Tin KHCN trong nước
Hội thảo phân tích xu hướng công nghệ “Xử lý rác thải điện tử” (15/10/2021)
-   +   A-   A+   In  

Ngày 15/10/2021, Trung  tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ TP.Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo trực tuyến phân tích xu hướng công nghệ “Xử lý rác thải điện tử”. Hội thảo nhằm cung cấp thông tin về các xu hướng công nghệ xử lý, tái chế rác thải điện tử trên thế giới trên cơ sở phân tích số liệu sáng chế, đồng thời giới thiệu các công nghệ hiện có tại Việt Nam sẵn sàng hợp tác, chuyển giao để phục vụ quá trình xử lý, tái chế các loại rác thải này. Các chuyên gia sẽ tham gia giải đáp, tư vấn trực tiếp để các nhà quản lý, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp có nguồn thông tin tổng quan về xu hướng công nghệ xử lý rác thải điện tử trên thế giới và tại Việt Nam, cũng như phương thức ứng dụng, triển khai trong thực tế.

 

Tại hội thảo, các giải pháp công nghệ được giới thiệu là: Công nghệ tái chế bản mạch in, do GS.TS. Huỳnh Trung Hải – Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội trình bày; Lò đốt bản mạch và tái chế kim loại trong xử lý rác thải điện tử do PGS.TS. Lê Văn Lữ – Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh trình bày; Một số giải pháp tái chế vàng và ứng dụng vật kiệu hấp phụ trong công nghệ tái chế rác thải điện tử do TS. Triệu Quốc An – Khoa Kỹ thuật Thực phẩm và Môi trường, Đại học Nguyễn Tất Thành trình bày; Công nghệ thu hồi Yttri và Europi từ đèn huỳnh quang sau sử dụng  do TS. Hà Vĩnh Hưng – Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội trình bày; Giải pháp xử lý và tái chế linh kiện điện tử  do Th.S Hoàng Xuân Dương - Công ty CP Phát triển công nghệ HiTechViệt Nam trình bày; Chương trình Việt Nam tái chế do bà Mai Thị Thu Hằng - Công ty TNHH Reverse Logistics Việt Nam trình bày.

 

Theo thống kê của Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc, mỗi người dân Việt Nam thải ra trung bình 1,3kg rác thải điện tử mỗi năm, tương đương 116.000 tấn. Những đồ điện tử tiêu dùng như ti vi, máy tính, thiết bị ngoại vi, thiết bị âm thanh, điện thoại… chiếm tới 2% trong tổng số toàn bộ rác thải hiện nay. Mặc dù con số rất nhỏ nhưng nguy cơ và mức độ độc hại của những loại rác thải này lại không nhỏ. Các thiết bị điện và điện tử chứa các vật liệu, linh kiện và các hóa chất khác nhau. Các chất này hoàn toàn vô hại trong suốt thời gian sử dụng thiết bị. Tuy nhiên, chúng sẽ trở nên cực kỳ độc hại khi thiết bị được tháo dỡ hoặc mở ra để xử lý một cách không chuyên nghiệp như chì, thủy ngân… Các chất này có thể ngấm sâu vào lòng đất và mạch nước ngầm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người và để lại những hậu họa khôn lường cho môi trường. Trước thực trạng này, các chuyên gia về môi trường cho rằng những chương trình thu gom, công nghệ xử lý rác thải một cách an toàn và khoa học là vô cùng cấp thiết, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

 

(Chất thải điện tử)

 

Theo PGS Nguyễn Đức Quảng, Đa phần chất thải điện tử được thu gom và tháo dỡ không theo quy cách và chỉ tập trung thu hồi các vật liệu dễ thu hồi và tái chế (như một số kim loại), phần còn lại bị tiêu hủy hoặc đi vào các bãi chôn lấp chất thải rắn. Do đó, cần gia tăng năng lực tái chế và thu gom từ cộng đồng. Giải pháp quản lý chất thải điện tử theo định hướng kinh tế tuần hoàn giới thiệu quy trình công nghệ tách và thu hồi kim loại từ bảng mạch điện tử (PCB).

 

Theo PGS.TS. Lê Văn Lữ, Giải pháp công nghệ Lò đốt bản mạch và tái chế kim loại trong xử lý rác thải điện tử là thành quả từ nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ (thực hiện tại Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh), cho phép tái chế rác thải điện tử bằnng phương pháp đốt có hiệu quả cao, cho phép tận thu nhanh và nhiều kim loại quý. Kim loại thu hồi được nấu luyện trong lò tái chế kim loại thích hợp, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và hiệu suất tận thu. Lò đốt thiết kế đáp ứng quy chuẩn quốc gia QCVN 30:2012/BTNMT về bảo vệ môi trường…

 

(Hình ảnh Lò đốt rác hồ quang AEF- bài trình bày của PGS.TS. Lê Văn Lữ)

 

Sau phần trình bày của các chuyên gia đầu ngành về giải pháp công nghệ trong xử lý rác điện tử là phần trao đổi thảo luận giải đáp của các chuyên gia với các khách mời tham dự online trong cả nước các vấn đề như đối với các bo mạch điện tử thì thu hồi bằng lò đốt, lò nung như thế nào đối với kim quý và vàng; bụi tro từ quá trình đốt rác điện tử được xử lý như thế nào; chất thải PCB hiện tồn lưu một lượng lớn ở Việt Nam nhưng việc loại bỏ độc chất này không đơn giản vậy giải pháp để xử lý ra sao, ….

Nguồn: Lê Huệ (Tổng hợp)

Số lượt đọc: 3612

Về trang trước Về đầu trang