Tin KHCN trong nước
Học sinh làm hệ thống chống buồn ngủ cho tài xế (16/01/2020)
-   +   A-   A+   In  
Hệ thống này được lắp đặt đối diện với tài xế ôtô. Khi phát hiện tài xế có dấu hiệu buồn ngủ, hệ thống sẽ đưa ra cảnh báo bằng âm thanh để đánh thức.

Tính năng trên chính là hiệu quả của hệ thống cảnh báo tài xế ôtô ngủ gật do hai em học sinh ở Thừa Thiên Huế tạo ra. Đó là em Hàn Thọ Nhật Phú và Hoàng Quốc Huy (trường THPT An Lương Đông, huyện Phú Lộc) cùng sự hướng dẫn của thầy Đào Văn Phụng.

 

Học sinh làm hệ thống chống buồn ngủ cho tài xế - 1

Phát hiện tài xế có ngủ gật hay không. Ảnh: NVCC.

 

Theo Phú, hiện tượng ngủ gật đang tham gia giao thông của tài xế đường dài khá phổ biến. Điều này thực sự rất nguy hiểm cho bản thân tài xế và những người tham gia giao thông khác.

 

“Nếu gõ từ khóa tai nạn do tài xế ngủ gật thì có đến 1.490.000 kết quả. Điều này khiến chúng em cảm thấy phải có một phần trách nhiệm tìm kiếm hướng giải quyết. Từ vấn đề cấp thiết trên, chúng em đã xây dựng hệ thống dựa trên nền tảng hệ điều hành mã nguồn mở Ubuntu”, Phú chia sẻ.

 

Trải qua nửa năm trời, các bạn tiến hành tìm hiểu và nghiên cứu các sản phẩm đi trước để cho ra đời sản phẩm của nhóm. Hệ thống được xây dựng gọn nhẹ, dễ sử dụng, giúp tài xế tránh được những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. Theo đó, khi phát hiện tài xế buồn ngủ hoặc ngủ gật, hệ thống sẽ đưa ra cảnh báo bằng âm thanh kịp thời. 

 

Hệ thống được lắp đặt đối diện với tài xế ôtô. Ánh sáng trong xe cần để ở mức vừa phải và không chiếu trực tiếp vào camera gây ảnh hưởng khả năng nhận biết của hệ thống. Các thuật toán được lập trình trong hệ thống có nhiệm vụ phát hiện trạng thái nhấp nháy mắt của tài xế theo thời gian thực.

 

Học sinh làm hệ thống chống buồn ngủ cho tài xế - 2

Sơ đồ hoạt động của hệ thống. Ảnh: Nhật Tuấn.

 

Tiếp đó, camera sẽ quét và tính khoảng cách giữa 2 mí mắt. Nếu mắt nhắm dưới mức đã cho trong khoảng thời gian tầm 1 - 3 giây sẽ phát ra cảnh báo.

 

Phú chia sẻ: “Hệ thống có thể gửi tin nhắn đến tài xế và chủ sở hữu công ty quản lý (đối với taxi, xe bus) để có biện pháp cảnh báo, khắc phục và quản lý giờ giấc lái xe của tài xế. Hệ thống được lập trình trên một CPU thu nhỏ tích hợp cổng kết nối camera và loa nên có thể dễ dàng điều chỉnh theo nhu cầu người sử dụng”.

 

Hệ thống là sản phẩm di động có thể di chuyển và lắp đặt ở bất kì vị trí thuận lợi nào với độ chính xác khá cao, cảnh báo nhanh. Ngoài ra, việc lắp đặt, bảo hành, bảo trì nhanh chóng, dễ dàng nâng cấp, thuận lợi và tiết kiệm chi phí. Hệ thống này vận hành khá tốt trong điều kiện thiếu sáng.

 

Qua kiểm tra thực nghiệm ở khoảng cách so với mắt là 40cm và 100cm, thu được kết quả chính xác là 88%.

 

“Hiện tại, sản phẩm của nhóm có thể đưa vào sử dụng nhưng chúng em muốn cải thiện độ nhận diện chính xác cao hơn mức 88% trước khi áp dụng thực tiễn. Sản phẩm này sẽ giúp cho các tài xế có thêm được một lựa chọn trong các sản phẩm cảnh báo ngủ gật hiện tại với giá thành thấp, chưa đến 2 triệu đồng”, Huy nói thêm.

 

Mới đây, sản phẩm này vừa giành giải Nhì cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2019.

 

Học sinh làm hệ thống chống buồn ngủ cho tài xế - 3

Đại diện nhóm nhận giải tại cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2019. Ảnh: Nhật Tuấn.

Trao đổi với PV Tạp chí Khám phá, thầy Đào Văn Phụng, giáo viên hướng dẫn hai em cho biết, Phú và Huy đam mê nghiên cứu khoa học kỹ thuật, chăm ngoan.

 

“Đề tài có tính ứng dụng cao, mang tính sáng tạo, thực tế. Vì hiện nay, số vụ tai nạn giao thông do tài xế ngủ gật rất nhiều. Do đó, khi tài xế có dấu hiệu ngủ gật, thì hệ thống sẽ báo qua tin nhắn điện thoại và qua chuông báo. Sắp tới, nhóm sẽ cải tạo hệ thống nhỏ gọn, tiện dụng cho người dùng. Đề tài rất cần sự quan tâm của các doanh nghiệp để nhân rộng”, thầy Phụng cho biết thêm.

Nguồn: khampha.vn

Số lượt đọc: 3308

Về trang trước Về đầu trang