Tham gia Hội đồng tuyển chọn có Phó Giám đốc Sở KH&CN ông Trần Duy Tâm Thanh là Chủ tịch Hội đồng cùng với các thành viên Hội đồng là đại diện của Hội Khoa học và Kỹ thuật Thủy lợi TP Hồ Chí Minh; Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam; Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam; Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh,…
Hồ sơ tham gia tuyển chọn lần này có 03 hồ sơ là: Viện Môi trường và Tài nguyên; Viện Thủy lợi và Môi trường; Viện Môi trường Nông nghiệp.
Đề tài với mục tiêu xác định nguyên nhân, đánh giá mức độ nhiễm mặn; đề xuất một số giải pháp hạn chế, khắc phục. Với các nội dung chính là: thu thập, điều tra khảo sát bổ sung dữ liệu cần thiết để đánh giá hiện trạng, mức độ nhiễm mặn tại khu vực cánh đồng Bưng theo diễn biến lịch sử và không gian, thời gian; xác định các nguyên nhân, cơ chế gây nhiễm mặn và tìm ra nguyên nhân chính; thí điểm và ứng dụng công nghệ thông tin trong quan trắc và cảnh báo nhiễm mặn; đề xuất các giải pháp về kinh tế, xã hội, kỹ thuật nhằm hạn chế, khắc phục hiện tượng nhiễm mặn tại khu vực cánh đồng Bưng.
Được biết, hiện tượng nhiễm mặn tại cánh đồng Bưng đã xuất hiện hơn 6 năm nay, khiến cho 10 ha đất nông nghiệp không thể canh tác được nữa, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân trong khu vực. Tuy nhiên cho đến nay, vẫn chưa có một nghiên cứu chính thức nào xác định rõ nguyên nhân gây nên tình trạng đất nhiễm mặn khu vực cánh đồng Bưng, cũng như đưa ra những giải pháp khắc phục tình trạng này. Dựa trên những nghiên cứu trong và ngoài nước đã thực hiện, có thể thấy chưa có nhiều nghiên cứu về đất nhiễm mặn cho một vùng nhỏ, đặc thù như cánh đồng Bưng. Như vậy, một nghiên cứu toàn diện về tình trạng nhiễm mặn tại cánh đồng Bưng cần được gấp rút thực hiện kèm theo những giải pháp hạn chế tác động của đất nhiễm mặn cho khu vực này. Bên cạnh đó, ứng dụng của những giải pháp công nghệ cần được ưu tiên nghiên cứu và sử dụng, nhằm tăng hiệu quả, tính mới, tính sáng tạo cho đề tài này. Đề tài khi được thực hiện sẽ cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết cho người dân và chính quyền địa phương, cũng như đề ra các giải pháp hạn chế tác động ở khu vực cánh đồng Bưng, đồng thời đưa ra các khuyến nghị cho các khu vực tương tự.
Sau khi các Chủ nhiệm đề tài trình bày thuyết minh và kế hoạch thực hiện, các thành viên Hội đồng đã đặt câu hỏi, phản biện và đưa ra những góp ý đối với các hồ sơ.
Trên cơ sở các ý kiến nhận xét về mặt tổng quan, nội dung, phương pháp, kinh phí, thời gian thực hiện của ba hồ sơ, các thành viên Hội đồng đã bỏ phiếu đánh giá kết quả hồ sơ của Viện Thủy lợi và Môi trường, do TS. Võ Công Hoang đăng ký làm chủ nhiệm, được đề nghị trúng tuyển. Tuy nhiên cần bổ sung hoàn thiện đề tài theo góp ý của Hội đồng trước khi triển khai./.