Tin KHCN trong nước
Tổ chức 498 cuộc thanh tra chuyên ngành về an toàn bức xạ và hạt nhân (18/09/2020)
-   +   A-   A+   In  
Ủy ban Pháp luật Quốc hội vừa vừa có buổi làm việc với Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ KH&CN) để khảo sát tình hình thực hiện thanh tra chuyên ngành về an toàn bức xạ và hạt nhân

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho hay, cùng với sự phát triển ngày càng tăng và lợi ích to lớn mà ứng dụng bức xạ mang lại trong các lĩnh vực của đời sống xã hội như công nghiệp, nông nghiệp, y tế, xuất nhập khẩu,… còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, an ninh, có thể gây tác động tiêu cực đối với con người và môi trường.

Trong những năm qua, công tác thanh tra chuyên ngành về an toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN) đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an toàn bức xạ, an ninh hạt nhân, giúp Cục thực hiện hiệu quả chức năng quản lý nhà nước về ATBXHN. Thứ trưởng Phạm Công Tạc nhấn mạnh, đoàn khảo sát lần này là cơ hội tốt để đánh giá tình hình thực hiện thanh tra chuyên ngành ATBX trong thời gian qua, nêu ra những bất cập cũng như khó khăn, vướng mắc và các đề xuất, kiến nghị nhằm tăng cường hơn nữa công tác này.

Báo cáo về công tác thanh tra chuyên ngành, ông Phạm Xuân Linh, Phó Chánh Thanh tra phụ trách Thanh tra Cục ATBXHN đã báo cáo về cơ cấu tổ chức, biên chế, sơ lược quá trình hình thành và phát triển của Thanh tra Cục, cơ sở pháp lý của việc thành lập, tổ chức Thanh tra Cục, trong đó nhấn mạnh đến các yêu cầu của Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Thanh tra, Luật xử phạt vi phạm hành chính cũng như các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các yêu cầu của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và kinh nghiệm của các nước về tổ chức thanh tra trong cơ quan pháp quy.

Theo thống kê tính đến tháng 6/2020, trong cả nước có hơn 1500 cơ sở ứng dụng bức xạ với tổng số khoảng 6400 nguồn phóng xạ (trong đó gần 3400 nguồn đang được sử dụng và 3000 nguồn đã qua sử dụng đang được lưu giữ). Ngoài ra còn có hơn 4300 cơ sở sử dụng gần 9000 thiết bị X quang chẩn đoán y tế; 07 cơ sở chiếu xạ công nghiệp sử dụng các nguồn Co-60 với hoạt độ phóng xạ lớn (cỡ hàng trăm kCi) và các máy gia tốc điện tử; 39 cơ sở xạ trị (sử dụng máy gia tốc và thiết bị xạ trị với nguồn phóng xạ Co-60), y học hạt nhân, chiếu xạ máu; 01 lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu công suất danh định 500kW được sử dụng cho mục đích nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bức xạ, đào tạo; phân tích kích hoạt nơtron và sản xuất đồng vị phóng xạ; 06 cơ sở sử dụng máy gia tốc Cyclotron để sản xuất thuốc phóng xạ.

Hàng năm, hoạt động sản xuất thuốc phóng xạ trong nước cung cấp cho các cơ sở y tế dùng để điều trị bệnh nhân ung thư với tổng số lượng hoạt độ phóng xạ lên đến 10.000 Ci và hiện mới chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu sử dụng. Công tác thanh tra chuyên ngành về ATBXHN đóng vai trò rất quan trọng trong bảo đảm an toàn bức xạ, an ninh hạt nhân, là một trong ba trụ cột của công tác quản lý nhà nước của Cục ATBXHN (cùng với cấp phép công việc bức xạ và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật).

Quang cảnh buổi làm việc 

Đánh giá về những kết quả đạt được, hàng năm, Thanh tra Cục ATBXHN đã thực hiện trung bình khoảng 70 cuộc thanh tra chuyên ngành đối với các cơ sở tiến hành công việc bức xạ, cơ sở hạt nhân và cơ sở thực hiện hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử trên cả nước.

Tính từ ngày 01/01/2013 đến ngày 30/8/2020, Thanh tra Cục đã tiến hành tổng cộng 498 cuộc thanh tra chuyên ngành ATBXHN. Nội dung các hoạt động thanh tra trong thời gian qua đã đi vào tất cả các lĩnh vực ứng dụng bức xạ và hạt nhân với phạm vi rộng, chuyên sâu.

