Tin KHCN trong nước
Hoàn thiện công nghệ và sản xuất thử nghiệm sản phẩm khăn (khăn tắm, khăn ăn, khăn mặt...) từ sợi vitxco và vitxco pha bông (07/05/2020)
-   +   A-   A+   In  

Xơ sợi vitxco có hàm ẩm ở mức tương đối cao (10-12%) lớn hơn so với với hàm ẩm của bông. Do đó các sản phẩm khăn từ sợi vitxco, vitxco pha bông có tính thấm mồ hôi và nhả ẩm tốt tạo cảm giác dễ chịu cho ngƣời sử dụng. Xơ vitxco pha với xơ bông hàm lượng xơ bông thấp để tăng độ bền, độ xốp cho khăn đặc biệt là độ dựng của vòng bông tạo cảm giác xốp cho khăn.

Hiện nay, việc ứng dụng nguyên liệu xơ, sợi nhân tạo cho ngành dệt may là rất cần thiết. Ở nước ta đã triển khai thực hiện một số đề tài, dự án nghiên cứu về xơ sợi nhân tạo, đạt được một số thành công nhất định. Nguyên liệu từ xơ nhân tạo (xơ vitxco, modal...) đã được đưa vào sử dụng để sản xuất khăn, tuy nhiên những sản phẩm từ loại xơ này có giá thành cao, một số đặc tính chất lượng chưa phù hợp yêu cầu của người sử dụng (độ bền thấp, độ hút hơi nước thấp...), số lượng người tiêu dùng ít. Viện Dệt may đã thực hiện 02 đề tài và 01 dự án nghiên cứu liên quan tới công nghệ xử lý và sản xuất hàng dệt may từ xơ nhân tạo. Kết quả của đề tài và dự án nghiên cứu khoa học và phát triển khoa học công nghệ đã được hội đồng KHCN các cấp đánh giá, kiến nghị áp dụng. Tuy nhiên kết quả áp dụng của đề tài và dự án vẫn còn hạn chế.

Để có thể hoàn thiện các quy trình công nghệ cho sản phẩm khăn làm từ sợi vitxco và vitxco pha bông và để khắc phục được nhược điểm trên, tạo sản phẩm khăn phù hợp với thị yếu của người tiêu dùng, thì cần thiết phải hoàn thiện công nghệ để nâng cao chất lượng trong các khâu sản xuất, đồng thời tính toán phương án pha xơ vitxco với xơ bông để hạn chế những nhược điểm của hai loại xơ này tạo nên sản phẩm khăn có tính xốp, ngoại quan bóng đẹp, độ mềm mại hợp lý, tăng độ bền sử dụng cho khăn, hạ giá thành sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu chất lượng, phù hợp với người tiêu dùng trong nước, tiến tới xuất khẩu. Dự án “Hoàn thiện công nghệ và sản xuất thử nghiệm sản phẩm khăn (khăn tắm, khăn quấn, khăn mặt...) từ sợi vitxco và vitxco pha bông” do ThS. Phạm Văn Lượng, Viện Dệt May làm chủ nhiệm sẽ tiếp tục hoàn thiện quy trình công nghệ, ứng dụng vào sản xuất khăn trên quy mô công nghiệp với trang thiết bị hiện có đáp ứng yêu cầu chất lượng.

Qua quá trình nghiên cứu thực hiện, nhóm dự án đã hoàn thành các nội dung chủ yếu trong hợp đồng nghiên cứu khoa học của dự án, bao gồm:

- Hoàn thiện và xác lập các thông số công nghệ kéo sợi vitxco và vitxco pha bông với chi số Ne 30, Ne20 tại xưởng thực nghiệm kéo sợi của Viện dệt may. Đưa ra sơ đồ công nghệ cho kéo sợi vitxco và vitxco pha bông. Chất lượng sợi đáp ứng các yêu cầu của hợp đồng dự án cũng như yêu cầu để sản xuất khăn.

- Hoàn thiện công nghệ dệt, nhuộm và xử lý hoàn tất cho khăn từ sợi vitxco và vitxco pha bông. Đã đưa ra các thông số công nghệ cần quan tâm như: Nồng độ hồ sợi nổi vòng, độ ẩm của sợi sau khi hồ, nhiệt độ - nồng độ - thời gian trong quá trình tiền xử lý và nhuộm. Đồng thời đưa ra sơ đồ công nghệ nấu tẩy và nhuộm cho khăn.

- Dự án đã đào tạo cán bộ kỹ thuật và công nhân thực hiện quản lý công nghệ kéo sợi, xe sợi, dệt, nhuộm và hoàn tất sản phẩm khăn

+ Đào tạo 15 cán bộ quản lý thiết bị và công nghệ dây chuyền kéo sợi, xe sợi vitxco và vitxco pha bông;

+ Đào tạo 15 cán bộ quản lý thiết bị và công nghệ dây chuyền dệt, nhuộm, xử lý hoàn tất sản phẩm khăn;

+ Đào tạo 20 công nhân vận hành dây chuyền kéo sợi, xe sợi vitxco và vitxco pha bông;

+ Đào tạo 30 công nhân vận hành dây chuyền dệt, nhuộm, xử lý hoàn tất sản phẩm khăn.

- Dự án đã ổn định công nghệ và tổ chức sản xuất được:

+ Sản xuất thử nghiệm 60 tấn sợi vitxco, vitxco pha bông các loại; 

+ Dệt thử nghiệm 15,5 tấn khăn mộc;

+ Tẩy-nhuộm-hoàn tất thử nghiệm 15 tấn khăn thành phẩm.       

Chất lượng sản phẩm được khách hàng chấp nhận. Quan trọng hơn là chủ động được sợi vitxco và vitxco pha bông nên sản phẩm khăn sử dụng loại sợi này đang chiếm ưu thế trên thị trường với các đặc tính ưu việt nhất là sản phẩm Vitxco pha bông. 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 14831/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

 

Nguồn: http://www.vista.gov.vn/

Số lượt đọc: 5373

Về trang trước Về đầu trang