Tin KHCN trong nước
Hợp tác KHCN Việt-Nhật: Từ quả thanh long tới công nghệ vũ trụ (20/11/2021)
-   +   A-   A+   In  

15 năm qua kể từ khi Hiệp định Chính phủ về hợp tác khoa học công nghệ giữa Việt Nam và Nhật Bản được ký vào ngày 21/8/2006, quan hệ hợp tác trong lĩnh vực này giữa 2 nước đã đạt những bước phát triển quan trọng.

Khóa họp lần thứ 4 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản về hợp tác khoa học và công nghệ. Ảnh: VGP/Hoàng Giang

 

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Hiệp định Chính phủ về hợp tác KH&CN Việt Nam - Nhật Bản được ký năm 2006 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy hợp tác giữa các tổ chức KHCN của hai nước.

 

Từ đó đến nay, hai bên đã tổ chức được 4 khóa họp của Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản về hợp tác KH&CN nhằm thảo luận và thống nhất về các lĩnh vực ưu tiên hợp tác, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm như: Nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng mới và các giải pháp môi trường nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, công nghệ vật liệu mới trong đó có vật liệu nano, công nghệ sinh học ứng dụng trong bào chế thảo dược và ứng dụng trong ngành khoa học khác...

 

Trong khuôn khổ này, nhiều dự án, chương trình hợp tác quan trọng về KH&CN giữa hai nước đã và đang tích cực được triển khai thực hiện và đạt được những kết quả tốt.

 

Khu công nghệ cao Hòa Lạc: Điển hình của sự hợp tác

 

Một trong những minh chứng cụ thể về hợp tác KH&CN giữa Việt Nam và Nhật Bản là dự án phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Đây là dự án trọng điểm quy mô lớn được Chính phủ Nhật Bản cam kết hỗ trợ Việt Nam.

 

Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam lập quy hoạch và cập nhật, điều chỉnh quy hoạch chung Khu công nghệ cao Hòa Lạc; phát triển cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản với số vốn vay khoảng trên 28 tỷ yên; nghiên cứu đánh giá xây dựng đề án ý tưởng đô thị sinh thái/cộng đồng thông minh trong Khu Công nghệ cao (thực hiện tháng 3/2012); đào tạo, sát hạch công nghệ thông tin theo chuẩn kỹ năng của Nhật Bản tại Việt Nam và đào tạo đội ngũ xúc tiến đầu tư của Khu công nghệ cao; xúc tiến đầu tư từ các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào Khu công nghệ cao.

 

Theo Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, đến nay, một số doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư tại đây. Ban Quản lý đã cấp Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư, tạo điều kiện và hỗ trợ các thủ tục cho Tập đoàn NIDEC và các Công ty thành viên để triển khai đầu tư 2 dự án, bao gồm Dự án “NIDEC Techno Motor Việt Nam” và Dự án “NIDEC Chaun Choung Việt Nam” với tổng vốn đầu tư 374,5 triệu USD.

 

Hiện nay, Dự án “NIDEC Techno Motor Việt Nam” đã đi vào hoạt động còn Dự án “NIDEC Chaun Choung Việt Nam” đang chuẩn bị đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, Dự án Trung tâm nghiên cứu phục vụ việc nghiên cứu động cơ ô tô do Tập đoàn Nissan Techno đầu tư hiện đang hoạt động.

 

Tạo cơ sở cho nông sản Việt vào thị trường Nhật Bản

 

Cũng trong những năm qua, lĩnh vực sở hữu trí tuệ cũng được hai bên đẩy mạnh hợp tác, góp phần nâng cao thương hiệu, tạo tiền đề cho các sản phẩm của Việt Nam tiếp cận được thị trường Nhật Bản cũng như hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam.

 

Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết tháng 2/2018, Cục Sở hữu trí tuệ đã ký Bản ghi nhớ hợp tác về sở hữu công nghiệp với Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO) ưu tiên hợp tác sâu trong lĩnh vực sáng chế. Đặc biệt, trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực về sở hữu trí tuệ, JPO đã dành cho Việt Nam 21 suất tham dự 13 khóa đào tạo trực tuyến trong năm tài khóa 2021.

 

Bên cạnh việc tiếp tục trao đổi thông tin công bố về sở hữu công nghiệp, hai cơ quan gia hạn thử nghiệm Chương trình thẩm định nhanh đơn sáng chế (PPH) giai đoạn 2 (2019 - 2022) với hạn mức 200 yêu cầu PPH mỗi năm dành cho đơn sáng chế có nguồn gốc Nhật Bản nộp vào Cục Sở hữu trí tuệ; trong khi JPO tiếp tục duy trì việc không khống chế số lượng yêu cầu PPH của Việt Nam nộp vào JPO.

