Tin KHCN trong nước
Phát triển thị trường khoa học công nghệ: Cần sự kết nối từ đầu cung đến cầu sản phẩm (27/09/2022)
-   +   A-   A+   In  
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đề nghị cần có cơ chế để cho phép sai và phải tổ chức hoàn chỉnh thị trường khoa học công nghệ (KHCN).

Theo ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, với ngành nông nghiệp, theo ý kiến của các chuyên gia thì KHCN đã đóng góp khoảng 30% giá trị nói chung trong ngành và 40% giá trị trong lĩnh vực giống, cây trồng. Nhưng rõ ràng, so với những kỳ vọng về việc gia tăng hàm lượng giá trị bằng KHCN thì con số này còn thấp.

Chia sẻ một câu chuyện tại Đồng Tháp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết quê ông có một làng nghề nổi tiếng với việc nuôi cá giống, cung cấp cá giống cho cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Vừa rồi ông đã gặp một thanh niên lai tạo được cá giống và gần như các loại cá giống trong tự nhiên người này đều lai tạo được.

Bộ trưởng chia sẻ: "Khi tôi động viên cậu thanh niên này thì cậu đó nói "em đã thất bại 5 lần rồi em mới làm được". Tôi mới suy nghĩ rằng nếu như việc nghiên cứu khoa học mà phải thất bại 5 lần để có thành công, nhiều khi thất bại 1 lần đã cảm thấy khó khăn rồi mà Thủ tướng cũng đã phát biểu tại Học viện Nông nghiệp rồi đó là "nghiên cứu thì có thành công, có thất bại". Và có 1 câu tôi thấy rất hay đó là: "Nếu làm có thể 50% thành công, 50% thất bại nhưng nếu không làm thì thất bại hoàn toàn". Nói như vậy nhưng chúng ta phải thể chế hóa điều đó để giải phóng nguồn lực trong các nhà khoa học, để ngăn chặn tình trạng "chảy máu chất xám".

"Chúng ta đang nói đến thị trường KHCN, đã nói thị trường thì ta phải xác định rõ. Kinh tế thị trường phải trả lời được 3 câu hỏi: Sản xuất cái gì? Sản xuất cho ai? Sản xuất như thế nào? Tôi coi nghiên cứu khoa học cũng là 1 sản phẩm thì chúng ta phải bán cái thị trường cần, không phải bán cái chúng ta có. Và chúng ta nâng lên cấp độ nữa là "bán cái thị trường chưa cần nhưng mà thị trường sẽ cần", chúng ta dùng điện thoại Iphone chúng ta cũng thấy, họ sản xuất ra những thứ thị trường sẽ cần.

Ví dụ như với thị trường bất động sản, trước khi hình thành thị trường thì có nhà đầu tư tài chính. Đầu tư tài chính không có nghĩa là tiền, mà nhà đầu tư tài chính sẽ cân nhắc thị trường. Chúng ta đang thiếu hoàn toàn nhà môi giới. Bản chất thị trường là trăm người bán chỉ có 1 người mua, có những người có sẵn mà không biết nơi nào cần. Khi chúng ta nghiên cứu khoa học ra sản phẩm rồi thì ta lại không biết kinh doanh", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần có cơ chế để cho phép sai và phải tổ chức hoàn chỉnh thị trường KHCN. Ảnh: VGP

Bộ trưởng cho rằng cần hình thành những trung tâm chuyển giao của Nhà nước thực sự hoạt động theo thị trường. Thị trường còn rất nhiều vấn đề như quảng bá, hậu mãi... đây là những điều mà các nhà khoa học chưa làm được.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị 2 vấn đề. Một là cần có cơ chế để cho phép sai. Hai là phải tổ chức hoàn chỉnh thị trường. Ví như thị trường bất động sản còn cần nhà phân phối nữa, do đó thị trường KHCN cũng cần có sự kết nối từ đầu cung đến cầu cho sản phẩm.

Thể chế hoá việc "chấp nhận thất bại" trong KHCN

Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) cho rằng, Việt Nam đã có nhiều thành tựu trong phát triển khoa học công nghệ; có tham vọng trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045 và có nền kinh tế dựa trên tri thức. Việt Nam cũng đạt nhiều thành tựu phát triển kinh tế lớn với tốc độ phát triển kinh tế nhanh, trung bình 7,8%/năm; có nhiều tiến triển trong triển khai các mục tiêu phát triển bền vững.

Hiện nay, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên có nhiều biến động về kinh tế, chính trị, người dân trên khắp thế giới đang chịu ảnh hưởng do những vấn đề như nóng lên toàn cầu, ảnh hưởng của khí quyển… Theo đó, khoa học công nghệ có thể có phương án giải quyết vấn đề này như giảm chi phí, đưa mô hình tuần hoàn vào sản xuất và tiêu dùng, công nghệ về nông nghiệp có thể giúp chúng ta sản xuất thực phẩm rẻ hơn và ít ảnh hưởng của môi trường…

Xây dựng được môi trường pháp lý có thể hỗ trợ và khuyến khích đổi mới sáng tạo đang là thách thức lớn dù ở Việt Nam hay bất kỳ nước nào khác. Để đạt được chính sách nhất quán, có rất nhiều cơ quan đang tham gia xây dựng chính sách khoa học công nghệ, tuy nhiên đôi khi quy định còn chồng lấn. Những thách thức này có thể cản trở đổi mới sáng tạo để đưa ra sáng kiến mới cho thị trường.

Vì vậy, chúng ta có thể thí điểm một số chính sách song song với quy định hiện hành. Ví dụ UNDP đã thí điểm áp dụng tại Đà Nẵng trong xây dựng Chính phủ điện tử. Chúng ta có thể áp dụng mô hình tương tự trong phát triển thị trường khoa học công nghệ.

Tuy nhiên, đổi mới sáng tạo không chỉ giới hạn trong công ty, tập đoàn lớn mà còn ở góc độ địa phương hay cơ sở. Trong thời điểm đại dịch COVID-19, chúng ta đã có nhiều phát minh, đổi mới sáng tạo ở cấp cơ sở như: Cây "ATM gạo", sử dụng công nghệ robot. Công ty Công nghệ sinh học Minh Hồng được UNDP hỗ ứng dụng công nghệ sinh học biến rác hữu cơ thành sản phẩm dọn dẹp nhà cửa. Hiện công ty này đã xử lý được 509 tấn rác thải, sản xuất được hơn 50 nghìn lít sản phẩm phục vụ dọn dẹp nhà cửa, tạo thêm việc làm cho hơn 400 phụ nữ.

“Tôi hiểu ở Việt Nam có câu nói "thất bại là mẹ thành công", có nghĩa chúng ta chấp nhận thất bại và học hỏi thất bại để có tiền đề của thành công. Tinh thần này nên được thể chế hóa và khuyến khích ở tất cả các cấp độ. UNDP đang hợp tác chặt chẽ với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia cùng nhiều đơn vị khác và sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong tương lại. Chính phủ Việt Nam đã có cam kết mạnh mẽ về thúc đẩy phát triển thị trường khoa học công nghệ trong nước, hy vọng cuộc chuyển đổi này sẽ đóng góp cho tương lai xanh bền vững cho người dân”, bà Ramla Khalidi nói thêm.

Nguồn: vietQ.vn

Số lượt đọc: 4327

Về trang trước Về đầu trang