Tin KHCN trong tỉnh
Nâng tầm giá trị nông sản từ truy xuất nguồn gốc (03/08/2020)
-   +   A-   A+   In  
Truy xuất nguồn gốc hàng hóa, nhất là mặt hàng nông sản có vai trò hết sức quan trọng đối với người sản xuất và các hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, HTX... Nông sản gắn tem truy xuất sẽ giúp minh bạch nguồn gốc sản phẩm bằng sự giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước.

KHÓ VÀO SIÊU THỊ

Từ nhiều năm qua, ông Bùi Văn Thanh, ấp An Hòa, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ luôn trăn trở khi phần lớn đầu ra cho các sản phẩm vẫn trông chờ vào thương lái, giá cả bấp bênh, không xuất khẩu được, cũng chưa tiếp cận để vào các siêu thị trong tỉnh. 

Ông Thanh hiện đang trồng khoảng 4.000m2 nhãn xuồng cơm vàng, trung bình mỗi vụ cho thu hoạch 20 tấn. Cách đây 5 năm, với mong muốn tạo ra sản phẩm nhãn xuồng cơm vàng an toàn, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng, ông Thanh chuyển sang trồng nhãn theo hướng hữu cơ. Tuy nhiên, dù sản xuất theo quy trình sạch, an toàn, nhưng giá bán vẫn bằng với sản phẩm canh tác theo phương thức truyền thống. Theo ông Thanh, nguyên nhân chính là do chưa có truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Bên cạnh đó, do chưa có sự liên kết giữa các nông dân nên chưa tạo ra vùng sản xuất lớn, quy mô để cùng hợp tác xây dựng thương hiệu. Bản thân cá nhân ông dù muốn cũng không thể tự mình làm được vì diện tích nhỏ lẻ, manh mún. Mặt khác, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào thời tiết, nông sản mang tính thời vụ nên việc dán tem truy xuất nguồn gốc cũng khó thực hiện.

Sản phẩm rau sạch của HTX rau an toàn Thắng Lợi vẫn loay hoay tìm đường vào siêu thị.
Sản phẩm rau sạch của HTX rau an toàn Thắng Lợi vẫn loay hoay tìm đường vào siêu thị.

Thế nhưng, không chỉ sản xuất đơn lẻ mà ngay cả quy mô lớn như HTX cũng chưa thực hiện được việc truy xuất nguồn gốc. HTX rau an toàn Thắng Lợi (xã Phước Hưng, huyện Long Điền) với 48 thành viên canh tác trên 7,8ha là một ví dụ. Thành lập hơn 14 năm nay, trung bình mỗi ngày HTX này cung cấp ra thị trường hơn 1 tấn rau các loại, được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN-PTNT) cấp giấy chứng nhận là cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất rau quả. Tuy nhiên do chưa có thương hiệu, tem truy xuất nguồn gốc nên sản phẩm rau vẫn bán chủ yếu cho thương lái và các chợ truyền thống. Ông Nguyễn Văn Vinh, Phó Giám đốc HTX rau an toàn Thắng Lợi cho biết: “Ban giám đốc HTX đã đưa sản phẩm rau đi “chào hàng” tại các siêu thị, bếp ăn công nghiệp với mong muốn tạo đầu ra lâu dài, bền vững cho sản phẩm. Tuy nhiên, các siêu thị yêu cầu sản phẩm phải có thương hiệu, dán tem truy xuất nguồn gốc, điều này thì HTX chưa làm được”.

TRIỂN KHAI HỆ THỐNG TRUY XUẤT NGUỒN GỐC

Trên địa bàn tỉnh, hiện đã có một số loại trái cây như chuối, thanh long… được các DN, HTX và nông dân xây dựng quy trình canh tác sạch đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và có truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, số lượng sản phẩm thực hiện truy xuất nguồn gốc chưa nhiều. Do đó, từ năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Triển khai, áp dụng, quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” với mục đích tạo sự liên kết chặt chẽ trong từng khâu sản xuất, kiểm soát được chất lượng sản phẩm; tạo lòng tin của người tiêu dùng, hình thành thói quen tiêu dùng thực phẩm an toàn có địa chỉ. Đồng thời, đây còn là giải pháp giúp nâng cao nhận thức nhằm thay đổi hành vi của người sản xuất theo hướng minh bạch thông tin sản phẩm.

Ông Trịnh Đức Toàn, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Quản lý nông lâm thủy sản (Sở NN-PTNT) cho biết: Hiểu đơn giản truy xuất nguồn gốc là thao tác nông dân thể hiện công khai, minh bạch về quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản của mình với người tiêu dùng. Hiện nay, có 2 hình thức truy xuất nguồn gốc điện tử được áp dụng chủ yếu là công nghệ blockchain và quét mã QR. Thông qua các ứng dụng công nghệ này, người tiêu dùng có thể quét mã bằng điện thoại thông minh. Chỉ cần một thao tác quét mã đơn giản, người tiêu dùng sẽ được cung cấp thông tin chi tiết cho mặt hàng mình mua. Đối với người sản xuất, khi áp dụng các ứng dụng truy xuất nguồn gốc điện tử có thể cập nhật hồ sơ về sản phẩm rõ ràng, nhanh chóng, không mất nhiều thời gian cho việc ghi chép và lưu trữ nhật ký sản xuất như cách ghi chép truyền thống. Đối với người tiêu dùng có thể dễ dàng truy cập thông tin hồ sơ của sản phẩm thông qua thao tác quét mã. Bộ thông tin được cập nhật trên hồ sơ điện tử sẽ rất khó bị làm giả và sửa đổi. Đây và chìa khóa giúp người sản xuất tạo dựng được niềm tin vững chắc hơn cho người tiêu dùng.

Theo kế hoạch, năm 2020, các ngành chức năng sẽ triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với một số nhóm sản phẩm, hàng hóa theo yêu cầu quản lý nhà nước của các Bộ, cơ quan liên quan và nhu cầu của DN. Đến năm 2025, phấn đấu tối thiểu 20% DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sử dụng mã số, mã vạch trên địa bàn tỉnh có hệ thống truy xuất nguồn gốc; đồng thời triển khai, áp dụng các văn bản pháp luật quy định quản lý, xử lý vi phạm về truy xuất nguồn gốc và thực hiện kết nối cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia.

Ông Trịnh Đức Toàn thông tin thêm, để triển khai đề án, trong năm 2020, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến về các hoạt động truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, phối hợp cùng Trung tâm DN Hội nhập và Phát triển tổ chức tập huấn về công nghệ và các hình thức truy xuất nguồn gốc sản phẩm hiện nay. Sau khi triển khai các bước về tuyên truyền, Chi cục sẽ tiến hành xây dựng thí điểm truy xuất nguồn gốc một số sản phẩm trên địa bàn tỉnh.

Để phát triển có chọn lọc, tỉnh đã xây dựng quy hoạch phát triển 4 loại đặc sản của tỉnh gồm: nhãn 1.200ha, mãng cầu ta 1.000ha, bưởi da xanh 500ha; thanh long 300ha. Các loại trái cây này sẽ được hỗ trợ để xây dựng thương hiệu và thực hiện đầy đủ các quy trình truy xuất nguồn gốc, từ đó nâng cao giá trị nông sản BR-VT không chỉ trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu.
 

 

Nguồn: baobariavungtau.com.vn

Số lượt đọc: 5592

Về trang trước Về đầu trang