Đề tài đặt ra mục tiêu nghiên cứu tổng quan về máy in ruban, từ đó phân tích, thiết kế, mô phỏng và kiểm tra chuyển động trên các phần mềm CAD. Từ kết quả nghiên cứu, chế tạo cụm đơn vị in, hệ trục lô chính, hệ trục lô ép in, lắp đặt hệ thống điện và bộ điều khiển phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. Sau đó, vận hành thử nghiệm, hiệu chỉnh thông số, xây dựng qui trình vận hành, bảo dưỡng và áp dụng thử nghiệm để đánh giá khả năng sử dụng trong thực tế.
Trên cơ sở các mục tiêu của đề tài đã đặt ra, đề tài đã thực hiện nghiên cứu trên cơ sở lý thuyết và tiến hành thực nghiệm với máy in nhãn vải cho hàng may mặc với tốc độ in tối đa là 1,2 m/s, khổ vải có kích thước tối đa 105 mm. Đề tài đã thực hiện tính toán thiết kế các hệ truyền động máy in, thiết kế phần điện và điều khiển cùng với tính toán bộ sấy mực sau khi in.
Trên cơ sở tính toán thiết kế, máy in đã được chế tạo và được vận hành thử nghiệm, hiệu chỉnh thông số, xây dựng qui trình vận hành, bảo dưỡng và áp dụng thử nghiệm để đánh giá khả năng sử dụng trong thực tế là kết quả của nghiên cứu này. Máy đã được trang bị màn hình giao tiếp với người sử dụng kèm theo các hỗ trợ cảnh báo về công nghệ in để đảm bảo lỗi sản phẩm ở mức thấp nhất.
Kết quả in mẫu của máy in đã được kiểm định tại Viện Dệt may Việt Nam với kết luận đạt chất lượng ngoại quang. Ngoài ra, máy in cũng đã được vận hành thực nghiệm tại công ty TNHH TM DV Tân Thái Phương chuyên cung cấp và in ấn nhãn sử dụng trong ngành may mặc đã cho kết quả đáp ứng yêu cầu của người sử dụng với độ lệch chồng màu ngang cuộn tối đa là 0,1 mm; độ lệch chồng màu dọc cuộn tối đa là 0,2 mm.
Tính năng giám sát các thông số máy trong quá trình in là ưu việt hơn các máy cùng loại hiện có trên thị trường. Giá thành sản phẩm cũng là một ưu thế trong khi thực tế chưa có máy nội địa được sử dụng tại các công ty in tại Việt Nam.