Tin KHCN trong nước
Nghiên cứu đa dạng thành phần loài của chi Tiểu đậu khấu Elettariopsis (họ Gừng - Zingiberaceae) ở Việt Nam (28/07/2021)
-   +   A-   A+   In  
Họ Gừng (Zingiberaceae) ở Việt Nam rất phong phú, lại có đặc điểm hình thái khá giống nhau, phân bô ở nhieuf vùng khác nhau với các tên gọi khác nhau nên nếu chỉ dựa vào đặc điểm hình thái thực vật, vi phẫu, hóa học (kiểu hình) thì chưa đủ để xác định, rất dễ gây nhầm lẫn. Họ Gừng (Zingiberaceae) cũng có rất nhiều loài đại diện có giá trị làm gia vị nổi tiếng. Được chia ra thành các nhóm: nhóm có giá trị chiết tinh dầu; nhóm có giá trị cao trong các ứng dụng làm mỹ phẩm, dược phẩm, y học...; nhóm làm thuốc giải cảm, hoạt huyết, bồi bổ sức khỏe và kích thích tiêu hóa...; nhóm làm gia vị sử dụng trong các món ăn hằng ngày và tạo màu thực phẩm và nhóm làm cảnh do cây có hình thức nổi bật, rất đẹp và dễ trồng.

Nhằm mục tiêu tổng quát đánh giá tính đa dạng các loài Tiểu đậu khấu thuộc họ Gừng qua đó góp phần bảo tồn và phát triển bền vững nguồn gen tiềm năng này ở nước ta, nhóm nghiên cứu Viện Sinh thái học miền Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam do TS. Lưu Hồng Trường đứng đầu đã đề xuất tiến hành thực hiện đề tài: “Nghiên cứu đa dạng thành phần loài của chi Tiểu đậu khấu Elettariopsis (họ Gừng - Zingiberaceae) ở Việt Nam.

Sau một thời gian triển khai thực hiện, đề tài thu được các kết quả sau:

- Đã tìm kiếm, thu thập, định loại và mô tả các loài Tiểu đậu khấu (Elettariopsis spp.) còn chưa được biết đến ở nước ta;

- Đã nghiên cứu đánh giá toàn bộ các loài của chi Tiểu đậu khấu ở Việt Nam, tạo cơ sở khoa học tin cậy cho công tác nghiên cứu bảo tồn và triển khai về sau;

- Đã xem xét vị trí phân loại của chi Tiểu đậu khấu trong mối quan hệ với chi gần gũi Sa nhân (Amomum) và các chi khác thuộc họ Gừng (Zingiberaceae).

Đặc biệt, nhóm đề tài đã mô tả mới loài Conamomum odorum (Zingiberaceae) từ tỉnh Khánh Hòa. Mô tả bao gồm các hình ảnh chi tiết về các đặc điểm hình thái quan trọng và có so sánh với các loài gần gũi, nhất là C. rubidum - loài gần nhất và cũng là loài đầu tiên của chi này được ghi nhận ở nước ta. Phân bố của hai loài ở Việt Nam được minh họa bằng bản đồ. Các kết quả của đề tài được công bố trên tạp chí Phytotaxa, Annales Botanici Fennici và tạp chí Sinh học.

Quá trình thực hiện đề tài, nhóm đề tài nhận thấy họ Gừng của Việt Nam rất phong phú và chúng ta mới chỉ biết được một phần khiêm tốn. Còn rất nhiều loài mới chưa được khoa học biết đến. Nhiều mẫu vật cũng đã được thu thập và lưu trữ ở một số bảo tàng lớn trên thế giới. Để tiếp tục nghiên cứu và công bố khoa học dựa trên kết quả thu thập của đề tài, chủ nhiệm đề tài đề xuất Quỹ NAFOSTED tài trợ một chuyến nghiên cứu khảo sát mẫu vật tại châu Âu, bao gồm Bảo tàng Paris ở Pháp và Trung tâm nghiên cứu họ Gừng (Zingiberaceae Resource Centre) ở Vườn thực vật Edinburgh ở Scotland. Ngoài ra, cần tiếp tục tài trợ để tiếp tục nghiên cứu rộng hơn, tức các chi khác thuộc họ Gừng ở Việt Nam và khu vực Đông Dương. Bên cạnh đó, nhiều loài họ Gừng được người dân địa phương sử dụng và chúng có tiềm năng về hợp chất có hoạt tính sinh học, cần thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng theo hướng này.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 16370/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

Nguồn: NASATI

Số lượt đọc: 3745

Về trang trước Về đầu trang