Tin KHCN trong nước
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt: Cần kết nối các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước (19/03/2021)
-   +   A-   A+   In  

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đánh giá việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành khoa học công nghệ trong năm 2021 sẽ tạo tiền đề và khích lệ mạnh mẽ cho các năm tiếp theo.

Trong giai đoạn mới, tầm quan trọng của hoạt động đổi mới sáng tạo đối với phát triển ngày càng được các nhà hoạch định chính sách và các nhà lãnh đạo Việt Nam nhận thức sâu sắc. Do vậy, một loạt các chính sách liên quan đến khuyến khích, hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo được ban hành.

Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 - 2020 đã khẳng định, Việt Nam quyết tâm coi khoa học - công nghệ là nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước. Chính sách hỗ trợ cho các hoạt động khoa học - công nghệ được thể hiện rõ trong Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 và Nghị định số 87/2014/NĐ-CP, ngày 22-9-2014, của Chính phủ,“Quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam”, Quyết định số 844/2016/QĐ-TTg, ngày 18-5-2016, của Thủ tướng Chính phủ,“Về việc phê duyệt đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2020”.

DOI MOI SANG TAO

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt: Cần kết nối các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước

Thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tập trung ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ mới, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ...

Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, công tác bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở nước ta được tăng cường; hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ngày càng tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế. Cơ sở dữ liệu về công nghệ và chuyên gia được hình thành; hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển khá. Hiện đã có hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp, gần 70 khu không gian làm việc chung, hình thành nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm.

Những đóng góp về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Trong bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2020, Việt Nam xếp hạng 42/131 quốc gia/nền kinh tế, tăng 17 bậc so với năm 2016, giữ vị trí số một trong nhóm 29 quốc gia cùng mức thu nhập.

Hiện tại, Bộ Khoa học và Công nghệ đang tập trung hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ để trình Chính phủ, Quốc hội nhằm bảo hộ sở hữu trí tuệ, phát triển và khai thác tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, triển khai có hiệu quả Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030. Bên cạnh đó, Bộ nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, nhất là cơ chế quản lý, phương thức đầu tư và cơ chế tài chính để phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng sẽ tập trung nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ, tập trung triển khai các hướng nghiên cứu, phát triển công nghệ mới, nhất là các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bộ thực thi có hiệu quả chính sách đào tạo, thu hút và trọng dụng cán bộ khoa học và công nghệ từ các nguồn sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học uy tín ở nước ngoài. Đồng thời, Bộ thực hiện tái cơ cấu và tổ chức triển khai các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia giai đoạn mới theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, hướng tới các chuẩn mực phù hợp với thông lệ quốc tế, phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia và tăng cường sự gắn kết, hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp để đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong sản xuất, kinh doanh; Kết nối các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước, phát huy vai trò của hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, gắn kết với các địa phương thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội các địa phương.

Đặc biệt, Bộ chú trọng thúc đẩy các giải pháp nhằm tăng cường xã hội hóa đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là từ doanh nghiệp. Bộ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp về kinh tế, thương mại, đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh để kích cầu công nghệ và nhu cầu đổi mới sáng tạo từ khu vực doanh nghiệp, phát huy Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia và quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để hỗ trợ đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp.

Nguồn: sohuutritue.net.vn

Số lượt đọc: 2603

Về trang trước Về đầu trang

EMC Đã kết nối EMC