Tin KHCN trong nước
Nhiều thành tựu khoa học và công nghệ đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế quốc gia (06/01/2021)
-   +   A-   A+   In  
Trong năm 2020, ngành khoa học và công nghệ đã tiếp tục có những đóng góp tích cực phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của quốc gia.

Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định cho biết, trong năm 2020, Bộ KH&CN tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp với mục tiêu đưa khoa học và công nghệ (KH&CN) và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của quốc gia. Bộ đã hoàn thành toàn bộ Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo phân công.

Hệ thống pháp luật tiếp tục được hoàn thiện, tư duy quản lý KH&CN đổi mới mạnh mẽ theo hướng phục vụ trực tiếp tăng trưởng kinh tế, phù hợp tình hình phát triển của đất nước và các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Những đổi mới tích cực nhất tập trung vào hoàn thiện đầu tư và cơ chế tài chính, huy động nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước cho KH&CN.

Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp; hoàn thiện chính sách thu hút, sử dụng, trọng dụng cán bộ, đặc biệt là nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài ở Việt Nam; cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; kết nối cung - cầu công nghệ, phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN; nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của KHCN và đổi mới sáng tạo.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cùng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì Hội nghị. Ảnh: Hán Hiển 

Cùng với đó, đã tập trung hướng dẫn triển khai cơ chế tự chủ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện, sắp xếp lại các tổ chức KH&CN; hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nhân lực KH&CN. Nhiều dự án đầu tư lớn được triển khai tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Số vốn đăng ký và giá trị sản xuất của 03 khu công nghệ cao quốc gia đều tăng.

Các nhiệm vụ KH&CN đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết của địa phương. Nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, khôi phục sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ đã phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc với Sở KH&CN, hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa 63 tỉnh, thành phố.

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngày càng phát triển. Năm 2020, Bộ KH&CN phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức thành công Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia 2020 với trên 6.500 lượt người tham dự trực tiếp, trên 50.000 lượt tham gia trực tuyến; thu hút sự tham gia của hơn 150 nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong và ngoài nước với mức đầu tư 14 triệu đô la Mỹ. Cùng với đó, tổ chức Ngày hội khởi nghiệp quốc gia theo vùng, tỉnh và lĩnh vực.

Thực hiện nhiệm vụ đầu mối theo dõi Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), năm 2020, Việt Nam tiếp tục giữ vững thứ hạng 42/131 quốc gia, vùng lãnh thổ về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu và tiếp tục được xem là hình mẫu của các nước đang phát triển khác trong việc thiết lập đổi mới sáng tạo như một ưu tiên quốc gia.

Triển khai Nghị quyết số 50 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 52 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhiều hoạt động đã được triển khai như xét duyệt các nhiệm vụ thuộc Chương trình hỗ trợ các tổ chức nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tổ chức Ngày hội trí tuệ nhân tạo AI4VN2020; chuỗi sự kiện 3 tọa đàm online giúp doanh nghiệp ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sản xuất, kinh doanh.

Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) thường xuyên được rà soát, sửa đổi, bổ sung, cập nhật cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn và mức độ hài hòa với tiêu chuẩn hóa quốc tế (đến nay đã có 12.800 TCVN, tỷ lệ hài hòa trên 60%). Trong năm vừa qua, Bộ đã thẩm định và công bố 895 TCVN do các bộ, ngành xây dựng.

Đã xử lý 68.971 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 8,3% so với năm 2019). Cấp văn bằng bảo hộ cho 47.168 đối tượng sở hữu công nghiệp (tăng 15,6% so với năm 2019).

Công tác bảo đảm an toàn bức xạ và hạt nhân; đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình tập trung vào việc đảm bảo nguồn cung đồng vị phóng xạ, dược chất phóng xạ cho các cơ sở y tế; trình Thủ tướng Chính phủ hồ sơ nhiệm vụ lập Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hoạt động hợp tác quốc tế được triển khai có hiệu quả trong bối cảnh đại dịch Covid-19 thông qua các hình thức họp trực tuyến và làm việc từ xa. Đặc biệt, trong năm Việt Nam đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN 2020, Bộ đã tích cực thúc đẩy hoạt động hợp tác về KHCN và đổi mới sáng tạo, chủ động triển khai các hoạt động trong danh mục sự kiện ASEAN 2020.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách hành chính được triển khai mạnh mẽ, đảm bảo cung cấp thông tin về thủ tục, dịch vụ công kịp thời, chính xác, thuận lợi cho doanh nghiệp. Hoạt động thông tin, thống kê và truyền thông được đẩy mạnh. Cập nhật, vận hành hiệu quả Hệ thống thông tin KH&CN, cơ sở dữ liệu quốc gia. Tổ chức truyền thông trên 100 sự kiện, hoạt động với gần 2.000 tin, bài, hàng trăm clip, phóng sự.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định báo cáo kết quả hoạt động ngành KH&CN trong năm 2020. Ảnh: Hán Hiển

Bộ KH&CN chủ động phối hợp với các Bộ, ngành triển khai nhiệm vụ trọng tâm, phục vụ mục tiêu phát triển của các ngành, lĩnh vực và phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Lãnh đạo Đảng, Chính phủ và các Bộ, ngành địa phương đã ghi nhận sự đóng góp ngày càng cụ thể, thiết thực của toàn ngành KH&CN; góp phần nâng cao giá trị cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và góp phần nâng cao vị thế quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Xuân Định, đối với lĩnh vực khoa học xã hội, nhân văn, KH&CN đã đóng góp hiệu quả phục vụ điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ trực tiếp việc chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, KH&CN đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Các Chương trình sản phẩm quốc gia, Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen,... được triển khai hiệu quả, góp phần duy trì xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực trong đại dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trang trại tiên tiến đã và đang làm chủ được quy trình công nghệ, giảm giá thành sản phẩm, nhân rộng các quy trình công nghệ chuyển giao cho người sản xuất ở tất cả các lĩnh vực trên các đối tượng cây con chủ lực, tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả kinh tế từ 15-30%, thúc đẩy sản xuất sản phẩm ở quy mô công nghiệp.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Hán Hiển 

Trong lĩnh vực công nghiệp, đã chế tạo thành công nhiều thiết bị, dây chuyền sản xuất, chủng loại vật liệu mới phục vụ phát triển ngành cơ khí chế tạo, năng lượng, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp,… 

Đối với lĩnh vực y dược, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Bộ KH&CN đã huy động các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp triển khai các nhiệm vụ cấp bách với nhiều kết quả quan trọng như: phân lập, nuôi cấy thành công vi rút; làm chủ công nghệ sản xuất bộ KIT phát hiện SARS-CoV-2 đạt tiêu chuẩn quốc tế; sản xuất vắc xin phòng Covid-19 bằng công nghệ protein tái tổ hợp và thuốc kháng thể đơn dòng điều trị đặc hiệu Covid-19, trong đó vắc xin Nanocovax đang thử nghiệm lâm sàng trên người tình nguyện; tổng hợp trên 1.700 công bố khoa học quốc tế về dịch bệnh; phát huy đề án Hệ tri thức việt số hóa trong truy vết người tiếp xúc; nghiên cứu chế tạo, thử nghiệm thành công Robot vận chuyển, Robot khử khuẩn sàn nhà trong khu cách ly.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu thành công quy trình ghép chi thể từ người cho chết não, ghép ruột từ người cho sống, phẫu thuật tách cặp trẻ bị dính liền cơ thể...

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 3472

Về trang trước Về đầu trang