Tin KHCN trong nước
Talo: Ứng dụng nền tảng Blockchain để minh bạch thi cử và tuyển dụng (14/08/2018)
-   +   A-   A+   In  
Tận dụng tính ưu việt của công nghệ blockchain là phi tập trung, minh bạch hóa và không ai có quyền sửa đổi bất kỳ thông tin, Lê Yên Thanh – người từng nổi tiếng với việc bỏ mức lương nghìn đô của Google để về nước khởi nghiệp – đã cho ra đời Talo. Anh tin rằng, Talo sẽ trở thành giải pháp giúp hạn chế những gian lận trong thi cử.

Hạn chế việc thi cử gian lận
 
Giới thiệu với phóng viên về dự án Talo vừa mới ra mắt được khoảng 10 ngày trên hệ điều hành Android và vẫn ở trạng thái chờ test trên iOS, Lê Yên Thanh - founder của Talo đã bắt đầu câu chuyện bằng một vấn đề đang rất nóng. Đó là tình trạng gian lận trong thi cử ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La và chỉ ra những lỗ hổng của quy trình quản lý. Đó là do con người can thiệp quá nhiều.
 
Để góp phần hạn chế tình trạng này, Yên Thanh cho rằng, công nghệ blockchain với những đặc tính như phi tập trung, không ai có quyền can thiệp hay sửa đổi sẽ là lời giải có tính khả thi.
 
Thanh cho biết: “Bài thi của thí sinh sau khi được đưa vào sẽ được hệ thống tự động chấm, trả kết quả trên nền tảng blockchain. Mỗi thí sinh có một định danh khi làm bài trên hệ thống. Các thông tin như thời gian gửi bài, chấm bài, bài làm đúng sai câu nào… sẽ được minh bạch. Bài thi đã đưa vào hệ thống và kết quả đã chấm, ai cũng có thể nhìn thấy nhưng không ai có quyền thay đổi”.
 
 
Lê Yên Thanh (ngoài cùng bên trái) cùng anh Lợi Lưu (CEO của Keyber Network) và hai đồng sáng lập Talo Kevin Tùng Nguyễn, Robert Vong. Ảnh: NVCC
 
Trước câu hỏi, có thật sự phải sử dụng đến công nghệ blockchain cho các ứng dụng thi cử hay không? Lê Yên Thanh cho rằng, thực tế, một phần mềm đơn thuần cũng đủ để giải quyết nhu cầu này. Tuy nhiên, các phần mềm thường được lưu tại máy chủ và do quản trị viên kiểm soát. Như vậy, người này có quyền chỉnh sửa và thậm chí xóa dấu vết đã chỉnh sửa nếu muốn. Chỉ blockchain mới góp phần chống lại được mọi hành vi gian lận, cố tình sửa đổi với những đặc tính bất di bất dịch của nó. Thực tế, mô hình này có thể áp dụng với tất cả các kỳ thi khác nhau.
 
Talo được Lê Yên Thanh và các đồng sáng lập khác xây dựng do trong quá trình làm việc họ nhận ra, các doanh nghiệp thường gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm các ứng viên có năng lực thực sự, phù hợp với vị trí công việc họ yêu cầu. Trong khi đó, các ứng viên thường mất nhiều thời gian để thể hiện rõ năng lực của mình. Vì thế, Talo ra đời giúp các ứng viên xây dựng hồ sơ năng lực dựa trên kết quả các bài thi và thống kê quá trình học tập của chính họ. Nhìn vào hồ sơ, nhà tuyển dụng có thể đánh giá được năng lực của ứng viên dựa vào kết quả học tập của họ từ trường đại học, các kỳ thi, khóa học họ từng tham gia.
 
“Talo là chuỗi hồ sơ năng lực của các ứng viên được tích lũy qua các kỳ thi, quá trình học tập. Nếu những kỳ thi từ trung học phổ thông đến đại học đều được tổ chức trên Talo, các kết quả sẽ được lưu lại vĩnh viễn. Khi đó, nhà tuyển dụng thậm chí có thể tra cứu điểm số của từng môn học và đánh giá cụ thể về năng lực của mỗi ứng viên” - Lê Yên Thanh cho biết.
 
Xây dựng hệ sinh thái tìm việc cho ứng viên
 
Talo được xây dựng để trở thành ứng dụng đánh giá năng lực của ứng viên. Sau đó ứng dụng này sẽ kết hợp với nền tảng tìm việc như Jophop để giúp nhà tuyển dụng tìm được ứng viên phù hợp một cách dễ dàng. Ngược lại, nhà tuyển dụng cũng có thể xác thực trình độ kỹ năng của ứng viên trong các lĩnh vực nhất định thông qua hồ sơ trên Talo.
 
Lê Yên Thanh cho biết, để mở rộng cộng đồng sử dụng, giai đoạn đầu Talo hướng tới các kỳ thi nhỏ, với quy mô từ vài chục đến vài nghìn người. Để làm được điều này, Talo sẽ kết hợp với các trường đại học, công ty cung ứng nguồn nhân lực. Trên nền tảng đã được xây dựng sẵn, các công ty có nhu cầu tuyển dụng sẽ xây dựng bài kiểm tra năng lực để ứng viên tham gia. Trong khi đó, các ứng viên sau khi tham gia làm các bài kiểm tra sẽ được chấm điểm và xếp thứ hạng theo từng lĩnh vực.
 
Vì thế, trong giai đoạn tới, Lê Yên Thanh và các cộng sự dự kiến sẽ tiến hành gọi vốn trong vài tháng tới để có chi phí đầu tư cho việc xây dựng hạ tầng, phát triển thêm các ứng dụng phục vụ cho kỳ thi.
 
Khi giới thiệu Talo tại các hội thảo, diễn đàn về blockchain trong và ngoài nước, Lê Yên Thanh nhận thấy, đây là một trong những sản phẩm đầu tiên giúp xây dựng hồ sơ năng lực cho ứng viên theo thời gian trên blockchain. Nhiều đơn vị trên thế giới có ý tưởng tương tự như Talo nhưng hiện chưa có sản phẩm cụ thể. Vì thế, thậm chí Talo còn không công khai white paper rộng rãi mà chỉ gửi đến các nhà đầu tư thực sự quan tâm để tránh việc bị sao chép ý tưởng.
 
Phiên bản Talo trên Android sau hơn 10 ngày xuất hiện đã có 300 - 400 người tải về sử dụng. Trong khi đó, phiên bản trên iOS vẫn đang trong quá trình kiểm tra nội bộ. Các bài thi hiện đang ở dạng đơn giản với số lượng câu hỏi dưới 10 câu để ứng viên làm thử. Sau khi đi vào sử dụng, các bài thi này sẽ do các đơn vị tuyển dụng trực tiếp xây dựng.
 
Talo được định hướng trở thành mạng xã hội về các bài thi với các lĩnh vực khác nhau, kết nối nhà tuyển dụng và ứng viên. Mục tiêu mỗi ngày Talo sẽ có khoảng 100-200 kỳ thi lớn nhỏ được tổ chức ở mọi lĩnh vực.

Nguồn: khoahocphattrien

Số lượt đọc: 2576

Về trang trước Về đầu trang