Tin KHCN trong nước
Tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nhờ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (18/01/2021)
-   +   A-   A+   In  
Vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở nên quan trọng hơn bao giờ hết để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Việt Nam đang chứng kiến sự thay đổi chưa từng có “tiền lệ” trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cùng với đó, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã đặt tất cả các quốc gia trước thách thức phải luôn đổi mới các phương thức quản trị và hệ thống điều hành để thích ứng với trạng thái bình thường mới. Trong bối cảnh đó, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở nên quan trọng hơn bao giờ hết để tăng năng suất, chất lượng.

Thúc đẩy tăng năng suất, chất lượng

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra mạnh mẽ cũng như ảnh hưởng của dịch COVID-19, vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở nên quan trọng hơn bao giờ hết để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, cũng như tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế, đồng thời, góp phần giúp Chính phủ thực hiện mục tiêu kép, vừa đảm bảo phòng chống dịch vừa nhanh chóng phục hồi kinh tế.

Báo cáo tại hội nghị “Thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và Tổ chức Năng suất châu Á (APO) trong lĩnh vực năng suất” nêu rõ tầm nhìn và chiến lược mới đến năm 2025 của APO xác định mục tiêu thúc đẩy quá trình thúc đẩy năng suất toàn diện, dựa trên động lực đổi mới, sáng tạo trong toàn khu vực ASEAN, đồng thời nhấn mạnh cam kết hỗ trợ các quốc gia thành viên ứng phó với tác động kinh tế do dịch COVID-19 hướng tới phục hồi bền vững thông qua các giải pháp tăng năng suất, chất lượng.

Tổ chức Năng suất châu Á gồm 21 nền kinh tế thành viên và là tổ chức duy nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương có nhiều hoạt động triển khai tại các nền kinh tế thành viên nhằm nâng cao năng suất, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của khu vực. Hiện nay, 8 trong tổng số 10 quốc gia ASEAN đã là thành viên APO trừ Myanmar và Brunei. Các quốc gia thành viên APO trong ASEAN cùng thống nhất lộ trình, ý tưởng cũng như các xu thế phát triển của thế giới và khu vực như: Chuyển đổi số, sản xuất thông minh và thúc đẩy năng suất dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm góp phần vào xây dựng, thực hiện chiến lược, chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

Mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Hà Nam Hightech ứng dụng hệ thống công nghệ nhà màng, điều khiển lưu lượng tưới, dinh dưỡng qua smartphone. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết: Để thúc đẩy tăng năng suất, chất lượng cần chú trọng đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hợp tác về năng suất trong khu vực ASEAN để mang lại hiệu quả, giúp các nền kinh tế thành viên trong đó có Việt Nam trở nên năng suất hơn. Tại Việt Nam, đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ tăng cường năng suất và công nghệ giúp kết nối vào mạng lưới sản xuất của các công ty đa quốc gia trong khu vực ASEAN và chuỗi cung ứng toàn cầu. Khoa học và công nghệ hỗ trợ sản xuất thông minh, sáng tạo để nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển dựa trên nền tảng sản xuất thông minh và công nghệ mới.

Phát triển dựa trên nền tảng sản xuất thông minh và công nghệ mới

Theo Phó Tổng Thư ký ASEAN Robert Matheus Michael Tene, thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và APO trong lĩnh vực sản xuất thông minh và triển khai các sáng kiến ASEAN về sản xuất thông minh sẽ giúp các quốc gia thành viên tăng cường năng lực ứng phó với các cơ hội và thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và phục hồi kinh tế nhanh trong giai đoạn hậu COVID-19

Ông Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), Chủ tịch APO nhiệm kỳ 2020-2021 cho biết: Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch APO năm 2020 trong bối cảnh hết sức quan trọng vì năm 2021, APO sẽ thông qua tầm nhìn và chiến lược mới, thực hiện nhiều cải cách quan trọng về cơ cấu tổ chức, nhân sự, chính sách để phù hợp với tình hình mới và đặc biệt là để khắc phục các tác động do dịch COVID-19 gây ra. Để chuẩn bị cho việc này, Việt Nam đã tích cực tham gia các chương trình, dự án liên quan của APO như tham gia Ban chỉ đạo và nhóm chuyên gia kỹ thuật xây dựng tầm nhìn và chiến lược mới đến năm 2025 của APO, chương trình xây dựng quy trình chuẩn trong công nhận và chứng nhận đối với lĩnh vực năng suất của APO, nghiên cứu đánh giá thực trạng và nhu cầu về sản xuất thông minh cho các nền kinh tế thành viên, nghiên cứu xây dựng sách dữ liệu về năng suất, nghiên cứu về chuyển đổi nông nghiệp thông minh... Đồng thời, Việt Nam triển khai nhiều hoạt động hợp tác với các nền kinh tế thành viên trong các lĩnh vực liên quan như sản xuất thông minh, chuẩn đối sánh, truy suất nguồn gốc, mô hình hoàn hảo...

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhất mạnh: Lợi thế cạnh tranh sẵn có của ASEAN cần được bổ sung thêm các giá trị của khoa học và công nghệ tiên tiến, năng lực chuyển đổi số và nguồn nhân lực chất lượng cao. Sáng kiến hợp tác giữa ASEAN và APO về năng suất cho phép các quốc gia thành viên, các quốc gia trong APO khai thác các cơ hội mới, lĩnh vực và phương thức hợp tác mới với các chương trình, dự án để mang lại hiệu quả và tác động lớn nhằm giúp các nền kinh tế thành viên trở nên năng suất hơn, cạnh tranh hơn và có khả năng chống chịu tốt hơn trước các thách thức và biến động khó lường của thế giới.

Lực lượng khoa học và công nghệ phải được trang bị đủ năng lực, tiềm lực để đón đầu các xu hướng mới, công nghệ mới, giải quyết được các thách thức đặt ra trong thực tiễn, hỗ trợ doanh nghiệp và các bên liên quan trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trụ vững, phát triển dựa trên các nền tảng sản xuất thông minh và công nghệ mới.

Nguồn: TTXVN

Số lượt đọc: 3420

Về trang trước Về đầu trang