Tin KHCN trong nước
Để được cấp chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ, cần đáp ứng điều kiện nào? (14/07/2020)
-   +   A-   A+   In  

Để doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 1/2/2019 của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Thời gian qua, thông qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, ông Vũ Thế Diệp, hiện đang làm việc tại Công ty Cổ phần Tự động hóa Tân Phát (Đắk Lắk) cho biết, với thương hiệu chung là TPA, doanh nghiệp này đang cung cấp các sản phẩm và dịch vụ gồm: thiết kế các ứng dụng về Robot công nghiệp, cánh tay robot công nghiệp; thiết kế, chế tạo các dây chuyền sản xuất tự động trong nhiều ngành nghề; tư vấn các giải pháp về tự động hóa cho từng nhà máy sản xuất. Ông Diệp thắc mắc, với năng lực kinh doanh, kể trên, TPA có thể đăng ký là doanh nghiệp khoa học công nghệ hay không?

Về vấn đề này, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Lắk đã có trả lời cụ thể. Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Lắk, để doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 1/2/2019 của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Cụ thể, doanh nghiệp phải được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; Có khả năng tạo ra hoặc ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 13/2019/NĐ-CP (Văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; Quyết định giống cây trồng mới, giống vật nuôi mới, giống thủy sản mới, giống cây lâm nghiệp mới, tiến bộ kỹ thuật; Bằng chứng nhận giải thưởng đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ đã đạt được các giải thưởng về khoa học do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chủ trì, phối hợp tổ chức xét tặng giải thưởng hoặc đồng ý cho tổ chức xét tặng giải thưởng;

Quyết định công nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước; Giấy xác nhận hoặc giấy thẩm định kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách Nhà nước; Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ). Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải có doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu.

Ảnh minh họa 

Thông tin nội dung câu hỏi của ông Diệp về thương hiệu TPA chỉ mới nói sơ lược về các lĩnh vực hoạt động của Công ty Cổ phần tự động hóa Tân Phát, đây là đơn vị mang đến các giải pháp tự động hóa trong công nghiệp đời sống. Nội dung thông tin về các sản phẩm cung cấp ra thị trường chưa làm rõ sản phẩm có thuộc Điều 6 Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 1/2/2019 của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Vì vậy, Sở Khoa học và Công nghệ không có cơ sở để đánh giá năng lực Công ty có thể đăng ký doanh nghiệp khoa học và công nghệ hay không.

Để đăng ký thành lập được doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Công ty cần phải làm rõ được các thông tin sau: Chứng minh các sản phẩm, thiết kế các ứng dụng về robot công nghiệp, cánh tay robot công nghiệp; thiết kế chế tạo các dây chuyền sản xuất tự động trong nhiều ngành nghề… được hình thành hoặc ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận, văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ… được quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 13/2019/NĐ-CP.

Liên quan đến vấn đề phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, trong Chiến lược phát triển Khoa học và công nghệ Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã đặt mục tiêu đến cuối năm 2020 Việt Nam sẽ có 5.000 doanh nghiệp KHCN. Nhằm bảo đảm tính khả thi của mục tiêu đề ra, Bộ Khoa học và Công nghệ đã và đang đẩy mạnh hoạt động xây dựng hoàn thiện thể chế chính sách, trong đó bám sát các kế hoạch sửa đổi một số Luật: Đầu tư, Doanh nghiệp, Thuế thu nhập doanh nghiệp… và các văn bản hướng dẫn để bổ sung các quy định về hỗ trợ ươm tạo, hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Cùng với đó là hệ thống cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo, gồm Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn thi hành… được đồng bộ hóa để bảo đảm các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển tổ chức trung gian; cơ chế giao quyền sở hữu/quyền sử dụng kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách Nhà nước…

Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho biết, qua các thống kê và đánh giá tiềm năng thì số liệu doanh nghiệp khoa học và công nghệ chắc chắn sẽ vượt qua con số 5.000 doanh nghiệp. Và để tiếp tục thu hút doanh nghiệp đăng ký thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ đã kiến nghị và đưa ra nhiều giải pháp, trong đó phải kể tới Nghị định 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp khoa học và công nghệ có hiệu lực từ ngày 20/3/2019 với ưu đãi tốt hơn, cơ chế thông thoáng hơn.

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 4049

Về trang trước Về đầu trang