo dõi nồng độ glucose một cách liên tục trong thời gian thực thông qua sự thay đổi chiết suất của dung dịch. Hệ thống cảm biến giúp hỗ trợ cho việc đánh giá theo dõi chuẩn đoán và điều trị bệnh đái tháo đường.

19. Thiết bị thông minh trong nhà bếp

Ý tưởng về thiết bị thông minh trong nhà bếp của nhóm tác giả từ THPT Mỹ Lộc, Nam Định xây dựng. Mô hình thiết bị gồm có 4 hệ thống và một số chức năng phụ như hút mùi, làm mát, khử khuẩn, chống cháy và báo cháy cùng cảm biến hiển thị nhiệt độ phòng bếp, có chế độ điều khiển bằng công tắc cảm ứng chạm, giọng nói.

20. Máy lựa hạt nông sản (tiêu, cà phê)

Bằng việc ứng dụng xử lý hình ảnh, tác giả Trương Việt Cường phát triển máy lựa nông sản giúp phân loại nhanh các loại hạt như hồ tiêu, cà phê theo từng tiêu chuẩn cũng như sản lượng.

21. Màng bọc ăn được Edifilm

Dự án màng ăn do nhóm 5 thành viên đến từ trường ĐH Bách Khoa (ĐHQG TP HCM) phát triển. Edifilm là màng làm từ tinh bột sắn nên ăn được và tan trong nước nóng cùng với thực phẩm. Sản phẩm giúp giải quyết được lượng túi nhựa sử dụng cho các bọc đồ ăn liền như gói phở, mì hay các loại bánh, đồ khô bọc nhiều lớp túi nhựa.

1647104764924-1647104734-16472-9051-4641-1649922661

Màng bọc ăn được Edifilm 

22. Phân bón hữu cơ vi sinh Plantex

Phân bón hữu cơ vi sinh Plantex được tác giả Lê Minh Dương tận dụng được nguồn chất hữu cơ dồi dào từ lượng bùn thải của nhà máy sữa và lượng lớn men enzyme bồ hòn bỏ đi ngay tại địa phương để phục vụ cho nông nghiệp, tránh gây lãng phí. Phân bón hữu cơ được mô tả có chứa hàm lượng dinh dưỡng cao cùng lượng lớn các vi sinh vật có lợi.

23. Mô hình nuôi ruồi lính đen xử lý rác thải hữu cơ

Tác giả Đỗ Minh Khôi đưa ra ý tưởng ứng dụng một loại ruồi để xử lý rác thải hữu cơ nhằm thay thế phương pháp xử lý hiện nay như thiêu đốt hay chôn lấp. Sản phẩm được nhóm mô tả sẽ có phần gia công cơ khí chiếm 80% và hệ thống AI chiếm 20%. Cụ thể là các cảm biến nhiệt độ, độ ẩm, hệ thống làm mát bằng phun sương tự động, camera AI nhận diện khả năng phát triển của ấu trùng ruồi sẽ được tích hợp trên từng sản phẩm theo nhu cầu của khách hàng.

24. Ổ cắm điện thông minh điều khiển bằng smartphone thông qua Wi-Fi

Sản phẩm được tác giả mô tả có khả năng thay thế ổ cắm thông thường, giúp kết nối đồ điện tử với nguồn điện. Chúng có thể bật tắt các thiết bị điện dễ dàng, thông qua kết nối Wi-Fi với smartphone, tự ngắt điện khi quá tải hay cài đặt kịch bản khởi động hoặc tắt thiết bị khi kết hợp với các cảm biến.

25. Hệ thống rửa tay thông minh trong trường học

Hệ thống máy rửa tay thông minh với 3 buồng (sát khuẩn khô, rửa tay bằng nước sinh hoạt, rửa tay bằng xà phòng). Tính năng ưu việt của hệ thống là tích hợp xử lý nước thải bằng dịch chiết lá bàng và tái sử dụng cho việc tưới cây bằng hệ thống tưới cây tự động qua bộ phận cảm biến độ ẩm. Sản phẩm do nhóm học sinh tại trường THPT Mỹ Lộc, Nam Định thực hiện.

