Tin KHCN trong nước
Hoàn thiện quy trình công nghệ chế biến cỏ khô theo quy mô công nghiệp, bán công nghiệp phục vụ chăn nuôi (11/05/2021)
-   +   A-   A+   In  
Chăn nuôi gia súc ăn cỏ là một trong những thế mạnh của Việt Nam. Nó đã góp phần quan trọng để chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho nông dân. Phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ là một trong những định hướng ưu tiên của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tầm nhìn đến năm 2030. 

Theo Tổng cục thống kê, đến tháng 11/2018 đàn trâu cả nước có 2,42 triệu con; giảm 1%; đàn bò 5,8 triệu con; tăng 2,2% so với cùng thời điểm năm 2017. Tổng nhu cầu thức ăn ước tính cho đàn gia súc ăn cỏ vào khoảng 90,5 triệu tấn trong khi đó diện tích trồng cỏ cả nước năm 2014 mới đạt 91.173 ha, chỉ đáp ứng được trên 10% nhu cầu của tổng đàn gia súc ăn cỏ. Tính cả nguồn phụ phẩm nông nghiệp tận dụng thì tổng lượng thức ăn thô xanh mới chỉ đáp ứng được 53,47% nhu cầu của tổng đàn gia súc. Cũng theo Cục Chăn nuôi, 2014, các doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa lớn như TH True Milk, Vinamilk, Mộc Châu ... đã phải nhập khẩu trên 850 nghìn tấn cỏ Alfalfa, trị giá trên 500 triệu USD và nhu cầu này ngày càng tăng chóng mặt với tốc độ 15-20%/năm, trong khi đó người chăn nuôi lại chưa quan tâm đầu tư phát triển và quy hoạch vùng trồng cỏ, sử dụng sản phẩm từ trồng trọt, chế biến và dự trữ nguồn thức ăn cho trâu bò trong mùa đông ở khu vực phía Bắc và mùa khô ở khu vực phía nam Việt Nam. Việc cung cấp thức ăn thô xanh đủ và đều quanh năm cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt trong các tháng mùa đông/khô là yếu tố được ưu tiên hàng đầu đối với chăn nuôi gia súc ăn cỏ ở nước ta. Để có được 2 nguồn thức ăn thô xanh như vậy ngoài việc sử dụng thức ăn tươi, thức ăn ủ chua thì nguồn thức ăn chính trong các tháng mùa đông/khô là cỏ khô.

Đề tài “Nghiên cứu nguồn thức ăn chăn nuôi (thô xanh, phụ phẩm nông nghiệp) có năng suất chất lượng cao phù hợp với các vùng sinh thái Việt Nam” đã đạt được kết quả bước đầu là lựa chọn được bộ giống cỏ phù hợp cho 5 vùng sinh thái cả nước (7 giống hòa thảo và 3 giống họ đậu). Kết quả ban đầu của đề tài đã mở ra được hướng sản xuất loại thức ăn này không những để dự trữ cho gia súc nhai lại trong mùa đông/khô mà còn tạo ra cơ hội cho việc sản xuất và lưu thông như một loại hàng hóa thực thụ. Do đó, nhằm chủ động nguồn thức ăn thô xanh chất lượng cao trong năm cho vật nuôi, nhóm thực hiện đề tài do ThS. Bùi Việt Phong, Viện Chăn nuôi, đứng đầu đã tiến hành thực hiện dự án: “Hoàn thiện quy trình công nghệ chế biến cỏ khô theo quy mô công nghiệp, bán công nghiệp phục vụ chăn nuôi”.

Sau một thời gian triển khai, đề tài đã hoàn thành các mục tiêu đề ra.

1. Quy trình công nghệ chế biến cỏ hòa thảo khô dạng bánh với các thí nghiệm:

- Xác định thời gian thu cắt thích hợp trong chế biến cỏ khô 3 giống cỏ hòa thảo Brachiaria decumbens, Brachiaria ruziziensis, Digitaria decumbens: Thu cắt 45 ngày sau lứa cắt tái sinh đối với 2 giống Brachiaria ruziziensis và Brachiaria decumbens thích hợp nhất để chế biến cỏ khô tại 3 cơ sở thực hiện dự án; Thu cắt 55 ngày sau lứa cắt tái sinh đối với giống Digitaria decumbens là thích hợp nhất trong chế biến cỏ khô tại 3 cơ sở thực hiện dự án

- Xác định phương pháp làm khô cỏ hòa thảo: Phương pháp làm khô cỏ trong điều kiện tự nhiên trên đồng ruộng thích hợp nhất để chế biến cỏ khô tại 3 cơ sở thực hiện dự án

- Xác định phương pháp và thời gian bảo quản thích hợp đối với cỏ hòa thảo khô đóng bánh: Bảo quản bánh cỏ khô không bọc trong kho là thích hợp nhất tại 3 cơ sở thực hiện dự án

- Xác định khả năng sử dụng của gia súc đối với cỏ hòa thảo khô đóng bánh ở các thời điểm bảo quản (0, 3, 4, 5 tháng): Tỷ lệ tiêu hóa chất hữu cơ và giá trị dinh dưỡng của bánh cỏ khô Ruzi và Decumbens không bọc trong kho trên bò thịt không giảm sau 3 tháng bảo quản tại cả 3 cơ sở thực hiện dự án; Bánh cỏ khô Pangola bảo quản không bọc trong kho có ỷ lệ tiêu hóa chất hữu cơ và giá trị dinh dưỡng không thay đổi đến 4 tháng bảo quản ở miền Nam; ở miền Bắc và miền Trung tỷ lệ này không đổi đến thời gian bảo quản 3 tháng khi sử dụng cho bò thịt.

