Tin KHCN trong nước
Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015 (23/01/2015)
-   +   A-   A+   In  
Ngày 20/01/2015, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức “Hội nghị tổng kết công tác năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015”.

Tham dự Hội nghị về phía Lãnh đạo Đảng, Nhà nước có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, đại diện Lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ và địa phương. Về phía Bộ KH&CN có Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, Lãnh đạo Bộ KH&CN, đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ, cùng đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí.

Báo cáo tại Hội nghị tổng kết, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh cho biết, trong năm 2014, thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW, Luật KH&CN, hoạt động KH&CN đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp; nhận thức của xã hội về vai trò, vị trí của KH&CN có chuyển biến tích cực. Công tác chỉ đạo điều hành đã hướng vào mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu phục vụ phát triển ngành, lĩnh vực quan trọng như: nông nghiệp, công nghiệp, y-dược, môi trường, thông tin,... đồng thời giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh trong xã hội nhằm đảm bảo an sinh xã hội của địa phương cũng như cả nước. Hệ thống pháp luật về KH&CN được hoàn thiện cơ bản, tạo môi trường thuận lợi và đồng bộ cho hoạt động đổi mới sáng tạo, cụ thể:

Môi trường pháp lý về KH&CN được tập trung hoàn thiện. Cùng với Luật KH&CN, các văn bản hướng dẫn Luật với tư tưởng xuyên suốt là đổi mới cơ bản, toàn diện đã tạo thành một hệ thống pháp luật khá đồng bộ, khắc phục được các mâu thuẫn, chồng chéo, tạo hành lang pháp lý rộng mở, bình đẳng đối với mọi thành phần công lập, ngoài công lập, nhà khoa học Việt Nam trong nước và ở nước ngoài, thúc đẩy tiềm năng KH&CN quốc gia, đổi mới phương thức quản lý, đầu tư và cơ chế tài chính phù hợp với đặc thù của hoạt động KH&CN, đặc biệt phương thức quản lý, đầu tư và cơ chế tài chính đã được đổi mới theo hướng phù hợp với đặc thù của hoạt động KH&CN.

Chính sách sử dụng, trọng dụng, tôn vinh lực lượng KH&CN được ban hành và bước đầu đi vào cuộc sống. Lần đầu tiên sau 55 năm xây dựng và trưởng thành, Ngày KH&CN Việt Nam 18 tháng 5 chính thức trở thành ngày kỷ niệm riêng, tôn vinh các nhà khoa học và thành tựu khoa học - công nghệ, đưa tri thức khoa học thường thức đến với quảng đại quần chúng và khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo trong xã hội. Chính sách đãi ngộ, khen thưởng tôn vinh đối với các nhà khoa học giỏi, người Việt Nam trong nước và ở nước ngoài là cơ sở để phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, thu hút, tập hợp trí tuệ Việt Nam tham gia giải quyết các vấn đề lớn, quan trọng của đất nước.

Thị trường công nghệ được thúc đẩy phát triển và bước đầu phát huy vai trò cầu nối, gắn kết hoạt động KH&CN với sản xuất, kinh doanh. Các chợ công nghệ và thiết bị, sàn giao dịch công nghệ, các tổ chức trung gian công nghệ ở quy mô quốc gia, vùng, địa phương đã góp phần quan trọng thúc đẩy cung cầu công nghệ, gia tăng số lượng và giá trị các giao dịch, mua bán công nghệ giữa doanh nghiệp với viện, trường. Mạng lưới các trung tâm ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở 63 tỉnh/thành được đầu tư nâng cấp. Hệ thống bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ được chấn chỉnh cũng góp phần lành mạnh hóa môi trường nghiên cứu và kinh doanh. Các cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ đã có những tác động tích cực giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ. Các doanh nhân, các nhà khoa học có tinh thần đổi mới sáng tạo được ủng hộ, hỗ trợ, tạo thuận lợi tối đa khi khởi nghiệp và hình thành doanh nghiệp KH&CN.

Công tác thông tin, truyền thông về KH&CN tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh với nhiều hình thức thông tin phong phú, góp phần đưa các cơ chế, chính sách đổi mới về KH&CN lan tỏa nhanh chóng, giúp xã hội hiểu hơn về vai trò và những đóng góp của KH&CN đối với sự phát triển của đất nước.


