Tin KHCN trong nước
Khai thác tài sản trí tuệ, nâng cao thương hiệu sản phẩm Việt (19/06/2015)
-   +   A-   A+   In  

Từ ngày 18-19/6/2015, Cục Sở hữu trí tuệ- Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với UBND tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị toàn quốc về xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ năm 2015.

Ông Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ KH&CN kiêm Cục trưởng Cục SHTT phát biểu tại Hội nghị

 

Tham dự hội nghị có ông Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ KH&CN kiêm Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT); ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cùng đại diện 350 đại biểu đến từ Bộ KH&CN, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Sơn La, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Tài Chính, các Sở KH&CN trong cả nước, các viện nghiên cứu và trường đại học, các hiệp hội hành nghề, các chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận đặc sản cho địa phương…

 

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng kiêm Cục trưởng Trần Việt Thanh khẳng định, những năm qua, hoạt động sử dụng, khai thác tài sản trí tuệ đã được khởi xướng mạnh mẽ ở các địa phương, góp phần tích cực thúc đẩy năng suất, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa là thế mạnh và tiềm năng vùng, miền và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp địa phương.

 

Trong giai đoạn 2011-2015, Chương trình đã hỗ trợ việc bảo hộ sáng chế đối với 61 giải pháp kỹ thuật và công nghệ; triển khai áp dụng 11 sáng chế và giải pháp công nghệ khác; hỗ trợ quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ và khai thác thông tin sở hữu trí tuệ cho 09 trường đại học, viện nghiên cứu; hỗ trợ việc tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ đối với 109 đặc sản địa phương mang địa danh; đóng góp quan trọng vào việc thành lập 52 hiệp hội, hội để quản lý tài sản trí tuệ của cộng đồng như nước mắm Phú Quốc, bưởi Đoan Hùng, chè San tuyết Mộc Châu…; tập huấn về SHTT cho hơn 30.000 lượt người; tuyên truyền, phổ biến kiến thức về SHTT trên đài phát thanh, truyền hình của 49 địa phương với gần 3.000 số phát sóng.

 

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La

 

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc đăng ký SHTT đối với tỉnh Sơn La, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Khánh cho biết, Tỉnh thường xuyên chỉ đạo, triển khai công tác tư vấn cho các tổ chức, doanh nghiệp tìm hiểu, lập hồ sơ đăng ký, xác lập quyền SHTT. Đã có nhiều hoạt động trong lĩnh vực SHTT của tỉnh được triển khai như xây dựng quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Mộc Châu” cho sản phẩm chè Shan tuyết của huyện Mộc Châu; xây dựng chỉ dẫn địa lý “Yên Châu” cho sản phẩm xoài của huyện Yên Châu; xây dựng nhãn hiệu Chứng nhận cho sản phẩm chè Ô long của huyện Mộc Châu; xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm như Mật ong Sơn La, chè Tà Xùa Bắc Yên, rau an toàn Mộc Châu… Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, tư vấn, hướng dẫn làm thủ tục đăng ký bảo hộ quyền SHTT cho hàng trăm lượt tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền, phổ biến kiến thức về SHTT trên các phương tiện truyền thông của tỉnh…

 

Mặc dù các sản phẩm được bảo hộ quyền SHTT khi đưa ra thị trường đã góp phần nâng cao được chất lượng, quá trình kiểm tra, quản lý nghiêm ngặt, tăng khả năng cạnh tranh, nhờ đó một số sản phẩm đã tăng giá trị lên so với trước khi được bảo hộ. Các sản phẩm không có bao bì như cam Vinh tăng hơn 50%, chè Mộc Châu, chè Tân Cương giá cao hơn 1,5-2 lần so với sản phẩm khác… Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng với vai trò đòn bẩy của KH&CN, vấn đề phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp ngày càng trở thành nhu cầu bức thiết. Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Việt Thanh cũng cho biết, những thành công của Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ trên thực tế còn khiêm tốn so với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và nền kinh tế. Các hoạt động sử dụng, khai thác tài sản trí tuệ đến nay diễn ra khá phổ biến, song còn dàn trải, manh mún, thiếu tính chuyên nghiệp. Chương trình chưa trở thành hạt nhân thúc đẩy các hoạt động tạo lập, sử dụng, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ của cả nước, chưa tạo động lực cho các hoạt động đổi mới, sáng tạo của các doanh nghiệp, cũng như các hoạt động nghiên cứu khoa học, R&D của các viện nghiên cứu và trường đại học. Để khắc phục tình trạng trên, trong giai đoạn mới sẽ thay đổi phương thức tiếp cận và tuyển chọn dự án nhằm đẩy mạnh việc triển khai nội dung bảo hộ và khai thác sáng chế, thương mại hóa tài sản trí tuệ, tăng cường tính chủ động, hiệu quả trong công tác khai thác quản lý dự án. Đặc biệt cần định hướng vào đẩy mạnh bảo hộ tài sản trí tuệ các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Hiện Bộ KH&CN đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triển khai đề án xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam với mục tiêu đẩy mạnh và bảo hộ chặt chẽ sản phẩm nông sản trong và ngoài nước… để hoạt động phát triển tài sản trí tuệ của Việt Nam sẽ đạt được nhiều thành công trong thời gian tới.

 

Tại hội nghị, nhiều kinh nghiệm, giải pháp thúc đẩy xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ đã được đại diện đến từ các doanh nghiệp, hiệp hội trao đổi tại Hội nghị. Đáng lưu ý là kinh nghiệm quản lý chỉ dẫn địa lý sản phẩm nước mắm Phú Quốc; nhu cầu và đề xuất các nội dung hỗ trợ bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ từ cộng đồng doanh nghiệp; hoạt động SHTT tại các trường đại học; hoạt động SHTT tại một số tỉnh như Đồng Nai, Sơn La… Trên cơ sở các ý kiến tại Hội nghị, Bộ KH&CN sẽ xây dựng Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ của Việt Nam giai đoạn 5 năm 2016 -2020, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.

 

Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ (Chương trình 68) có mục tiêu là nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về bảo hộ SHTT và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam. Để thực hiện mục tiêu này, Chương trình đã triển khai 8 nội dung gồm tuyên truyền, đào tạo về SHTT, hỗ trợ quản lý hoạt động SHTT; thành lập và đưa vào hoạt động các tổ chức hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ xác lập, khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ xây dựng và áp dụng các quy trình quản lý, kết quả, sản phẩm nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao giá trị tài sản trí tuệ; hỗ trợ áp dụng các sáng chế nước ngoài không được bảo hộ tại Việt Nam; hỗ trợ triển khai các chương trình, hoạt động về bảo đảm thực thi quyền SHTT; hỗ trợ hợp tác quốc tế về SHTT.

 

Các đại biểu thăm quan các gian hàng trưng bày bên lề Hội nghị:

 

Nguồn: most.gov.vn

Số lượt đọc: 5909

Về trang trước Về đầu trang