Tin KHCN trong nước
Khoa học công nghệ - khâu đột phá thúc đẩy xây dựng nông thôn mới (04/10/2022)
-   +   A-   A+   In  
Với việc tác động toàn diện đến các lĩnh vực trong xây dựng nông thôn mới, các nghiên cứu khoa học công nghệ đã mang lại rất nhiều kết quả, thực sự là khâu đột phá, góp phần thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới.

Thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) tại hội nghị tổng kết Chương trình Khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2021 và nhiệm vụ trọng tâm thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 3/10/2022, để thúc đẩy thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng NTM, được triển khai liên tục, có tính kế thừa từ năm 2011 đến tháng 6/2022.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan dùng hình ảnh trái quýt Unshu Nhật Bản để minh họa cho tác động của KHCN đến ngành nông nghiệp. 

Trong Chương trình Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2 (2016 đến 30/6/2022), cả nước xây dựng, tuyển chọn 84 nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đây là chương trình đặc thù, có mục tiêu, nội dung bao trùm hầu hết lĩnh vực phát triển nông thôn, thuộc nhiều chuyên ngành khoa học công nghệ, phạm vi nghiên cứu trải rộng trên địa bàn nông thôn toàn quốc, tác động đến nhiều đối tượng mà trung tâm là nông dân... Qua đó, góp phần kết nối chặt chẽ nguồn lực giữa các ngành khoa học, giữa lý luận với thực tiễn, giữa nghiên cứu và chuyển giao, giữa nghiên cứu đón đầu và phục vụ kịp thời nhu cầu trước mắt, góp phần thúc đẩy chương trình xây dựng NTM.

Chương trình đã đề xuất được các giải pháp KHCN tổng hợp, đặc thù, phục vụ tái cơ cấu ngành, thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp. Trong đó đã góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa; phát triển công nghiệp hỗ trợ cho nông nghiệp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn…

Thông qua việc hoàn thiện, chuyển giao vào sản xuất các quy trình kỹ thuật, giải pháp công nghệ, cung cấp trang thiết bị trong các mô hình có hiệu quả cao, Chương trình đã tác động trực tiếp đến các yếu tố thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cải thiện hiệu quả kinh tế và thu nhập của người dân; chuyển đổi các hình thức tổ chức, liên kết sản xuất; khả năng tiếp nhận và nhân rộng hiệu quả các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trong nông nghiệp.

Theo Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM đã có tác động đến cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi. Cụ thể, Chương trình đã giới thiệu chuyển giao vào sản xuất 137 quy trình và giải pháp công nghệ; 1.735 công trình kỹ thuật, máy móc, thiết bị, cải thiện rõ rệt năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi; hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung…

Điển hình là trong lĩnh vực trồng trọt đã giúp tăng năng suất cây trồng 30-35% đối với rau màu, 10-15% đối với lúa, tăng thu nhập của người dân tham gia dự án trên 25%; nâng cao giá trị sử dụng đất sản xuất nông nghiệp đến 133-500 triệu đồng/ha/năm nhờ chuyển đổi cơ cấu nuôi trồng ở các mô hình liên kết sản xuất.

Trong chăn nuôi, một số giống cho năng suất và chất lượng tốt được đưa vào sử dụng. Các giống lợn lai có khả năng thích nghi tốt, cho năng suất, chất lượng cao. Một số giống bò thịt lai 1/2 hoặc 3/4 máu ngoại giúp tăng năng suất và hiệu quả. Ứng dụng rộng rãi các giống gà thả vườn gà đồi, nuôi vịt siêu trứng, vịt siêu thịt, ngan pháp…

Chương trình đã có tác động rõ rệt đến kết quả thực hiện 12 trong tổng số 19 tiêu chí xây dựng NTM, trong đó tác động rõ rệt nhất là các tiêu chí về thu nhập, việc làm, quy hoạch, thuỷ lợi, môi trường và chất lượng sản phẩm, văn hoá, chính trị và tiếp cận pháp luật.

Các tác động này đã góp phần tích cực vào việc thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM trong 10 năm qua và tạo động lực, giá trị KHCN để thúc đẩy Chương trình mục tiêu quốc gia trong những năm tiếp theo- Bộ NN&PTNT khẳng định.

Khoa học công nghệ phải giải quyết những vấn đề từ thực tiễn

Theo Bộ NN&PTNT, sau gần 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình KHCN đã đóng góp quan trọng vào thành công của Chương trình MTQG xây dựng NTM. Mặc dù vậy, Chương trình KHCN còn rất ít đề cập đến nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới, tiên tiến trong phát triển kinh tế và quản trị xã hội ở các vùng nông thôn.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang: KHCN đóng góp không nhỏ vào thành tựu của ngành nông nghiệp

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang khẳng định, trong giai đoạn vừa qua, ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của yếu tố khoa học công nghệ. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng chỉ ra những hạn chế của Chương trình như nội dung một số đề tài, dự án còn tản mạn; chưa tập trung nhiều vào các trọng tâm cấp bách xây dựng NTM; một số vấn đề quan trọng trong khung nội dung Chương trình có số lượng nhiệm vụ nghiên cứu còn hạn chế, thậm chí nội dung về tích tụ ruộng đất còn chưa có; rất ít đề tài nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới, tiên tiến trong phát triển kinh tế và quản trị xã hội ở các vùng NTM…

Trong giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2045, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM vẫn sẽ là trọng tâm, KHCN tiếp tục là trụ cột quan trọng để đưa Chương trình xây dựng NTM đi vào chiều sâu, chất lượng; đồng thời cũng là nền tảng duy trì bền vững và nâng cấp những thành tựu trong xây dựng NTM lên tầm cao mới.

Theo Bộ NN&PTNT, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021-2025, chương trình tập trung bám sát chủ trương, định hướng của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết số 19). Với định hướng "Nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hiện đại, nông dân văn minh", các đề tài thuộc Chương trình Khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới được yêu cầu phải xuất phát từ thực tiễn, trực tiếp giải quyết những vấn đề cấp thiết gắn với đặc thù, điều kiện địa phương.

Chú trọng triển khai các mô hình, dự án có tính mới, khả năng ứng dụng và tính lan tỏa cao trong thực tiễn; phù hợp để phát triển và nhân rộng; ưu tiên các mô hình, dự án ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, thân thiện với môi trường…

Nhấn mạnh vai trò đặc biệt của khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, xây dựng và triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học cần xuất phát từ thực tiễn trên đồng ruộng của nông dân, của từng địa phương. ”Các nhà khoa học không chỉ chuyển giao khoa học công nghệ mà còn là chuyển giao tính chuyên nghiệp, tri thức, kỹ năng cho nông dân, giúp tăng năng suất lao động, tạo sức bật mới cho nông nghiệp, nông thôn"- Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

 

Nguồn: vietQ.vn

Số lượt đọc: 3328

Về trang trước Về đầu trang