Tin KHCN trong nước
Sóc Trăng: Tận dụng phế phẩm nông nghiệp phát triển nghề trồng nấm bào ngư (31/05/2020)
-   +   A-   A+   In  

Thông qua việc thực hiện một dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội  nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025, Công ty TNHH MTV Thiên Vạn Tường (Sóc Trăng) đã xây dựng thành công mô hình trồng nấm bào ngư từ nguồn phế phẩm nông nghiệp (cùi bắp, rơm rạ), đồng thời ứng dụng công nghệ sau thu hoạch nhằm nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nấm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân (đặc biệt là hộ nghèo, đồng bào Khmer) trong tỉnh.

Nhiều nguồn phụ phẩm nông nghiệp còn lãng phí

Là quốc gia sản xuất nông nghiệp,những phụ phẩm của cây lúa, mía, bắp (ngô) như vỏ trấu, bã mía, cùi bắp, bẹ bắp, rơm rạ... thường bịđốt bỏ hoặc vứt bừa bãi ra sông rạch hay khu dân cư, vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm môi trường. Mặc dù chưa thể thống kê chính xác được số liệu phế phụ phẩm nông nghiệp thải ra sau thu hoạch nhưng theo ước tính của nhiều nhà nghiên cứu, tổng lượng phụ phẩm có thể tương đương hoặc nhiều hơn so với lượng nông sản chính mà người nông dân thu được. Việc đốt rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch là hình ảnh hết sức quen thuộc của người nông dân. Việc làm này gây nhiều tác động không tốt cho tài nguyên đất, nguồn nước, sức khỏe cộng đồng dân cư và môi trường khí hậu. Theo khuyến cáo của các chuyên gia nông nghiệp, đốt rơm rạ là cách làm không hiệu quả, bởi đốt rơm rạ thì phần dinh dưỡng trả lại cho đất không đáng bao nhiêu, mà còn khiến cho đất bị biến chất và trở nên chai cứng, khô cằn.

Sóc Trăng là tỉnh nông nghiệp, sản lượng phế phụ phẩm của ngành nông nghiệp như rơm rạ, thân lõi ngô, vỏ trấu rất rồi dào nhưng chủ yếu sử dụng để làm chất đốt hoặc vứt bỏ, gây lãng phí tài nguyên và ô nhiễm môi trường.Theo thống kê của ngành nông nghiệp Sóc Trăng, với trên 350.000 ha trồng lúa, trung bình hàng năm sản lượng lúa của toàn tỉnh đạt khoảng 2 triệu tấn, thải bỏ ra môi trường gần 1,5 triệu tấn rơm rạ, chưa kể đến các loại phụ phẩm khác như thân, lõi ngô, vỏ trấu... Đây là nguồn nguyên liệu quan trọng mà tỉnh có thể tận dụng để phát triển nghề trồng nấm nhằm chuyển đổi phương thức canh tác nông nghiệp theo hướng hữu cơ và an toàn sinh học.

Tận dụng phế phụ phẩm để sản xuất nấm và hiệu quả mang lại

Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng và Bộ KH&CN, Công ty TNHH MTV Thiên Vạn Tường đã đề xuất và được Bộ KH&CN giao thực hiện dự án: “Tận dụng phế phẩm nông nghiệp (cùi bắp, rơm rạ) để phát triển nghề trồng nấm bào ngư (Pleurotus sp.) ở tỉnh Sóc Trăng” thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025. Mục tiêu của dự án là phát triển nghề trồng nấm, góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tăng thu nhập cho đồng bào Khmer, hộ nghèo, từng bước hình thành vùng chuyên canh trồng nấm, cung cấp cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu.

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện (11/2016-4/2020), dự án đã tiếp nhận 4 quy trình phân lập, nhân giống nấm cấp I, cấp II, cấp III; 3 quy trình công nghệ nuôi trồng 3 loại nấm sò; 33 quy trình công nghệ bảo quản nấm tươi, chế biến nấm sử dụng các phế phụ phẩm nông nghiệp của địa phương (cùi bắp, rơm rạ) từ Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nấm và Công ty TNHH MTV nấm Trang Sinh. Đã sản xuất thành công giống nấm cấp 1 là 1.250 ống (vượt 250 ống), đảm bảo về chất lượng cho sản xuất nấm các cấp giống tiếp theo; số lượng giống cấp II là 3.200 chai (đăng ký là 3.000 chai), tỷ lệ giống cấp III được nhân từ giống cấp II đạt 15.350 túi giống (kế hoạch là 15.000 túi giống). Xây dựng mô hình sản xuất nấm bàongư bằng rơm rạ, lõi ngô tập trung tại Công ty (quy mô 90 tấn nấm/năm) và 30 mô hình nuôi trồng nấm phân tán cấp nông hộ (quy mô 2,5 tấn/mô hình/năm); chuyển giao và tiếp nhận công nghệ chế biến các sản phẩm từ nấm bào ngư như bào ngư đóng hộp, bào ngư đóng túi, bào ngư muối chua…