Bộ trưởng Nguyễn Quân phát biểu tại Hội nghị


Trong năm 2015, Bộ KH&CN phấn đấu tập trung hoàn thiện môi trường thể chế và chính sách thúc đẩy phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo; Hoàn thành các kế hoạch, chương trình KH&CN trung hạn 2011-2015; Sơ kết đánh giá Chiến lược, kế hoạch, chương trình KH&CN dài hạn đến năm 2020; Thiết kế xây dựng kế hoạch phát triển KH&CN giai đoạn 2016 - 2020; Tiếp tục đầu tư phát triển mạnh tiềm lực KH&CN Quốc gia; Thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp và phát triển thị trường KH&CN; Tăng cường hiệu quả hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ; Thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và phát triển bền vững đất nước; Đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế về KH&CN.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành KH&CN còn nhiều khó khăn, bất cập cần giải quyết. Đó là:

Tiềm lực và trình độ KH&CN, đội ngũ cán bộ KH&CN tuy có phát triển về số lượng nhưng chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu các tập thể khoa học mạnh, các viện nghiên cứu, trường đại học đẳng cấp quốc tế, thiếu các cán bộ đầu ngành có khả năng chỉ huy triển khai các nhiệm vụ quốc gia ở trình độ quốc tế; cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị nghiên cứu còn thiếu, chưa đồng bộ. Trình độ KH&CN nhìn chung còn khoảng cách tụt hậu xa so với thế giới, kể cả với một số nước nhóm đầu trong khu vực Đông Nam Á. Đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng thấp. Khoa học - công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao chưa trở thành động lực chủ yếu cho tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế. Đây cũng là một thách thức lớn của KH&CN nước nhà khi chúng ta hội nhập toàn diện với khu vực và quốc tế.

Trong quản lý hoạt động KH&CN, còn thiếu các hướng ưu tiên phù hợp, các chính sách, giải pháp mạnh mẽ để tạo đột phá trong những lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế, vì vậy, chưa hình thành được các lĩnh vực KH&CN mũi nhọn, đạt trình độ tiên tiến, có khả năng cạnh tranh bình đẳng với khu vực và thế giới.

Chưa huy động được các nguồn lực xã hội và doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN. Mối liên kết giữa nghiên cứu và đào tạo, giữa nghiên cứu với thị trường, giữa nhà khoa học với doanh nghiệp còn yếu. Việc chuyển đổi các tổ chức KH&CN sang cơ chế tự chủ gặp nhiều rào cản dẫn tới hiệu quả chính sách còn thấp. Các Chương trình quốc gia được Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai trong giai đoạn đến năm 2020 với mục tiêu tập trung nguồn lực để việc tổ chức triển khai được đồng bộ, thống nhất, đảm bảo được mục tiêu đề ra.

Vì vậy, để triển khai Chiến lược phát triển kinh tế -xã hội, Nghị quyết 20-NQ/TW, Luật KH&CN năm 2013, Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020, định hướng xây dựng nhiệm vụ KH&CN giai đoạn 2011-2015 và triển khai xây dựng nhiệm vụ KH&CN giai đoạn 2016-2020 tập trung vào những nhiệm vụ cụ thể:

