Tin KHCN trong nước
Nghiên cứu chế tạo áo cứu hộ thông minh (25/11/2021)
-   +   A-   A+   In  
Sau nhiều ngày đi khảo sát thực tế tại cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng), nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa, ĐH Đà Nẵng nhận thấy có đến 95% ngư dân lựa chọn không sử dụng áo phao khi đi biển vì sự cồng kềnh, khó thao tác công việc trên biển, mặc dù họ biết khả năng gặp tai nạn rất cao do những cơn sóng bão lớn đánh bất ngờ.

Nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng nghiên cứu chế tạo áo sCoat

Xuất phát từ những lo lắng, những trăn trở cho ngư dân đi biển, Nhóm gồm 5 thành viên (Lê Thị Nhã - Khoa Hóa, Lê Bá Thăng và Lê Thị Dạ Thảo - Khoa Điện, Trần Lê Vĩ Nhân Tâm - Khoa Quản lý dự án, Đàm Quang Tiến - Khoa Công nghệ Thông tin) đã nhen nhóm ý tưởng và bắt tay chế tạo cho ra sản phẩm về loại áo phao gọn nhẹ mà không làm ảnh hưởng đến công việc của các ngư dân với tên gọi “Áo khoác công nghệ sCoat”.

Nhóm nghiên cứu do TS. Nguyễn Thị Anh Thư, giảng viên Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng hướng dẫn. Mục tiêu của nhóm là làm ra áo khoác giống như áo gió thông thường, có chức năng chống nước, cản gió, giữ ấm, nhưng có thể biến thành phao cứu hộ khi ngư dân cần đến.

Việc nghiên cứu được thực hiện từ tháng 1/2020 và phiên bản đầu tiên ra đời sau 6 tháng. Áo cứu hộ có tên sCoat có cấu tạo giống như chiếc áo khoác thông thường nhưng vùng cổ và cánh tay được gắn phao nổi. Phao này được gắn cố định với hệ thống khí nén CO2 lạnh nằm gọn bên trong áo. Khi cần biến áo khoác thành phao, chỉ cần mở van, bình khí nén gắn bên trong áo sẽ tự động bơm đầy các phao. Khi phao đã đầy, người mặc đóng nắp bình khí nén lại. Nếu phao có hiện tượng xẹp, tiếp tục mở bình khí nén để kéo dài thời gian nổi trên nước. Bình khí nén có thể cung cấp cho phao hoạt động liên tục trong 72 giờ. Áo nặng xấp xỉ 1 kg, được làm bằng vật liệu chống thấm nước đơn giản.

Tuy nhiên, phiên bản đầu tiên khi thử nghiệm, ngư dân phản hồi áo mặc khó chịu, gây cản trở trong hoạt động hàng ngày, hình thức xấu, giá thành cao. Những bất tiện của phiên bản đầu tiên này đã được cải tiến trong Phiên bản hai của áo. Các chi tiết của áo đã được thiết kế đẹp hơn, hoạt động thông minh hơn. Nhóm tiếp tục hoàn thiện áo với bảng phản quang ở tay và lưng, túi đựng dụng cụ như còi, đèn, dao, thiết bị định vị... giúp người sử dụng có thể sinh tồn trong những tình huống bất thường. Áo cũng được thiết kế thêm hệ thống định vị sSim giống như hộp đen máy bay. sSim sẽ ghi lại toàn bộ hành trình của người mặc áo, vị trí, tọa độ... để gửi thông báo về trung tâm cứu hộ hoặc số điện thoại đã đăng ký trước. sSim giống như chiếc sim điện thoại, được gắn vào áo. Nếu như hệ thống định vị GPS chỉ xác định được vị trí của tàu thì sSim sẽ định vị người mặc áo, giúp việc tìm kiếm cứu nạn dễ dàng hơn.

Sản phẩm không chi phù hợp với ngư dân mà còn có thể hữu ích với người du lịch, vận tải, tham gia các hoạt động trên biển. Sản phẩm đang trong quá trình hoàn thiện kiểm thử theo các tiêu chuẩn về phao áo cứu sinh và thiết bị liên lạc. Sản phẩm cũng vừa đạt giải Nhất cuộc thi Khởi nghiệp công nghệ trong Sinh viên năm 2021 do Hội Sinh viên Đại học Đà Nẵng, Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng tổ chức. Nhóm cũng đạt giải Nhất Cuộc thi Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng (Engineering Projects in Comminity Services-EPICS) năm 2020 dành cho sinh viên các trường ĐH Việt Nam (khối kỹ thuật, công nghệ) với dự án sản phẩm áo phao cứu hộ đa năng (sCoat). Nhóm nghiên cứu mong muốn kết nối với những trung tâm cứu hộ để có thể áp dụng vào thực tiễn.

Nguồn: NASATI

Số lượt đọc: 3673

Về trang trước Về đầu trang