Tin KHCN trong nước
Phát triển tài sản trí tuệ: Bảo hộ chỉ dẫn địa lý được coi như tấm 'giấy thông hành' (16/12/2021)
-   +   A-   A+   In  
Sự phát triển của nền kinh tế tri thức, tài sản trí tuệ đã trở thành nguồn lực mới cho sự tăng trưởng kinh tế - xã hội, phát triển bền vững của đất nước.

Không chỉ đơn thuần là công cụ thúc đẩy sáng tạo, chuyển giao công nghệ, tài sản trí tuệ (TSTT) đang được coi là tài sản vô hình ngày càng có giá trị, nhất là khi Hiệp định EVFTA được ký kết cho thấy việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trở thành một xu thế tất yếu. Bởi vậy, việc học hỏi kinh nghiệm từ thế giới sẽ giúp Việt Nam "vá" những lỗ hổng trong dựng xây, bảo hộ thương hiệu trong thời gian tới.

Việt Nam có hàng ngàn sản phẩm đặc trưng trải dài trên mọi miền của đất nước, mỗi sản phẩm đặc trưng của vùng miền mang sứ mệnh của những đại sứ về văn hóa Việt Nam đến người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Đó là những giá trị rất đặc sắc cần được phát huy và khai thác trong quá trình hội nhập.

Hỗ trợ bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ

Kinh nghiệm của các nước cho thấy, xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý (CDĐL) đã trở thành một chiến lược để bảo tồn đa dạng sinh học, văn hóa truyền thống và tăng cường khả năng cạnh tranh thương mại, giúp thúc đẩy tiềm năng các nguồn lực địa phương, đồng thời thúc đẩy cuộc chiến chống lạm dụng và gian lận thương mại, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.

  Bảo hộ CDĐL tại Nhật Bản cho vải thiều Lục Ngạn đã nâng cao giá trị cây trái được định danh của Việt Nam. 

Nhiều sản phẩm sau khi được bảo hộ sở hữu trí tuệ, người tiêu dùng đã biết đến rộng rãi, uy tín sản phẩm được nâng cao, giá trị sản phẩm gia tăng đáng kể. Có thể kể đến nhiều mô hình điểm, điển hình đáng ghi nhận trong thời gian qua như: Thời điểm tháng 3/2021, vải thiều Bắc Giang, sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của Việt Nam được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, sự kiện quan trọng này đã đánh dấu bước tiến lớn, thiết lập một thành tựu mới trong hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực quốc gia.

Việc Nhật Bản bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Lục Ngạn cũng minh chứng cho thấy nền nông nghiệp Việt Nam đã chuyển mình; khẳng định doanh nghiệp và người dân Việt Nam có đủ năng lực, sẵn sàng sản xuất ra các sản phẩm theo tiêu chuẩn của những quốc gia “khó tính” trên thế giới.

Gần đây nhất là tháng 10/2021, Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) đã chính thức cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với thanh long Bình Thuận. Đây là sản phẩm nông sản thứ 2 của Việt Nam sau vải thiều Lục Ngạn được cấp Bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.

Chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận là chỉ dẫn địa lý thứ hai của Việt Nam chính thức được bảo hộ tại Nhật Bản. Đăng ký chỉ dẫn địa lý có thể nói như "giấy thông hành" để vào thị trường Nhật Bản nói riêng, thế giới nói chung. Việc được cấp đăng ký chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa khẳng định uy tín thanh long Bình Thuận vào thị trường Nhật Bản, mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ thanh long Bình Thuận ở nhiều thị trường khác nhau, nhất là tại các thị trường khó tính (Châu Âu, Hàn Quốc, New Zealand,…). Từ đây cũng cho thấy vai trò của sở hữu trí tuệ, vốn được coi là công cụ hỗ trợ cho các sản phẩm Việt Nam có thêm lợi thế cạnh tranh và xuất khẩu.

Vốn nổi tiếng là một thị trường “khó tính”, cùng những quy định pháp luật về bảo hộ chỉ dẫn địa lý rất khắt khe, việc đăng ký chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận tại Nhật Bản vô cùng phức tạp. Vì vậy, để có thể vượt qua được “ngọn thái sơn” này, Cục Sở hữu trí tuệ đã thực hiện việc hỗ trợ qua hai con đường: hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật Nhật Bản và tăng cường tác động chính trị để đẩy nhanh quá trình này.

Có thể thấy, với sự vào cuộc của nhiều ban ngành, tổ chức, cá nhân, những khó khăn này đã từng bước được giải quyết, giúp hoàn thiện các quy trình đăng ký cần thiết theo quy định của pháp luật Nhật Bản, để đến ngày hôm nay, thanh long Bình Thuận đã trở thành sản phẩm thứ 2 của Việt Nam được chính thức bảo hộ là chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.

Bên cạnh việc hỗ trợ bảo hộ, quản lý và phát triển TSTT cho các sản phẩm quốc gia, chủ lực địa phương và sản phẩm OCOP, hoạt động hỗ trợ bảo hộ, quản trị tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp và các tổ chức khoa học công nghệ cũng được chú trọng. Hoạt động SHTT tại các địa phương đã đem lại hiệu quả rất thiết thực, các tổ chức, doanh nghiệp và hộ kinh doanh đã quan tâm đến việc đăng ký nhãn hiệu, đăng ký quyền sở hữu công nghiệp. Việc bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa của doanh nghiệp, nhất là chỉ dẫn địa lý với các sản phẩm đặc sản của địa phương tiếp tục được duy trì và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hầu hết các địa phương đã xác định danh mục sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế, sản phẩm đặc sản của địa phương và tập trung hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhờ đó đã nâng cao năng suất, chất lượng, tạo được giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp.

