Chương trình đã đề ra các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu sau:
(1) Tăng cường các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ như: hỗ trợ tra cứu, khai thác thông tin sở hữu trí tuệ cho các tổ chức, doanh nghiệp; triển khai các chương trình tập huấn, đào tạo từ cơ bản đến chuyên sâu về sở hữu trí tuệ phù hợp với từng nhóm đối tượng.
(2) Thúc đẩy đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở trong và ngoài nước, bao gồm: đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu); bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới; đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể…
(3) Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ: nghiên cứu xây dựng và triển khai hệ thống quản lý chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và sản phẩm thuộc Chương trình OCOP gắn với đăng ký mã số vùng trồng, an toàn thực phẩm, chứng nhận chất lượng và xác thực, truy xuất nguồn gốc sản phẩm được bảo hộ…
(4) Thúc đẩy và tăng cường hiệu quả thực thi và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ: tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành; hỗ trợ triển khai các biện pháp bảo vệ và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ; tổ chức trưng bày, giới thiệu, triển lãm sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cùng với các sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
(5) Phát triển, nâng cao năng lực các tổ chức trung gian và chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.
(6) Hình thành, tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội thông qua các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về sở hữu trí tuệ; đồng thời vinh danh, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích trong hoạt động sở hữu trí tuệ; nhất là những thành quả sáng tạo được áp dụng rộng rãi, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng và xã hội.
Thông qua việc triển khai thực hiện các nội dung trên, tỉnh phấn đấu đến năm 2025:
- 100% viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, các tổ chức, doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh được tập huấn, đào tạo cơ bản về sở hữu trí tuệ.
- Có ít nhất 10 sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù của tỉnh và 30 sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) của tỉnh được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý, phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ.
Đến năm 2030:
- Đơn đăng ký quyền sở hữu trí tuệ của các cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh đạt tối thiểu trung bình mỗi năm: 05 sáng chế, 20 kiểu dáng công nghiệp, 200 nhãn hiệu, 01-03 giống cây trồng.
- Có ít nhất 15 sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù của tỉnh và 50 sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) của tỉnh được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý, phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ.
Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân liên quan tổ chức triển khai Chương trình này.
Tại Quyết định phê duyệt, UBND tỉnh cũng nêu rõ, Chương trình được thực hiện theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Các nhiệm vụ thuộc Chương trình triển khai theo đúng mục tiêu, nội dung và không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của chủ thể quyền khác. Việc quản lý Chương trình phải bảo đảm công khai, minh bạch. Kinh phí của Chương trình phải được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, không lãng phí, tuân thủ Luật Ngân sách nhà nước và các quy định hiện hành.
(Nguồn: Quyết định số 1470/QĐ-UBND)