 

Đồng thời, hai cơ quan hiện đang phối hợp (thông qua chuyên gia do JPO cử dài hạn sang Việt Nam) triển khai Dự án “Nâng cao năng lực xử lý đơn sở hữu công nghiệp tại Cục Sở hữu trí tuệ” do JICA tài trợ.

 

Đáng chú ý, Cục Sở hữu trí tuệ đang tiếp tục triển khai Bản ghi nhớ hợp tác sở hữu công nghiệp về chỉ dẫn địa lý ký tháng 6/2017 với Cục Công nghiệp thực phẩm (FIAB), Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản. Ông Đinh Hữu Phí cho biết đây là cơ sở pháp lý quan trọng, có thể coi là mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các nông sản của Việt Nam tại thị trường khó tính này.

 

Đến nay, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho thịt bò lông đen Kagoshima (25/12/2020) và quả hồng khô Ichida (14/6/2021) cho Nhật Bản. Bộ Nông, Lâm và Ngư nghiệp Nhật Bản cũng đã chính thức cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Lục Ngạn (12/3/2021) và thanh long Bình Thuận (7/10/2021). Việc nông sản Việt Nam được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản có ý nghĩa như một “giấy thông hành” quan trọng, làm giá trị gia tăng của sản phẩm cao hơn, cơ hội được người tiêu dùng tin tưởng và lựa chọn cũng đến gần hơn.

 

Phối cảnh Trung tâm Vũ trụ Việt Nam.

 

Hợp tác phát triển công nghệ vũ trụ

 

Trong quan hệ hợp tác KH&CN giữa Việt Nam và Nhật Bản, còn có một điểm sáng là mối quan hệ giữa Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam với các tổ chức KHCN của Nhật Bản.

 

Trong những năm qua, các đơn vị nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã có quan hệ hợp tác với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Viện KH&CN tiên tiến Nhật Bản, Cơ quan Hàng không vũ trụ Nhật Bản, Đại học Osaka… về đào tạo cán bộ, tổ chức các hội thảo khoa học và thực hiện một số đề tài nghiên cứu chung.

 

Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam Phạm Anh Tuấn cho biết trong triển khai Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ của Việt Nam đến năm 2020, Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ nguồn vốn ODA lên đến 26,2 tỷ yên để xây dựng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. Ngày 19/9/2012, tại Hòa Lạc (Hà Nội), dự án đã chính thức được khởi công xây dựng trên diện tích hơn 9 ha.

 

Đây là một trong những dự án lớn về KH&CN của Việt Nam trong hơn 30 năm qua, không chỉ khởi đầu cho bước tiến mới trong lịch sử ngành công nghệ vũ trụ Việt Nam mà còn khởi đầu cho hợp tác chiến lược Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ.

 

Dự án này giúp Việt Nam tự nghiên cứu và chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát Trái đất. Với nguồn ảnh viễn thám chụp từ vệ tinh radar cảm biến (có thể chụp trong mọi điều kiện thời tiết) và từ các vệ tinh quan sát Trái đất khác, chúng ta sẽ có những cơ sở cụ thể góp phần quan trọng vào hoạt động quản lý tài nguyên thiên nhiên, phòng chống giảm nhẹ thiên tai và biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc gia… Dự kiến, dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam sẽ hoàn thành toàn bộ và phóng vệ tinh quan sát trái đất LOTUSat-1, vệ tinh công nghệ radar đầu tiên của Việt Nam, vào cuối năm 2023.

 

Ngoài ra, trong thời gian qua, Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) cũng hợp tác với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam phóng thành công 3 vệ tinh của Việt Nam lên quỹ đạo, cấp ảnh vệ tinh của Nhật Bản cho Việt Nam khi có bão lũ hay cháy rừng ở Việt Nam và đào tạo cán bộ trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ.

 

Theo đánh giá chung của Bộ KH&CN và Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, hợp tác về KH&CN giữa nước ta với Nhật Bản trong những năm qua đã được triển khai trên nhiều bình diện và đạt được những bước phát triển quan trọng. Thông qua các chương trình, dự án hợp tác KH&CN giữa hai nước, nhiều vấn đề KH&CN mà hai nước cùng quan tâm đã từng bước được giải quyết, góp phần đáng kể vào việc nâng cao năng lực và tiềm lực KH&CN của Việt Nam. Trong thời gian tới, cần có sự quan tâm hơn nữa của hai Chính phủ, sự nỗ lực của các nhà KH&CN nhằm thúc đẩy hợp tác KHCN mạnh mẽ cho tương xứng với tiềm năng hợp tác giữa hai nước.

Nguồn: chinhphu.vn

Số lượt đọc: 2876

Về trang trước Về đầu trang