Tiếp tục xây dựng và triển khai đồng bộ các cơ chế đổi mới về quản lý, tổ chức và hoạt động KH&CN, tập trung vào việc triển khai thực hiện cơ chế đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN được quy định tại Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/ 2014 của Chính phủ; Đầu tư đúng mức và có trọng điểm trong việc triển khai các nhiệm vụ KH&CN chủ yếu trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện của giai đoạn 2011-2015; Triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao tiềm lực KH&CN quốc gia, tập trung vào cả bốn yếu tố: nguồn đầu tư cho KH&CN, tổ chức KH&CN, nguồn nhân lực KH&CN cũng như hệ thống kết cấu hạ tầng KH&CN; Thúc đẩy phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, các hoạt động dịch vụ KH&CN; Đẩy mạnh hội nhập quốc tế về KH&CN nhằm nâng cao khả năng tiếp thu, làm chủ thành tựu công nghệ tiên tiến, sáng tạo ra sản phẩm, dịch vụ, công nghệ mới, góp phần vào việc phát triển tiềm lực KH&CN, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ với giá trị gia tăng cao.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những nỗ lực của Bộ KH&CN trong năm 2014, trong đó nhấn mạnh những đổi mới mà Bộ KH&CN đã thực hiện như hình thành các quỹ quốc gia, tôn vinh các nhà khoa học có nhiều đóng góp cho đất nước, lần đầu tổ chức ngày KH&CN Việt Nam… Theo Phó Thủ tướng, để phát huy vai trò trong quá trình phát triển KT-XH của đất nước, Bộ KH&CN cần tiếp tục giải quyết những tồn tại để có cơ chế thiết thực, nhất là đối với doanh nghiệp để doanh nghiệp chủ động đổi mới, giảm ưu đãi, phát triển bình đẳng... Bên cạnh đó, Bộ phải sử dụng cơ chế tài chính linh hoạt, đổi mới cách nghĩ, cách làm, phải xuất phát từ thực tiễn, từ địa phương, thậm chí từ trong dân để khơi dậy sáng tạo, tạo ra “đầu bài”, nghiên cứu “đầu bài” tiến tới ứng dụng đến triển khai. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, mọi hoạt động quản lý, điều hành và nghiên cứu của Bộ KH&CN cần được công khai, minh bạch để cộng đồng xã hội đều có thể tham gia kiểm tra các hoạt động này, đồng thời Bộ cần vươn lên dẫn đầu về đổi mới sáng tạo, cải cách hành chính, công nghệ thông tin, đem lại niềm tin cho xã hội về nền KH&CN Việt Nam.

Trước những chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết sẽ tiếp tục phát huy những nỗ lực trong đổi mới sáng tạo, “bám đuổi các bộ, ngành để đưa các văn bản về cơ chế chính sách mới vào cuộc sống nhanh chóng hơn, đồng thời khắc phục những trì trệ trong quản lý, điều hành”. Bộ trưởng cũng đề ra mục tiêu: phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam sẽ lọt vào tốp ba khu vực Đông Nam Á về đổi mới sáng tạo.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN cũng phát động thi đua trong toàn ngành và Bộ KH&CN với chủ đề thi đua năm 2015 là “đoàn kết- kỷ cương- trí tuệ- hiệu quả”. Bộ trưởng đề nghị các khối thi đua, các tổ chức Đảng, đoàn thể các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN triển khai phong trào thi đua thiết thực hiệu quả, bám sát các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Bộ với các nội dung: tập trung hoàn thành việc xây dựng triển khai đồng bộ các văn bản hướng dẫn Luật KH&CN, Chiến lược phát triển KH&CN, đưa tinh thần đổi mới của Luật KH&CN vào cuộc sống, vận hành hiệu quả các chương trình Quốc gia về KH&CN, thúc đẩy phát triển KH&CN của đất nước. Hoàn thành các văn bản hướng dẫn KH&CN một cách đồng bộ. Tổ chức và triển khai hiệu quả phong trào thi đua ngay từ đầu năm, gắn phong trào thi đua với cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tổ chức hoạt động hướng tới các sự kiện chào mừng các ngày lễ lớn trong năm 2015, tuyên truyền nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt trong các phong trào thi đua của Bộ.

Trong khuôn khổ buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thay mặt Nhà nước và Chính phủ, trao Huân chương Lao động của Chủ tịch nước và bằng khen của Thủ tướng cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc năm 2014. Theo đó có 08 tập thể và 05 cá nhân được nhận Huân chương lao động các loại, 01 chiến sỹ thi đua toàn quốc, 06 tập thể được nhận Bằng khen của Thủ tướng, 03 cá nhân được nhận Bằng khen của Thủ tướng.


Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trao Huân chương Lao động cho các cá nhân xuất sắc


Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trao Huân chương Lao động cho các tập thể xuất sắc


Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
cho các tập thể và các cá nhân xuất sắc

Nguồn: most.gov.vn

Số lượt đọc: 10935

Về trang trước Về đầu trang