Dự án đã đào tạo được 10 cán bộ kỹ thuật cùng lực lượng công nhân nắm vững các quy trình kỹ thuật sản xuất và chế biến nấm; đồng thời tổ chức tập huấn cho 200 lượt nông dân (4 lớp x 50 người/lớp) về kỹ thuật nuôi trồng và chăm sóc nấm, xây dựng mô hình trồng nấm bào ngư trên địa bàn tỉnh… Công tác tập huấn nhân rộng mô hình đã được các cán bộ của Công ty thực hiện theo phương pháp cầm tay chỉ việc. Bà con vừa được nghe, vừa được nhìn thấy và được làm thực tế, do đó hiệu quả tập huấn cao. Đặc biệt, tại mỗi mô hình, Công ty đều bố trí 1 cán bộ kỹ thuật trực tiếp giúp đỡ bà con từ kỹ thuật làm lán, quy trình nuôi trồng, đến thu hái nấm. Ngoài ra, việc hỗ trợ thu mua, sơ chế nấm cho người dân đã giúp bà con hoàn toàn yên tâm về đầu ra cho sản phẩm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn, thực hiện có hiệu quả chính sách “Tam nông’’ của Đảng và Nhà nước.

Dự án đã tạo công việc làm cho hơn 300 lao động nông thôn thường xuyên và thời vụ, đồng thời cung cấp cho thị trường sản phẩm nấm sạch, có hàm lượng dinh dưỡng cao.Trước đây người dân trồng nấm manh mún, không tập trung và thủ công nên năng suất và chất lượng không cao. Thông qua dự án này, Công ty MTV Thiên Vạn Tường đã triển khai quy trình trồng nấm bào ngư  theo quy trình hoàn toàn khép kín, từ nguồn giống, điều khiển thời điểm ra nấm, quá trình thu hoạch, chế biến và bảo quản. Nấm ăn nói chung, nấm bào ngư nói riêng là sản phẩm thực phẩm tươi sống, thời hạn sử dụng ngắn (3 đến 5 ngày) nhưng nhờ áp dụng công nghệ chế biến, bảo quản như đóng hộp, đóng túi, ngư ủ chua nên thời hạn sử dụng sản phẩm được kéo dài, giúp tăng giá trị thặng dư cho sản phẩm nấm sau thu hoạch. Bên cạnh đó, việc tận dụng được nguồn phế liệu từ sản xuất nông nghiệp (rơm, rạ) và lâm nghiệp (mùn cưa) còn giúp hạn chế việc đốt bỏ các phế liệu này, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.Đặc biệt, thông qua việc thực hiện thành công dự án nêu trên đã giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để đầu tư mua sắm trang bị các máy móc hiện đại, tiến hành đa dạng hóa sản phẩm, giúp doanh nghiệp và nông dân gia tăng doanh thu và lợi nhuận, qua đó góp phần phát triển nền nông nghiệp, nhất là khâu chế biến nông sản sau thu hoạch tại địa phương.

Trong sản xuất nông nghiệp, vấn đề quan tâm nhất đối với người sản xuất là đầu ra của sản phẩm, nhất là sản phẩm mới đối với địa phương như các loại nấm ăn, nấm dược liệu.Để đảm bảo sản xuất nấm bền vững, khắc phục tình trạng “được giá thì mất mùa và được mùa thì rớt giá”,Công ty TNHH MTV Thiên Vạn Tường đã có các giải pháp xúc tiến thương mại như: ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp trong nước, quảng bá và giới thiệu sản phẩm nấm tại các hội chợ, gian hàng triển lãm tại Sóc Trăng, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh khu vực lân cận. Hiện tại, Công ty đang triển khai mô hình liên kết sản xuất nấm bào ngư xám và đa dạng hóa các sản phẩm đầu ra để mở rộng thị trường tiêu thụ,góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Nguồn: vjst.vn

Số lượt đọc: 5624

Về trang trước Về đầu trang