Trong đó có những loại hình chưa từng thực hiện: Thanh tra đối với dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận (các năm 2013, 2014, 2015), kết quả thanh tra đã chỉ ra các thiếu sót của chủ đầu tư và tư vấn nước ngoài, nêu kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền. Bên cạnh hoạt động thanh tra theo kế hoạch, Thanh tra Cục ATBXHN còn tiến hành nhiều cuộc thanh tra đột xuất để chấn chỉnh các cơ sở có dấu hiệu vi phạm pháp luật, xác định nguyên nhân, xử lý vi phạm phạm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra sự cố bức xạ cũng như phòng ngừa và ngăn chặn khả năng xảy ra cố bức xạ.

Đối với hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, theo quy định của Luật Thanh tra 2010, Thanh tra Cục ATBXHN chưa được quy định là cơ quan thanh tra, không phải là tổ chức thanh tra nhà nước; công chức thanh tra chuyên ngành chưa được hưởng phụ cấp ngành thanh tra, chế độ đào tạo, bồi dưỡng như các thanh tra viên; thanh tra chuyên ngành về ATBXHN là lĩnh vực đặc thù, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, an ninh, gây tác động có hại, lâu dài đối với con người và môi trường, do vậy, việc quy định áp dụng trình tự thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành như thanh tra hành chính là không phù hợp; nhân lực tại Thanh tra Cục ATBXHN rất mỏng (hiện chỉ có 04 công chức).

Theo đó, Cục ATBXHN đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét đưa Thanh tra Cục ATBXHN vào hệ thống cơ quan thanh tra nhà nước (cập nhật bổ sung vào Điều 4 Luật Thanh tra 2010) để tăng cường hiệu quả hoạt động thanh tra trong công tác quản lý nhà nước về ATBXHN; Công chức thanh tra chuyên ngành ATBXHN được hưởng các chế độ phụ cấp, chế độ đào tạo như thanh tra viên.

Điều chỉnh, bổ sung quy định pháp luật về thanh tra theo hướng có quy trình, trình tự, thủ tục riêng biệt cho hoạt động thanh tra chuyên ngành. Quy trình, thủ tục cần đơn giản, ngắn gọn và phù hợp với đặc thù của từng lĩnh vực thanh tra chuyên ngành; Có cơ chế, chính sách, ưu đãi nhằm tạo điều kiện cho việc mở rộng thành phần, thu hút chuyên gia có chuyên môn cao (không phải công chức, viên chức) tham gia công tác thanh tra chuyên ngành ATBXHN;

Bổ sung đầy đủ các hình thức thanh tra (thanh tra theo kế hoạch, ngoài kế hoạch; thanh tra theo chủ đề; thanh tra thường xuyên; thanh tra báo trước và thanh tra không báo trước) để phù hợp với thông lệ quốc tế và tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra; Tăng cường nguồn nhân lực cho Cục ATBXHN, biên chế công chức cho Thanh Cục ATBXHN.

Tại buổi làm việc, các đồng chí trong Đoàn khảo sát của Ủy ban Pháp luật Quốc hội đã có những ý kiến đóng góp về các vấn đề liên quan theo đề xuất, kiến nghị của Cục ATBXHN. Trên cơ sở đó, các đồng chí lãnh đạo Cục và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ có liên quan đã thực hiện giải trình một số nội dung theo yêu cầu của các thành viên Đoàn khảo sát.

Bà Trần Thị Dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội - Trưởng đoàn đánh giá, báo cáo của Cục ATBXHN được chuẩn bị kỹ lưỡng, đáp ứng tương đối đầy đủ các yêu cầu của Đoàn khảo sát. Bên cạnh đó, nội dung báo cáo cũng chỉ ra một số vấn đề bất cập hiện nay tại các văn bản dưới luật cũng như thực tiễn thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành, Đoàn Khảo sát đánh giá buổi làm việc rất hiệu quả, đạt được các mục tiêu đề ra.

Đồng thời Đoàn ghi nhận hoạt động thanh tra chuyên ngành ATBXHN có nhiều đặc thù, rất cần thiết và có vai trò quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ hạt nhân, số lượng nhân lực hiện nay của Thanh tra Cục rất hạn chế, cần được các cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung. Kết quả thu được qua buổi đánh giá về tình hình thực hiện thanh tra chuyên ngành một lĩnh vực đặc thù như an toàn bức xạ hạt nhân sẽ phục vụ cho phiên giải trình về sửa đổi Luật Thanh tra trong thời gian tới. Qua trao đổi, đề nghị Cục ATBXHN căn cứ thực tiễn hoạt động thanh tra chuyên ngành, tiếp tục hoàn thiện báo cáo và gửi Đoàn khảo sát.

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 3135

Về trang trước Về đầu trang