Tin KHCN trong nước
Nâng cao hiệu năng mạng vô tuyến chuyển tiếp sử dụng các giao thức truyền đa chặng cộng tác dưới sự tác động của giao thoa đồng kênh và suy giảm phần cứng (19/09/2023)
-   +   A-   A+   In  
Trong các mạng truyền thông vô tuyến thế hệ mới, tái sử dụng tần số là một kỹ thuật được sử dụng để nâng cao tốc độ dữ liệu và hiệu quả sử dụng phổ tần. Tuy nhiên, khi các băng tần được sử dụng lại, các thiết bị thu chịu ảnh hưởng của giao thoa đồng kênh. Mặt khác, đối với các thiết bị vô tuyến nhỏ gọn, rẻ tiền như các nút cảm biến, phần cứng của chúng bị suy hao bởi nhiễu gây ra từ sự không cân bằng I/Q, nhiễu pha và sự không tuyến tính trong các bộ khuếch đại. Việc đánh giá sự tác động đồng thời của nhiễu đồng kênh và suy giảm phần cứng lên hiệu năng hệ thống là rất cần thiết.

Cho đến nay, hầu hết các công bố đều xem xét các mô hình chuyển tiếp đa chặng đơn giản, trong đó dữ liệu nguồn được gửi theo từng chặng đến đích. Tuy nhiên, hiệu năng của các mô hình này bị suy giảm nghiêm trọng đặc biệt dưới sự ảnh hưởng của fading kênh truyền và nhiễu đồng kênh. Xuất phát từ những lý do trên, TS. Trần Trung Duy, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cơ sở tại Tp. Hồ Chí Minh đã thực hiện đề tài: “Nâng cao hiệu năng mạng vô tuyến chuyển tiếp sử dụng các giao thức truyền đa chặng cộng tác dưới sự tác động của giao thoa đồng kênh và suy giảm phần cứng” trong thời gian từ năm 2018 đến năm 2020.

Mục tiêu của đề tài là nghiên cứu và đề xuất các mô hình chuyển tiếp đa chặng cộng tác trong các mạng thông tin vô tuyến khác nhau nhằm bù đắp sự tác động đồng thời của giao thoa đồng kênh và khiếm khuyết phần cứng.

Nhóm nghiên cứu đã đề xuất nhiều mô hình chuyển tiếp đa chặng cộng tác hiệu quả nhằm nâng cao hiệu năng cho các mạng thông tin vô tuyến thông thường, mạng vô tuyến nhận thức, mạng thu thập năng lượng sóng vô tuyến, mạng bảo mật lớp vật lý. Bên cạnh đó, đề tài cũng đã đánh giá được sự tác động chung của suy hao phần cứng và giao thoa đồng kênh lên hiệu năng của các mạng vô tuyến đã đề xuất. Ngoài ra, các tác giả còn xây dựng nên các công thức toán học để đánh giá hiệu năng của mạng. Các biểu thức toán học hầu như được biểu diễn dưới dạng tường minh (closed-form), giúp các nhà thiết kế và quy hoạch mạng có thể sử dụng để tối ưu các mạng liên quan.

Các kết quả đạt được có ý nghĩa thực tiễn trong việc đánh giá các hiệu năng hệ thống sát với thực tế hơn bởi vì sự không hoàn hảo của phần cứng và nhiễu đồng kênh thường xuất hiện trong các mạng thông tin vô tuyến, đặc biệt ở các thiết bị đơn giản như các nút cảm biến

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18798/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn: NASATI

Số lượt đọc: 5384

Về trang trước Về đầu trang