Tin KHCN trong nước
Ninh Thuận áp dụng biện pháp tăng sức cạnh tranh cho giống táo mới (15/05/2020)
-   +   A-   A+   In  
Để nâng cao giá trị kinh tế từ cây táo, tỉnh Ninh Thuận đang tích cực mở rộng vùng sản xuất táo theo tiêu chuẩn VietGAP, canh tác theo hướng hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch.

Với ưu điểm quả to, chất lượng thơm ngon, giống táo mới TN-05 được trồng thử nghiệm tại tỉnh Ninh Thuận bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao, giúp tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm táo tươi địa phương trên thị trường.

Giống táo này do Viện nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố (thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) nghiên cứu chọn tạo.

Theo Trung tâm Bảo vệ thực vật (Viện nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố), qua theo dõi tại các vùng sinh thái khác nhau, giống táo mới TN-05 thể hiện nhiều ưu điểm vượt trội như cây có thể trồng trên nhiều nền chân đất khác nhau; khả năng kháng sâu bệnh cao; cây ra hoa, đậu quả tốt trong điều kiện khí hậu khô nóng của Ninh Thuận.

Trung bình mỗi ha trồng từ 500-600 cây, từ lúc cắt cành đến khi thu hoạch lứa quả đầu tiên khoảng 160 ngày. Tùy theo chế độ canh tác, giống táo TN-05 cho năng suất thu hoạch bình quân từ 30-40 tấn quả/ha/vụ, sản xuất được 2 vụ/năm.

Thạc sỹ Nguyễn Văn Chính, Giám đốc Trung tâm bảo vệ thực vật, cho biết giống táo TN-05 có đặc điểm quả rất to. Nếu chăm sóc tốt có thể đạt tới khối lượng từ 200-250 gram/quả, trung bình 4-5 quả/kg, trong khi các giống táo thường quả nhỏ từ 10-20 quả/kg. Táo TN-05 khi chín có màu xanh nhạt, ăn giòn, vị ngọt thanh có thể đạt đến 15%.

Với ưu điểm vượt trội về chất lượng, táo TN-05 đang được thị trường ưa chuộng. Tùy thời điểm, táo TN-05 loại một tuyển chọn có giá bán lẻ từ 20.000-30.000 đồng/kg, loại hai giá bán dao động từ 10.000-15.000 đồng/kg; trong khi đó táo thường có giá từ 6.000-8.000 đồng/kg. Theo tính toán nếu canh tác đúng quy trình, mỗi ha trồng táo giống mới này có thể cho doanh thu bình quân từ 400-500 triệu đồng/năm.

Giám đốc Trung tâm bảo vệ thực vật cho biết thêm tỉnh Ninh Thuận đang trồng thử nghiệm trên 5ha giống táo mới TN-05. Viện nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố đang hoàn thiện hồ sơ để chứng nhận cây đầu dòng, sắp tới đề xuất cơ quan chức năng chứng nhận giống cây sản xuất thử đối với giống táo này. Đây là cơ sở để đưa giống táo mới vào sản xuất đại trà, giúp người dân lựa chọn thay thế cho một số giống táo cũ đang bị thoái hóa. Cách làm này nhằm đa dạng cơ cấu bộ giống táo phục vụ sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng táo hiện nay.

 
Ninh Thuan ap dung bien phap tang suc canh tranh cho giong tao moi hinh anh 1
Giống táo mới TN-05 có đặc điểm trái to, ăn giòn, vị ngọt thanh, độ brix có thể đạt đến 15%. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Cùng với đó, Viện nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện tối ưu quy trình kỹ thuật canh tác với mô hình trồng táo TN-05 an toàn trong nhà lưới, từ đó chuyển giao nhân rộng cho các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Mô hình này có ưu điểm như màn lưới che chắn không cho côn trùng, ruồi vàng xâm nhập đục quả, hạn chế phun thuốc bảo vệ thực vật. Theo đó, màn lưới giúp cản bớt ánh sáng mặt trời chiếu vào quả táo, bảo vệ quả bớt bị rám vỏ và sậm màu, hạn chế mưa gió gây rụng quả; đồng thời không lo ngại côn trùng xâm nhập nên thời gian để táo chín lâu hơn, chất lượng quả táo ngon hơn, giá bán cũng cao hơn.

Ninh Thuận là địa phương có diện tích trồng táo lớn so với cả nước. Toàn tỉnh hiện có 1.020ha táo, dự kiến năm 2020 mở rộng diện tích lên 1.100ha với sản lượng 43.300 tấn. Táo Ninh Thuận đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ Giấy chứng nhận Nhãn hiệu tập thể “Táo Ninh Thuận” vào năm 2013; được Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận công nhận là 1 trong 12 sản phẩm đặc thù giai đoạn 2018-2020.

Để nâng cao giá trị kinh tế từ cây táo, tỉnh Ninh Thuận đang tích cực mở rộng vùng sản xuất táo theo tiêu chuẩn VietGAP, canh tác theo hướng hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết “4 nhà” để thực hiện tốt từ khâu sản xuất, đăng ký thương hiệu, tìm kiếm đầu ra sản phẩm; tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm chế biển từ quả táo nhằm đáp ứng nhu cầu dạng của thị trường, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân./.

Nguồn: TTXVN/Vietnam+

Số lượt đọc: 4620

Về trang trước Về đầu trang