Tin KHCN trong nước
Sửa 5 thông tư để quyết liệt đổi mới quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ quốc gia (10/02/2023)
-   +   A-   A+   In  

Với việc sửa tới 5 thông tư liên quan, có thể nói đây là lần đổi mới lớn nhất trong quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KHCN) cấp quốc gia tại tất cả các khâu, từ xác định nhiệm vụ, tổ chức đặt hàng, tuyển chọn và xét chọn, kiểm tra trong quá trình thực hiện, đến khâu đánh giá nghiệm thu cuối cùng nhiệm vụ KHCN.

Ngày 9/2Bộ KH&CN tổ chức Hội thảo "Đổi mới quy định quản lý nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia" với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương; các nhà quản lý, nhà khoa học của các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp và cơ quan liên quan.

Tạo hành lang pháp lý quan trọng cho triển khai các nhiệm vụ, chương trình KHCN

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Bộ KH&CN tập trung thực hiện tái cơ cấu các chương trình, nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia cho giai đoạn tới năm 2025 và 2030. Trực tiếp và cụ thể nhất là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1066/TTg-KGVX ngày 05/8/2021 về việc tái cơ cấu các chương trình KHCN quốc gia giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Đến nay, Bộ KH&CN đã cơ bản hoàn thiện việc tái cơ cấu các chương trình KHCN quốc gia giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030, bám sát Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030.

Bộ KH&CN đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 16 chương trình KHCN quốc gia, gồm 2 chương trình thực hiện dưới hình thức nhiệm vụ KHCN đặc biệt. Bộ đã phê duyệt 17 chương trình KH&CN quốc gia giai đoạn 2021-2025 và 2021-2030. Các ban chủ nhiệm và khung chương trình cũng đã cơ bản được thành lập và phê duyệt.

Song hành với đó, Bộ đã phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện dự thảo 5 thông tư gồm: Thông tư quy định trình tự, thủ tục xác định nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia sử dụng ngân sách Nhà nước (NSNN); Thông tư quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia sử dụng NSNN; Thông tư quy định việc kiểm tra, đánh giá, điều chỉnh và chấm dứt hợp đồng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia sử dụng NSNN; Thông tư quy định việc đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia sử dụng NSNN; Thông tư hướng dẫn một số nội dung về xây dựng dự toán thực hiện nhiệm vụ KHCN có sử dụng NSNN.

"Có thể nói, đây là các thông tư cơ bản, quy định hành lang pháp lý quan trọng cho việc triển khai các nhiệm vụ, chương trình KHCN cấp quốc gia cho cả giai đoạn tới", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.

Trong đó, 3 nội dung chính của các sửa đổi lần này là: Nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN đầu tư cho nhiệm vụ KHCN, đồng thời, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện cho khoán chi và tăng cường hậu kiểm trong quản lý nhiệm vụ KHCN; tạo điều kiện đơn giản hoá về thủ tục thực hiện cho các bên tham gia, khuyến khích doanh nghiệp tham gia phối hợp thực hiện cùng các viện, trường, tăng cường công khai, minh bạch, bảo đảm liêm chính học thuật; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng cơ sở dữ liệu đã hình thành và tạo ra cơ sở dữ liệu theo thời gian thực.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định cũng cho biết, với việc sửa đổi tới 5 thông tư liên quan, có thể nói đây là lần đổi mới lớn nhất các quy định quản lý nhiệm vụ KHCN, từ khâu xác định nhiệm vụ, tổ chức đặt hàng, tuyển chọn và xét chọn, kiểm tra trong quá trình thực hiện đến khâu đánh giá nghiệm thu cuối cùng nhiệm vụ KHCN. Điều này thể hiện quyết tâm của Bộ KH&CN trong việc tái cơ cấu, hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc triển khai các nhiệm vụ, chương trình KHCN cấp quốc gia.

Tinh thần là vừa tháo gỡ, vừa lấp kẽ hở

Ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ KH&CN) cho biết, những quy định sửa đổi dựa trên tinh thần vừa tháo gỡ để các các nhiệm vụ, chương trình KHCN tạo những giá trị thực tế đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội, nhưng cũng bảo đảm lấp được "kẽ hở", bởi thực tế đã chứng minh qua một số vụ việc xảy ra trong thời gian gần đây.

Ngoài ra, quan điểm là nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN đầu tư cho nhiệm vụ KHCN, đồng thời, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học. Bởi không thể nào 100% nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu đều thành công. Nhiều kết quả nghiên cứu thành công vẫn cần tiếp tục được đầu tư nguồn lực để phát huy trong thực tế, trong khi đó, một hướng nghiên cứu không thành công cũng là đóng góp có giá trị...

Dẫn ví dụ về động đất tại Kon Tum, theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ KHCN nhằm nghiên cứu, đánh giá, làm rõ nguyên nhân, mức độ nguy hiểm động đất tại khu vực và đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp. Song đến nay, đã qua mấy tháng, nhiệm vụ này vẫn chưa được phê duyệt. Điều đó cho thấy với các nhiệm vụ khoa học cấp bách phát sinh cần phải có sự thay đổi so với trước đây

Do đó, ông Nguyễn Nam Hải cho biết, một trong những điểm mới đang được đưa ra, đó là giao Bộ KH&CN "chủ động hoặc theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng đề xuất nhiệm vụ cấp bách, mới phát sinh có tác động lớn đến phát triển kinh tế-xã hội đất nước, ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh thông qua ý kiến tư vấn của các chuyên gia, tổ chức" và giao thẩm quyền cho Bộ trưởng KH&CN quyết định chủ động rút ngắn thời gian các bước theo trình tự thủ tục để bảo đảm tiến độ.

Đại diện Bộ KH&CN cũng cho biết, Bộ sẽ sớm hoàn thiện sửa đổi các quy định quản lý nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia ngay trong quý I/ 2023, qua đó tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình KHCN cấp quốc gia giai đoạn 2021-2030, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Nguồn: baochinhphu.vn

Số lượt đọc: 4508

Về trang trước Về đầu trang