2. Quy trình công nghệ chế biến cỏ Stylo khô dạng bột với các thí nghiệm:

- Xác định phương pháp làm khô cỏ Stylo: Cắt ngắn cỏ Stylo thành từng đoạn 3-5cm và phơi trong điều kiện tự nhiên trên nền bạt dứa vừa giảm thiểu được sự hao hụt các chất dinh dưỡng trong cỏ vừa có hiệu quả kinh tế tại 3 cơ sở thực hiện dự án

- Xác định phương pháp và thời gian bảo quản thích hợp đối với bột cỏ Stylo khô: Bảo quản bột cỏ Stylo trong túi nilong bên ngoài bọc bao dứa có hút chân không có tỷ lệ hao hụt các chất dinh dưỡng trong bột cỏ thấp và thời gian bảo quản có thể kéo dài đến 5 tháng tại 3 cở sở thực hiện dự án

- Xác định khả năng sử dụng của gia súc đối với bột cỏ Stylo ở các thời điểm bảo quản (0, 3, 4, 5 tháng): Bảo quản bột cỏ Stylo bọc trong túi nilon bên ngoài bọc bao dứa có hút chân không đến tháng thứ 5 mà không làm giảm lệ tiêu hóa và giá trị dinh dưỡng trên bò thịt

3. Xây dựng 02 mô hình chế biến cỏ khô dạng bánh và dạng bột theo quy mô công nghiệp:

 - 01 mô hình chế biến cỏ khô dạng bánh quy mô công nghiệp: Quy mô 100-200 tấn tại Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng phát triển miền Trung. Đã sản xuất được 187,8 tấn sản phẩm cỏ khô đảm bảo chất lượng theo đúng thuyết minh.

- 01 mô hình chế biến cỏ Stylo khô dạng bột quy mô công nghiệp: Quy mô 50- 100 tấn tại Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng phát triển miền Trung. Đã sản xuất được 187,8 tấn sản phẩm bột cỏ khô đảm bảo chất lượng theo đúng thuyết minh.

4. Xây dựng 02 mô hình chế biến cỏ khô dạng bánh và dạng bột theo quy mô bán công nghiệp:

- 01 mô hình chế biến cỏ khô dạng bánh quy mô bán công nghiệp: Quy mô 20- 30 tấn tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền núi. Đã sản xuất được 43,58 tấn sản phẩm cỏ khô đảm bảo chất lượng theo đúng thuyết minh.

-  01 mô hình chế biến cỏ Stylo khô dạng bột quy mô bán công nghiệp: Quy mô 5-10 tấn tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển chăn nuôi gia súc lớn. Đã sản xuất được 8,3 tấn sản phẩm bột cỏ khô đảm bảo chất lượng theo đúng thuyết minh.

Như vậy, Dự án triển khai có kết quả tốt cho thấy Việt Nam có thể sản xuất bánh cỏ hòa thảo khô và bột cỏ Stylo dự trữ làm thức ăn phục vụ chăn nuôi. Cung cấp các dữ liệu về các giống cỏ hòa thảo, cỏ họ đậu có thể dùng để chế biến cỏ khô theo hướng hàng hóa phục vụ phát triển ngành chăn nuôi trong cả nước. Bổ sung thông tin về các biện pháp kỹ thuật chế biến, bảo quản và sử dụng các sản phẩm cỏ khô, bột cỏ Stylo tại một số vùng sinh thái khác nhau. Đưa công nghệ sản xuất, chế biến cỏ khô vào trong cơ cấu sản phẩm thức ăn gia súc, hình thành một nghề mới có hiệu quả cho doanh nghiệp cũng như người nông dân. Thông qua việc xây dựng mô hình, triển khai nhân rộng mô hình chế biến sản phẩm cỏ khô trong sản xuất, nâng cao được trình độ công nghệ cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và người chăn nuôi. Các kết quả này tạo tiền đề cho việc mở rộng chế biến rơm rạ, các sản phẩm khác phục vụ chăn nuôi. Sản xuất cỏ khô sẽ giúp tạo công ăn việc làm cho người nông dân, tăng thêm thu nhập. Giúp các địa phương thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thêm thu nhập trên đơn vị diện tích góp phần thực hiện thắng lợi chương trình xóa đói giảm nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống ở các khu vực nông thôn.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 14811/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

Nguồn: NASATI

Số lượt đọc: 2754

Về trang trước Về đầu trang