Tin KHCN trong tỉnh
Trồng lúa sạch hữu cơ sinh học (08/09/2020)
-   +   A-   A+   In  

“Xây dựng cánh đồng lúa sạch, chất lượng, an toàn, thân thiện môi trường” là mô hình Dân vận khéo do Hội Nông dân xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc đăng ký thực hiện. Theo đó, 10 hộ dân đã tham gia mô hình sản xuất lúa hữu cơ sinh học với mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm, tăng lợi nhuận, bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân.

Anh Huỳnh Hữu Tình (ấp Bà Rịa, xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc) thăm ruộng lúa sạch của gia đình.

10 hộ dân ở ấp Bà Rịa, xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc có tổng diện tích đất canh tác 10ha đã xây dựng nên cánh đồng lúa sạch, chất lượng, an toàn và thân thiện môi trường. Đặc điểm của mô hình sản xuất nông nghiệp này là không sử dụng thuốc diệt cỏ; không phun thuốc trừ sâu và không sử dụng phân bón hóa học.

Anh Huỳnh Hữu Tình (ấp Bà Rịa), 1 trong 10 hộ dân cho hay, mảnh đất gia đình anh đang sinh sống nằm trong khu vực thung lũng dọc sông Ray, được phù sa bồi tụ nên có nhiều chất dinh dưỡng. Tận dụng lợi thế này, Hội Nông dân xã Phước Tân đã vận động gia đình anh cùng 9 hộ dân khác tham gia mô hình trồng lúa sạch, sản xuất lúa hữu cơ sinh học. “Thấy cái lợi của mô hình nên từ năm 2017 gia đình tôi đã tham gia thực hiện”. Theo anh Tình, gia đình anh có 2ha sản xuất lúa hữu cơ sinh học. Cùng với việc sử dụng chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh, thời gian cách ly 1 tháng sau khi phun mới thu hoạch lúa, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.

Hiện nay, mỗi năm gia đình anh Tình trồng 2 vụ lúa. Với 2ha, gia đình anh thu hoạch từ 4,5 - 5 tấn/vụ hè thu; vụ Đông Xuân năng suất cao hơn, đạt 6 tấn. Sản phẩm sau thu hoạch được thương lái đến thu mua nhanh chóng và được người tiêu dùng ưa chuộng. Sau khi trừ chi phí, mỗi vụ, gia đình anh thu lãi khoảng 26 triệu đồng.

Anh Vũ Văn Quang (ấp Bà Rịa) có 1ha trồng lúa hữu cơ sinh học cũng cho hay, canh tác theo mô hình này được nhiều cái lợi: đất tơi xốp, lúa cứng cây, không bị gãy đổ. “Lúa hữu cơ đẹp hơn hẳn so với lúa trồng theo lối truyền thống. Hạt lúa chắc mẩy. Đặc biệt, việc trồng lúa theo mô hình này có tác dụng dưỡng đất, dưỡng cây và bảo vệ sức khỏe con người”, anh Quang phân tích.  

Ông Cao Xuân Sính, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Tân cho biết, nhiều năm qua, 10 hộ dân trồng lúa theo mô hình này đều sử dụng phân hữu cơ, không dùng thuốc hóa học mà thay thế bằng các chế phẩm sinh học. Việc trồng lúa theo quy trình này vừa góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, vừa bảo đảm an toàn sức khỏe lâu dài cho nông dân trực tiếp canh tác và người tiêu dùng. 

Lúa hữu cơ sản xuất bắt đầu từ việc sử dụng giống lúa chất lượng cao là giống lúa OEM5451 có đặc đặc tính trồng ngắn ngày (100 ngày), ít sâu bệnh và thích nghi rộng. Người trồng tuân thủ cam kết liên tục cải thiện chất lượng đất bằng áp dụng phân hữu cơ được phép sử dụng và một loạt các biện pháp tự nhiên và sinh học để giảm thiểu tác động của sâu bệnh và cỏ dại mà không cần đến thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu hóa học. 

Tuy nhiên, ông Sính cho rằng sản phẩm lúa gạo sản xuất theo mô hình này vẫn bị đánh đồng và bán cùng mức giá so với lúa gạo thông thường. “Chúng tôi mong mô hình được nhân rộng. Ðể làm được điều này cần có sự liên kết giữa nhà nước, DN, nhà khoa học trong việc hỗ trợ kinh phí đầu tư ban đầu, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm và kỹ thuật canh tác để nông dân yên tâm sản xuất lúa sạch”, ông Sính nói.

Trước mắt, Hội Nông dân xã Phước Tân tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân sử dụng các loại phân vi sinh, hữu cơ, các loại thuốc có nguồn gốc sinh học trong sản xuất. Đồng thời tuyên truyền, vận động để nông dân hiểu rõ hơn về lợi ích của phân hữu cơ, nhân rộng mô hình trồng lúa sạch. Ngoài ra, Hội Nông dân xã Phước Tân cũng tăng cường tìm kiếm, phối hợp các đơn vị tiêu thụ sản phẩm sạch, an toàn nhằm bảo đảm đầu ra ổn định cho nông dân vì mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh, bền vững.

 

Nguồn: baobariavungtau.com.vn

Số lượt đọc: 6036

Về trang trước Về đầu trang