26. Thiết bị định vị phẫu thuật nội soi xương 3D

Dự án thuộc Trung tâm nghiên cứu công nghệ in 3D y sinh, Đại học VinUni, Hà Nội phát triển. Thiết bị được thiết kế để dẫn đường giúp bác sĩ tạo ra một đường hầm đi từ bề mặt ngoài xương (vùng an toàn) tới chính xác trung tâm khối u, qua đường hầm này bác sĩ sẽ sử dụng thiết bị nội soi để loại bỏ khối u một cách tiện lợi, an toàn và không làm tổn thương bất kỳ cấu trúc nào khác của khớp. Bản mô tả viết đây là kỹ thuật và sáng chế chưa từng được thực hiện trước đây ở Việt Nam, cũng như là kỹ thuật cải tiến chưa có nghiên cứu nào công bố tương tự trên thế giới. 

27. Giải pháp Dự báo và Khai thác cá hiệu quả, kết hợp công nghệ vệ tinh và sử dụng chà nổi truyền thống ở vùng biển khơi Việt Nam

Tác giả Đồng Quang Hùng đưa ra giải pháp tập trung hướng tới tạo lập phương thức khai thác hoàn toàn mới cho nghề lưới vây khơi tại Việt Nam. Đối với giải pháp này, ngư dân chỉ cần thả 3-5 phao dò cá đặt cạnh 3-5 chà tại các vị trí khác nhau, khi có tín hiệu cá mới thực hiện đánh bắt, vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm nhiên liệu. Chi phí đầu tư dự tính dưới 100 triệu đồng.

28. Thiết bị trợ thở xách tay

Máy trợ thở của tác giả Hồ Xuân Vinh có chế độ lọc sạch không khí bằng màng than hoạt tính hoặc lớp nano, nhờ đó xử lý tránh tiếp xúc nguồn không khí trực tiếp từ cộng đồng. Máy trợ thở hỗ trợ tốt cho những người có bệnh lý thông thường, người già có bệnh đường hô hấp, con trẻ vào mùa đông. Thiết bị được Cục sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế hồi tháng 8/2021, có giá mức 2 triệu đồng.

29. Cảm biến Raman kết hợp big data giúp phát hiện ung thư túi mật

Cảm biến này được tác giả Vũ Duy Tùng phát triển để phân biệt ung thư túi mật với các bệnh lý về túi mật khác bằng cách phân tích dịch mật dựa trên phương pháp đo tán xạ Raman tăng cường bề mặt (SERS). Từ việc phân tích dịch mật cũng có thể xác định được ung thư túi mật, polyp túi mật, sỏi mật.

Vòng chung kết diễn ra từ ngày 14/4 đến ngày 5/5. Ở vòng này, các tác giả sẽ thuyết trình trước Hội đồng giám khảo về sản phẩm của mình. Hội đồng giám khảo sẽ trao đổi với đại diện các dự án để làm rõ thông tin về sản phẩm, ý tưởng, khả năng ứng dụng, phát triển công nghệ trong tương lai, phương án kinh doanh nếu có. Bên cạnh đó, độc giả VnExpress cũng sẽ tiếp tục tham gia bình chọn cho dự án, ý tưởng mình tâm đắc. Điểm chung kết sẽ bao gồm 70% điểm đánh giá của Hội đồng giám khảo và 30% bình chọn của độc giả.

Lễ trao giải sẽ diễn ra cùng Hội nghị các nhà khoa học trẻ 2022 (Young Scientist Summit 2022) vào tháng 5.

Nguồn: sohuutritue.net.vn

Số lượt đọc: 4070

Về trang trước Về đầu trang