Tin KHCN trong nước
Thúc đẩy bảo hộ sáng chế: Góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (26/04/2021)
-   +   A-   A+   In  
Trong năm qua, số lượng đơn đăng ký sáng chế của các tổ chức, cá nhân Việt Nam đã tăng cao hơn 35% so với năm 2019. Đặc biệt, một số đơn vị đã đăng ký sáng chế ở các thị trường tiên tiến như Mỹ, châu Âu.

Trước những kết quả đáng ghi nhận này, Khoa học và phát triển đã có cuộc trao đổi với ông Phan Ngân Sơn – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN.

 Ông Phan Ngân Sơn.

Thưa ông, mặc dù số đơn đăng ký sáng chế của Việt Nam năm 2020 đã tăng nhiều so với năm 2019, nhưng nhìn vào danh sách bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích mà Cục công bố hằng tháng, dễ nhận thấy các chủ thể Việt Nam còn chiếm tỷ lệ khiêm tốn so các chủ thể nước ngoài. Ông có bình luận gì về hiện trạng này?

Với các chủ thể nước ngoài khi có nhu cầu, triển vọng đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh hoặc chuyển giao công nghệ ở một thị trường nhất định thì điều quan tâm đầu tiên của họ là quyền sở hữu trí tuệ. Các quốc gia có nhiều đơn sáng chế nộp vào Việt Nam trong giai đoạn 10 năm gần đây là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và một số quốc gia châu Âu…

Tuy nhiên chúng ta cũng thấy là lượng đơn sáng chế/giải pháp hữu ích của chủ đơn Việt Nam đang chiếm tỷ lệ chưa cao so với tổng số đơn đăng ký tại Việt Nam. Một số nguyên nhân của tình trạng này là ở Việt Nam, nhu cầu đối với sáng chế chưa cao; năng lực nghiên cứu còn thấp; khả năng hấp thụ sáng chế của doanh nghiệp còn hạn chế; cơ chế khuyến khích tạo ra sáng chế ở doanh nghiệp, viện, trường chưa thực sự hiệu quả. Vì chưa có ý thức về quyền sở hữu trí tuệ, các nhà sáng chế đã bỏ qua công đoạn đăng ký bảo hộ sáng chế cho công nghệ của mình, dẫn đến khi thương mại hóa đã rơi vào tình cảnh không được hưởng lợi ích từ quyền sở hữu trí tuệ mà lẽ ra họ rất xứng đáng được hưởng.

Dù vậy, một kết quả đáng ghi nhận trong năm 2020 là mặc dù trong bối cảnh đại dịch Covid-19, số lượng đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích của các chủ thể nước ngoài giảm 2% thì số lượng đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích của các chủ thể Việt Nam vẫn tăng 35% so với năm 2019. Trong giai đoạn 10 năm qua, lượng đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích của người Việt Nam đã tăng trưởng rõ rệt, nếu như khoảng những năm 2011 chỉ có vài trăm đơn được nộp mỗi năm thì đến 2020, con số này đã tăng gấp ba lần (xem biểu đồ).

Anh Phạm Văn Hát ở Tứ Kỳ, Hải Dương bên chiếc máy gieo hạt do mình sáng chế. Chiếc máy này đã xuất khẩu đi 14 nước trên thế giới. Ảnh: infonet

Những nguyên nhân nào đưa tới dấu mốc tăng trưởng đáng ghi nhận này?

Tỷ lệ tăng trưởng 35% tương ứng với hơn 1500 đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích (so với 1115 đơn năm 2019) chiếm khoảng 18% tổng lượng đơn được nộp năm 2020 cho thấy nhu cầu và nhận thức về việc bảo vệ quyền đối với sáng chế của các tổ chức và cá nhân trong nước đã gia tăng đáng kể. Đây cũng là kết quả từ việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tập huấn kỹ năng tra cứu thông tin, viết bản mô tả sáng chế cho các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu mà Cục đã triển khai.

Trong kế hoạch tuyên truyền đó, phải kể đến Dự án TISC (Mạng lưới các Trung tâm hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo) và Dự án Môi trường sở hữu trí tuệ kiến tạo (Enabling IP Environment - EIE) nhằm thiết lập Mạng lưới TISC và IP-HUB do WIPO chủ trì nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ của các viện nghiên cứu và trường đại học trong nghiên cứu và sáng tạo, đăng ký và thương mại hóa các sáng chế, chuyển giao công nghệ.

Bên cạnh đó, Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ (chương trình 68) giai đoạn 2011-2020 cũng giúp nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp Việt Nam về bảo hộ sở hữu trí tuệ để các doanh nghiệp chủ động xây dựng, khai thác phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ… Đây là cách làm thiết thực để giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam thông qua việc hỗ trợ xác lập, khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ, trong đó ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp có các sản phẩm chiến lược, có tiềm năng xuất khẩu.

Biểu đồ 1. 

Biểu đồ 2: Số lượng bằng độc quyền sáng chế của người nộp đơn Việt Nam năm 2010-2020 theo chủ thể. 

Năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ đã tiếp nhận trên 125.000 đơn các loại (tăng 4,1% so với năm 2019), trong đó gần 77.000 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Cục đã xử lý được gần 114.000 đơn các loại, trong đó có gần 72.000 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2019).

Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp văn bằng bảo hộ cho 48.072 đối tượng sở hữu công nghiệp (tăng 18,1% so với năm 2019). Kết quả này thể hiện nỗ lực của Cục Sở hữu trí tuệ trong hoạt động xác lập quyền sở hữu trí tuệ, cơ bản đáp ứng nhu cầu bảo hộ tài sản trí tuệ của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp, góp phần bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh tại Việt Nam.

Gần đây, một số đơn vị, từ quy mô nhỏ như Phòng Thí nghiệm trọng điểm lọc hóa dầu (thuộc Tập đoàn hóa chất VINACHEM) cho tới các doanh nghiệp lớn như Viettel, Vin Group… đã có những bằng độc quyền sáng chế được bảo hộ ở Mỹ. Ở góc nhìn của người làm sở hữu trí tuệ, ông đánh giá gì về sự thay đổi này?

Thực tế là hiện nay việc đăng ký bảo hộ sáng chế ở nước ngoài của các chủ thể Việt Nam vẫn còn rất hạn chế với nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên có thể lấy Viettel làm ví dụ điển hình khi ngày 17/09/2019, Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) đã cấp văn bằng bảo hộ độc quyền sáng chế số US 10,417,064 B2 cho Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) với sáng chế “Method of randomly distributing data in distributed multi-core processor systems” số đơn 15/633,743. Trước sự kiện này, không chỉ cá nhân tôi mà những người làm trong lĩnh sở hữu trí tuệ đều thấy tự hào khi sản phẩm trí tuệ của Việt Nam, lại là sản phẩm về công nghệ viễn thông, một lĩnh vực dường như là độc quyền của các nước phát triển, được bảo hộ độc quyền ở nước ngoài. Cho đến nay, Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ đã công bố 29 đơn yêu cầu cấp bằng độc quyền sáng chế và bốn bằng độc quyền sáng chế của Viettel.

Việc nộp đơn đăng ký yêu cầu bảo hộ độc quyền đối với sáng chế tại nước ngoài là hướng đi đúng của các doanh nghiệp Việt trong quá trình tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Điều này cũng khẳng định sự tự tin của doanh nghiệp Việt khi tham gia vào thị trường khoa học công nghệ lớn nhất thế giới (thị trường Hoa Kỳ), với phương châm đi ra biển lớn để bắt “cá to”. Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, quyền sở hữu trí tuệ sẽ trở thành một trong những công cụ quyết định sức mạnh cạnh tranh của các tổ chức, doanh nghiệp.

Trong thập kỷ vừa qua, bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ không chỉ là nhiệm vụ được ngành KH&CN quan tâm mà còn là một trong các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được quy định, lồng ghép trong nhiều văn bản, Chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm nói riêng, như: Đề án phát triển thương hiệu gạo của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 706/QĐ-TTg ngày 21/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ), Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 (Quyết định số 2441/QĐ-TTg ngày 31/12/2010), Chương trình phát triển công nghệ cao đến năm 2020 (Quyết định số 2457/QĐ- TTg ngày 31/12/2010) và Chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2020 (Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 01/8/2014), Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 (Quyết định 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018) và rất nhiều các văn bản ban hành các nhiệm vụ, giải pháp triển kinh tế - xã hội của Chính phủ và các địa phương trên cả nước.

Giai đoạn tới, Cục sở hữu trí tuệ có những chính sách và chương trình nào nhằm thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ /sở hữu công nghiệp phát triển hơn nữa?

Song song các chương trình đang thực hiện, năm thứ hai triển khai Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu là “Số lượng đơn đăng ký sáng chế và văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16 - 18%/năm”. Vì vậy, một trong những mũi nhọn Cục ưu tiên thực hiện là nâng cao năng lực về sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo cho các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp. Đây là một trong những cái nôi để gia tăng về số lượng đơn và bằng độc quyền sáng chế “Made in Viet Nam”. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng cần phải tăng cường, phát triển tài sản trí tuệ.

Trong thời gian tới Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tập trung triển khai thực hiện Quyết định số 2205 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển Tài sản trí tuệ đến năm 2030 (Chương trình) với quan điểm đổi mới căn bản cách tiếp cận so với giai đoạn 2011-2020 nhằm góp phần đưa sở hữu trí tuệ thực sự trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Mục tiêu của Chương trình trong giai đoạn 2021-2030 là lớn hơn, nhiều nội dung mới hơn so với giai đoạn trước, bảo đảm hỗ trợ đầy đủ các nội dung từ hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho đến các nhiệm vụ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quản lý, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ và tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ; thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khuyến khích các doanh nghiệp chủ động đặt hàng, liên kết, hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học để khai thác, phát triển tài sản trí tuệ, rút ngắn quá trình ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh, phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 3293

Về trang trước Về đầu trang