Rừng quốc gia Côn Đảo chủ yếu là rừng tự nhiên với hệ sinh thái đa dạng sinh học và rất phong phú trong đó có nhiều loài đặc hữu quý hiếm chỉ có phân bố tại vườn quốc gia Côn Đảo. Rừng Côn Đảo còn có vai trò quan trọng trong phòng hộ, bảo vệ môi trường, môi sinh như tham gia vào quá trình điều hoà khí hậu, duy trì điều tiết nguồn nước ngọt phục vụ nhu cầu đời sống và phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Vì vậy bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái rừng, sự đa dạng sinh học và các loài thực vật bản địa là rất cần thiết. Góp phần để VQG Côn Đảo trở thành một trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học có tầm quan trọng của quốc gia. Theo đó sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học và các dịch vụ môi trường rừng để phát triển cây trồng có nguồn gốc từ rừng tự nhiên để tăng độ che phủ bằng các loài cây bản địa tự nhiên của VQG Côn Đảo.
Cây Găng Néo là cây bản địa của vùng, cây sinh trưởng và phát triển được trên lập địa khô hạn, nghèo kiệt. Đây là loại cây có biên độ sinh thái đặc trưng của vùng đất cát ven biển, có khả năng tái sinh hạt trong rừng tự nhiên rất thích hợp trồng trên những vùng đất rừng thoái hoá tại Côn Đảo. Thêm một loài cây mới cho trồng rừng là quan trọng và thiết thực.
Việc triển khai thực hiện chương trình nghiên cứu bảo tồn loài cây Găng Néo tại VQG Côn Đảo là hết sức cần thiết, có vai trò quan trọng trong hiện tại và tương lai làm cơ sở phục hồi hệ sinh thái rừng bản địa, tăng cường đa dạng thực vật, góp phần cải thiện môi trường sinh thái ven biển. Vì vậy hội đồng đánh giá dự án đạt yêu cầu triển khai thực hiện.