Nhìn chung, thông qua việc hỗ trợ bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực địa phương, đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường, dịch chuyển từ mô hình sản xuất đơn lẻ sang sản xuất tập trung, chuyển đổi từ sản phẩm thô sang sản phẩm có bao bì, tem nhãn, thay đổi thói quen của cộng đồng từ việc sản xuất, phát triển sản phẩm tự do thành sản xuất, kinh doanh sản phẩm được kiểm soát về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm. Việc bảo hộ SHTT cho các sản phẩm đặc thù địa phương còn góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa dân tộc, tri thức truyền thống, phát huy và tôn vinh giá trị sản phẩm được sản xuất theo quy trình bản địa.

Thách thức sau bảo hộ

Dù xuất phát cùng thời điểm nhưng thời gian “cán đích” của các chỉ dẫn địa lý trên lại không giống nhau. Thực tế này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau song nhìn chung, việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm của Việt Nam tại Nhật Bản thường gặp nhiều khó khăn do tiêu chuẩn của họ rất cao và chặt chẽ.

 Khâu sau thu hoạch sản phẩm Thanh Long Bình Thuận được tiến hành kỹ lưỡng.

Cũng giống như vải thiều Lục Ngạn, việc cấp chỉ dẫn địa lý cho thanh long Bình Thuận có ý nghĩa rất lớn đối với việc xuất khẩu thanh long sang Nhật Bản nói riêng và các nước nói chung. Ngoài tác dụng bảo vệ thương hiệu cho nông sản, tránh bị “đánh cắp” khi sang thị trường nước ngoài, những sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý ở Nhật Bản thường có giá bán cao hơn thông thường và được người dân nơi đây ưa chuộng vì “họ hiểu rẳng, các sản phẩm này đã được MAFF đứng ra bảo đảm chất lượng, do vậy, họ sẽ tin tưởng và sẵn sàng mua sản phẩm đó hơn”.

Tuy nhiên, bên cạnh các tổ chức, hộ gia đình thực hiện tốt quy trình sản xuất, tuân thủ nghiêm và thực hiện tốt các quy định về chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, vẫn còn không ít đơn vị, cá nhân, nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa, giá trị tài sản trí tuệ, giá trị thương mại của vùng có chỉ dẫn địa lý.

Cách hiểu và áp dụng các dấu hiệu truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm chưa thống nhất, tình trạng trên một đơn vị sản phẩm phải dán 2-3 loại tem (tem CDĐL, tem truy xuất VietGAP và tem OCOP) nên khó khăn trong thực hiện; cơ sở dữ liệu để truy xuất nguồn gốc sản phẩm còn thiếu thông tin, đa số chỉ truy xuất đến hộ, chưa truy xuất đến lô sản xuất, cây, quả cho sản phẩm. Diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP còn ít. Áp dụng quy trình sản xuất, kỹ thuật bón phân, cắt tỉa cành, phòng trừ sâu bệnh chưa tuân thủ đầy đủ kỹ thuật, dẫn đến chất lượng không đồng đều, mẫu mã sản phẩm chưa được như kỳ vọng.

Những tồn tại, hạn chế trên là thực trạng chung của các sản phẩm nông nghiệp nước nhà khi tiếp cận thị trường lớn trong nước và sẽ khó bền vững trên thị trường thế giới nếu không điều chỉnh theo hướng sản xuất, quảng bá, kinh doanh theo tiêu chuẩn quốc tế.

Để các sản phẩm nông nghiệp tiếp tục khẳng định thương hiệu, nâng cao giá trị, đòi hỏi các cơ quan quản lý, hộ sản xuất, kinh doanh cần thay đổi nhận thức, tư duy và thực hiện đồng bộ các giải pháp như tiếp tục hỗ trợ, xúc tiến phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản, làng nghề truyền thống dưới hình thức chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, tập thể. Đây là hướng đi chủ yếu mà Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Ấn Độ... chú trọng áp dụng và được quy định trong Hiệp định TRIPs (Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ) áp dụng trên toàn thế giới. Đối với các sản phẩm đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cần tăng cường công tác đào tạo, huấn luyện và trao đổi kinh nghiệm về quản lý, khai thác quyền sở hữu trí tuệ cho tổ chức quản lý và sử dụng.

Mặt khác, đẩy mạnh việc hỗ trợ, xúc tiến xây dựng các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh áp dụng quy trình sản xuất thực hành tốt theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để quản lý và sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế. Sau khi được công nhận, các chủ cơ sở sản xuất cần tăng cường quản lý chặt chẽ quy trình, tổ chức thực hiện nghiêm ngặt các yêu cầu kỹ thuật. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn về quy trình sản xuất, kiến thức quản trị, phát triển thị trường, thương hiệu cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp.

Trong thời gian tới, nhằm tiếp tục thúc đẩy, ưu tiên hỗ trợ bảo hộ ra nước ngoài cho các sản phẩm chủ lực địa phương, Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nội dung “Thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước; Quyết định số 1984/QĐ-BKHCN ngày 27/7/2021, Bộ KH&CN đã phê duyệt danh mục đặt hàng nhiệm vụ thuộc Chương trình phát triển TSTT, trong đó có nhiệm vụ hỗ trợ bảo hộ ra nước ngoài cho các sản phẩm.

 

Nguồn: vietQ.vn

Số lượt đọc: 5668

Về trang trước Về đầu trang