Tin KHCN trong nước
Khoa học và công nghệ: “Chìa khóa” để Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình (06/12/2019)
-   +   A-   A+   In  

Việt Nam đang ở bước ngoặt quan trọng trong tiến trình phát triển. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng khoa học và công nghệ (KH&CN) mới là yếu tố quyết định cho tăng trưởng trong dài hạn, là chìa khóa để chúng ta vượt qua trạng thái dừng, thoát bẫy thu nhập trung bình, đạt tăng trưởng kinh tế cao, vươn lên sự thịnh vượng của quốc gia, của dân tộc.

Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ (1959- 2019) và vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, diễn ra ngày 30/11, tại Hà Nội.

 

Nền tảng phát triển bền vững

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thực tiễn đã cho thấy nhiều nước giàu tài nguyên nhưng cũng có những nước không có tài nguyên mà vẫn đạt được tăng trưởng kinh tế cao. Yếu tố quan trọng tạo nên sự khác biệt đó chính là KH&CN. Nhân loại ngày càng khan hiếm tài nguyên tự nhiên để khai thác. Việt Nam cũng vậy nhưng chúng ta lại có tài nguyên vô tận, đó chính là chất xám, là sự sáng tạo của con người, của chính tiềm năng trong mỗi chúng ta.

 

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại sự kiện

 

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam những năm gần đây đang đi đúng hướng và tích cực, thể hiện ngày càng giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô và mở rộng tín dụng. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện rõ nét, thể hiện qua tốc độ tăng năng suất lao động, đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tăng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên khoảng 43,5% giai đoạn 2016-2020.

 

KH&CN ngày càng đóng góp nhiều vào giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa, trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam liên tục tăng và năm 2019 xếp thứ 42/129 quốc gia và đứng thứ 3 trong khối ASEAN.

 

Chúng ta đang xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 với khát vọng đưa đất nước ta phát triển thịnh vượng. Hơn bao giờ hết, chúng ta phải tiếp tục đổi mới tư duy cũng như hành động một cách quyết liệt nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, đặc biệt là phát huy mạnh mẽ nguồn vốn trí tuệ và sức sáng tạo của con người Việt Nam.

 

“Chúng ta cần phải có một bước chuyển đổi về mặt chiến lược để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng kết hợp phát triển công nghệ trong một số ngành, lĩnh vực mới có thế mạnh” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, đồng thời nhấn mạnh, cần phải xác định KH&CN và đổi mới sáng tạo phải là nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững của đất nước, là lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực chính của mô hình phát triển kinh tế xã hội, đồng thời phải làm tốt hơn nữa sự phối hợp giữa Nhà nước và xã hội trong việc phát triển KH&CN kết hợp tốt hơn giữa nội lực và ngoại lực trong phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo.

 

Dỡ bỏ rào cản, giải phóng tối đa tiềm năng sáng tạo

Trước những cơ hội và thách thức mới trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và xu thế như: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hiệp định CPTPP và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, để KH&CN thực sự trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước nhanh chóng ra khỏi nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình và cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, cần tiếp tục kiên trì thực hiện các giải pháp đổi mới toàn diện và đồng bộ cơ chế quản lý KH&CN, phát triển tiềm lực và trình độ KH&CN.

 

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục nỗ lực phát huy sức sáng tạo của nhân dân, nhiệt huyết nghiên cứu của cộng đồng các nhà khoa học công nghệ, nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp. Đồng thời, tập trung phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các ban, ủy ban, bộ, ngành, cơ quan ở trung ương và địa phương, cộng đồng các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

 

Đó là, tiếp tục đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm và trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh. Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia để phát triển mạnh lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng nhanh; tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp về kinh tế, thương mại, đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh để kích cầu công nghệ và nhu cầu đổi mới sáng tạo từ khu vực doanh nghiệp.

 

 

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh phát biểu

 

Bên cạnh đó, tăng cường năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp thông qua tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp đầu tư lập quỹ phát triển KH&CN, thành lập viện nghiên cứu, doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Tăng cường hợp tác công tư trong triển khai các dự án công nghệ quy mô lớn và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.

 

Đối với các trường đại học, cùng với đào tạo, nghiên cứu khoa học phải là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; tiếp tục đổi mới hoạt động quản lý KH&CN theo hướng dỡ bỏ các rào cản, giải phóng tối đa tiềm năng sáng tạo. Phát triển đội ngũ cán bộ khoa học mạnh, kết hợp đồng thời các biện pháp động viên, khuyến khích và đặt yêu cầu trở lại đối với nhà khoa học; đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế, thúc đẩy hợp tác nghiên cứu chung để tranh thủ nguồn lực và tri thức của các quốc gia tiên tiến, đồng thời từng bước nâng tầm năng lực và trình độ nghiên cứu trong nước…

 

PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra hết sức mạnh mẽ, tác động đến gần như mọi phương diện của đời sống xã hội toàn cầu. Nhiều ngành, nghề truyền thống vốn phổ biến một thời nay nay đứng trước thách thức có thể bị thay thế bởi robot và trí tuệ nhân tạo; không ít vị trí công việc được tích hợp theo hướng đa lĩnh vực và liên/xuyên ngành…

 

Trong bối cảnh đó, việc Bộ KH&CN xác định “ưu tiên phát triển một số lĩnh vực liên ngành giữa khoa học tự nhiên với khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển bền vững” cho thấy sự phù hợp với xu hướng vận động chung của khoa học công nghệ thế giới hiện nay. Quan trọng hơn, nó thể hiện sự bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong Nghị quyết số 20 (ngày 31/10/2012) của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

 

 

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện các bộ, ngành tham quan Triển lãm thành tựu 60 năm ngành KH&CN

 

Từ phía doanh nghiệp, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phẩn ô tô Trường Hải (THACO) chia sẻ, trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước rất quan tâm chỉ đạo và ban hành cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động đổi mới, ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

 

Chủ trương lớn này đã được Bộ KH&CN tập trung triển khai xuyên suốt thông qua nhiều công việc cụ thể như: Xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghệ, về chuyên gia công nghệ, xây dựng bản đồ công nghệ; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ; tham gia các sự kiện kết nối cung cầu công nghệ, chợ công nghệ và thiết bị ở trong nước và quốc tế….

 

Bộ KH&CN, tiền thân là Ủy ban Khoa học Nhà nước, được thành lập theo Sắc lệnh số 016-SL ngày 4/3/1959 của Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày nay, KH&CN tiếp tục có những bước tiến quan trọng về mọi mặt, đóng góp thiết thực cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân và củng cố quốc phòng, an ninh.

 

 

Nguồn: Congthuong.vn

Số lượt đọc: 2669

Về trang trước Về đầu trang